Điện Biên Phủ vượt qua thời gian!

08:04, 11/04/2014

Trên con đường lớn trở lại Điện Biên hôm nay, qua rừng, qua núi, những ngã ba đường, ngã ba sông, trở lại với những địa danh nổi tiếng: Đèo Lũng Lô, phà Tạ Khoa, Cò Nòi, Sơn La, Pha-đin, Tuần Giáo… Những cái tên còn mãi trong ký ức những người lính Điện Biên năm xưa, những con đường cả nước cùng ra trận.

Là một nhà báo nhiều năm thường trú ở Việt Bắc, Tây Bắc, hôm nay gặp lại những cành hoa ban nở bên đường, lại nhớ anh Lương Quy Nhân, Trưởng Ty Văn hoá, Phó Chủ tịch tỉnh Lai Châu xưa, một nhà thơ dân tộc Thái và những câu thơ đầy tình yêu của anh với vùng đất Điện Biên quê mình:

“… Cơm Điện Biên mịn, dẻo, thơm ngon
Người Điện Biên dũng cảm kiên cường
Các loại rau ăn như biết nói
Các loại quả ăn như biết cười
Các loại hoa thơm không biết ngủ say…”

Có lẽ đã có đến hàng ngàn những nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, họa sĩ, các nhà điện ảnh, nhiếp ảnh… trong và ngoài nước đã đến với Điện Biên Phủ - vùng đất chiến trường xưa nổi tiếng. Và đã có hàng vạn trang sách viết về Điện Biên Phủ với những ngôn ngữ khác nhau, có mặt trên khắp thế giới. Điện Biên Phủ một biểu tượng của sức mạnh Việt Nam, của trí tuệ Việt Nam. Điện Biên Phủ, một danh từ Việt Nam đã trở nên quen thuộc với các dân tộc, nhất là các dân tộc Á Phi, đã một thời là thuộc địa của chủ nghĩa thực dân. Mấy chục năm trước đây, tôi đã từng nghe tiếng hô “Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ” từ một băng ghi âm do nhà thơ Huy Cận đi họp hội nghị quốc tế đem về!

Điện Biên Phủ đã vang vọng khắp thế giới!

Tại căn cứ Việt Bắc, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TL
Tại căn cứ Việt Bắc, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TL

Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Tôi đã đi chiến dịch nhiều lần, kể cả những chiến dịch lớn Biên giới, Hoà Bình, Tây Bắc, nhưng chưa bao giờ chứng kiến một quang cảnh hùng tráng như mùa xuân năm đó”. Trong hồi ký của mình, Đại tướng kể: “Từ Điềm Mặc tới Lục Giã, đi ngựa khoảng vài giờ. Trời mưa. Con đường mòn lầy lội chạy dưới chân núi Hồng, qua những rừng vầu, những thửa ruộng bậc thang, những bản nhỏ thưa thớt.

Nửa buổi sáng, tới Tỉn Keo, một bản của thôn Lục Giã, nằm ở chân núi. Từ đây có đường sang Tân Trào qua đèo De. Lên một đoạn dốc không xa, đã nhìn thấy ngôi nhà tre nhỏ lấp ló bên sườn núi, giữa rừng vầu. Bác Hồ ở Khuổi Tát, một bản nhỏ người Dao tận trên đỉnh núi. Ngôi nhà này là nơi Bác thường đến họp với Bộ Chính trị. Những cánh cửa sổ bằng nứa đã được chống cao. Trong nhà có một bàn tre rộng và mấy chiếc ghế ghép bằng ống bương…

Chốc lát, Bác, anh Trường Chinh, anh Phạm Văn Đồng cùng tới. Anh Nguyễn Chí Thanh không đến họp được vì đang mệt. Cuộc họp lần này có triệu tập thêm anh Hoàng Văn Thái”.

Trong tư liệu về Điện Biên Phủ của tôi vẫn còn bức ảnh lịch sử đó. Tấm ảnh chỉ có 5 người. Những gương mặt thận trọng và những vầng trán rộng đang cúi xuống một tấm bản đồ trải trên bàn. Bác Hồ của chúng ta năm ấy đã 63 tuổi, đứng giữa, tay cầm một chiếc thước nhỏ đang chỉ trên bản đồ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp 42 tuổi, đứng cạnh đồng chí Trường Chinh. Phía bên phải Bác là đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Hoàng Văn Thái. Sau này tướng Hoàng Văn Thái là Tham mưu trưởng Mặt trận Điện Biên Phủ, cùng ở chỉ huy sở Mường Phăng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trước khi lên đường đi Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Tôi lên Khuổi Tát chào Bác trước khi lên đường, Bác dặn: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận. Tướng quân tại ngoại, trao cho chú quyền quyết định. Trận này quan trọng phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Tôi cảm thấy nhiệm vụ lần này thật nặng...”.

Trong cuốn hồi ký của mình, Uyn-phrết Bớc-sét, một nhà báo quốc tế nổi tiếng, đã từng làm phóng viên cho báo Luân Đôn hằng ngày viết: “Trên đường đến Việt Nam, tôi nghe đài sóng ngắn và thấy rằng phần nhiều tin từ Hà Nội bị Pháp chiếm đóng đều nói về một địa điểm gọi là Điện Biên Phủ. Người Pháp đã chiếm được nơi này để làm căn cứ tiến công Việt Minh từ phía sau và để quét sạch các Sở chỉ huy của họ...”.

Bớc-sét tìm đến Chiến khu Việt Bắc và ông đã được gặp Bác Hồ. Nhà báo kể: “Dường như không thể tin được, nhưng thực sự chẳng có gì đáng nghi ngờ. Con người mảnh khảnh với chòm râu dài từ trong cánh rừng bước ra, gậy cầm tay, áo vắt vai, không phải ai khác mà đó chính là Cụ Hồ Chí Minh truyền thuyết...”.

Câu hỏi rõ ràng đầu tiên của tôi là điều gì đang xảy ra ở Điện Biên Phủ? Bác Hồ lật ngửa chiếc mũ lưỡi trai che nắng của Người xuống bàn, đưa mấy ngón tay mảnh khảnh vòng quanh vành mũ, Bác nói:

- Đây là rừng núi, nơi có các lực lượng của chúng tôi. Dưới này là thung lũng Điện Biên Phủ, ở đó là người Pháp và những đội quân tinh nhuệ nhất. Họ sẽ không bao giờ ra được, tuy có thể mất một ít thời gian...

- Một Stalin-grát ở Đông Dương?

- Trên một phạm vi khiêm tốn, vâng, hơi giống Stalin-grát!

Và nhà báo Bớc-sét viết: “Như tôi đã phát hiện trong nhiều cuộc gặp về sau, nét điển hình ở Cụ Hồ Chí Minh là chỉ với một vài từ, hoặc một vài hình ảnh, Cụ Hồ đã có thể trình bày được những vấn đề rất phức tạp. Hình ảnh những quân tinh nhuệ nhất của đội quân viễn chinh Pháp lại nhốt vào đáy mũ lưỡi trai của Cụ sẽ là một cuộc chiến đấu lịch sử khi lên tới đỉnh cao”.

Trong rừng Việt Bắc, nhà báo Bớc-sét cũng đã gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng và ông mô tả: “Ông Phạm Văn Đồng mảnh dẻ với đôi mắt sâu rực cháy, đang bị bệnh sốt rét kinh niên và hậu quả của 6 năm bị giam cầm tại hòn đảo địa ngục Côn Đảo... Ông sẽ sớm đi Giơ-ne-vơ để lãnh đạo phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị nhằm chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương”.

Song, Bớc-sét viết: “Người duy nhất trong các nhà lãnh đạo chính mà tôi không gặp được trong chuyến thăm đầu tiên ấy là ông Võ Nguyên Giáp, người đứng đầu các lực lượng vũ trang Việt Nam. Cụ Hồ Chí Minh giải thích: “Lúc này đồng chí Võ Nguyên Giáp đang bận việc gì đó!”. Một vài ngày sau, lực lượng của Tướng Giáp, dưới sự chỉ huy tại chỗ của ông, đã bắt đầu cuộc tiến công vào những tiền đồn bảo vệ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”.

Cũng trong cuốn hồi ký này, nhà báo Bớc-sét viết tiếp: “Nếu quân Pháp có thể thấy được những điều xảy ra ban đêm trên các con đường vượt qua đèo núi để đến những chiến trường quyết định đó, thì sự sửng sốt của họ sẽ giảm đi rất nhiều khi bị pháo của Việt Minh tấn công. Từ xe tải đến xe bò, từ xe đạp đến lưng con người, mọi hình thức có thể nghĩ ra được để chở hàng tiếp tế đều đã vượt qua rừng, lên núi, xuống đèo, tiến vào Điện Biên Phủ... Chỉ ban đêm người ta mới có cảm giác là cả một dân tộc đang có chiến tranh...

*

 60 năm đã qua, Điện Biên Phủ đã vượt qua thời gian và sẽ còn mãi trong trí nhớ nhân loại!

Những nhà nghiên cứu chính trị và lịch sử của Pháp, Anh, Mỹ, Nga, Đức... đều viết về Điện Biên Phủ với những lời ca ngợi khác nhau. Trong bài báo “Chiến tranh nhân dân bằng quân đội nhân dân”, nhà nghiên cứu Giê-ra Sa-li-ăng đã cho rằng Việt Minh có tài tổ chức tuyệt vời, họ đã đưa được pháo hạng nặng từ căn cứ lên chiến trường rừng núi và ngụy trang khéo léo để không bị lộ. Họ cũng đã tổ chức khâu hậu cần, một công việc ngoài sức tưởng tượng đến kinh hoàng… Và ông cho đó là một trong những nguyên nhân thắng trận.

Thành phố Điện Biên Phủ hôm nay.
Thành phố Điện Biên Phủ hôm nay. Ảnh: Internet.

Jules Roy - tác giả cuốn sách “Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp”, người đã trực tiếp đến Điện Biên Phủ sau chiến tranh, đã viết: “Việt Nam chắc chắn là một trong những dân tộc bị thử thách nhiều nhất, trong số những dân tộc đáng trọng nể nhất”.

Tác giả cho rằng nhiều người đã đưa ra những nguyên nhân thất bại của Điện Biên Phủ, song cuối cùng người ta đã giải thích bằng sự dũng cảm và thông minh của đối phương, những con người tầm vóc thì nhỏ bé nhưng lòng dũng cảm thật là vĩ đại. Khi đến chiến trường Điện Biên Phủ, ông viết: “Lỗi tại ai, chiến bại này? - Trước hết tại chất lượng cao của những đối thủ trước mặt ta… Các vị tướng trong quân đội họ không có gì phân biệt với lính thường, nếu không phải là tuổi tác và màu những ngôi sao đính ở cổ áo. Quân phục của họ cũng được may bằng cùng một thứ vải, đi cùng một loại giầy thô, chiếc mũ cối không phân biệt tí nào giữa người nọ với người kia. Các vị đại tá cũng lội bộ như binh nhì. Họ sống bằng gạo họ mang theo. Không có những cô thư ký xinh đẹp… Những cờ hiệu phấp phới trong gió…”.

Khi đọc những dòng này, tôi bỗng nhớ đến một tư liệu khác đã viết về Đờ Cát. Ngay tại căn hầm ở Điện Biên Phủ, bữa ăn của ông ta vẫn luôn thịnh soạn, dao, nĩa, thìa đều bằng bạc… Trong số các tên phụ nữ Pháp được Đờ Cát lấy làm bí danh đặt cho các cứ điểm ở Điện Biên Phủ có tên riêng của ba cô “bồ” của ông ta. Đó là Isabelle (Hồng Cúm), Gabrielle (Độc Lập) và Beatrice (Him Lam)!

Điện Biên Phủ còn mãi mãi vang vọng khắp thế giới!

Hay nói như nhà thơ Tố Hữu: “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”.

Chúng ta biết rằng trong đội quân viễn chinh mà thực dân Pháp điều đến Điện Biên Phủ có 17 quốc tịch khác nhau. Và sau chiến tranh, những người lính ấy trở về, họ đã đem theo bài học Điện Biên Phủ để giành độc lập, tự do cho dân tộc họ, như bài học Việt Nam đã làm.

Lại nhớ lần các đại biểu châu Phi tới Việt Nam để tham dự một hội thảo quốc tế “Việt Nam - châu Phi: những cơ hội hợp tác và phát triển trong thế kỷ 21”. Mọi người đều mong muốn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trời Hà Nội sáng tháng 5 hôm ấy thật đẹp. Hơn 30 đại biểu châu Phi: Ăng-gô-la, Bu-run-đi, Công-gô, Dăm-bi-a, Li-bi, Ma-rốc, Nam Phi, Ga-na, Xu-đăng… đã chờ đợi buổi gặp mặt. Và khi thấy xe của Đại tướng vừa tới cổng, mọi người đã ùa ra chào đón. Đại tướng xuống xe chào bạn bè châu Phi bằng tiếng Pháp.

Ông Jesaya Nyamu, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại của Nam-mi-bi-a phát biểu: “Kính thưa đồng chí Đại tướng. Tên của Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ là những danh từ hết sức thân thuộc trong gia đình các nhà lãnh đạo và nhân dân chúng tôi. Rất nhiều nhà lãnh đạo châu Phi suốt đời mang tên Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp theo hành trình cách mạng của mình. Cuốn sách của Người về cách mạng và chiến tranh là cẩm nang của các nhà lãnh đạo chúng tôi…”.

Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Vì độc lập, tự do của dân tộc, buộc chúng ta phải cầm súng chiến đấu và chiến thắng!

Và Điện Biên Phủ sẽ còn vượt qua thời gian và không gian. Đó là Bản anh hùng ca thời đại, là sức mạnh của một cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại, chiến thắng những kẻ thù xâm lược to lớn, muốn áp đặt ý muốn của mình lên những dân tộc khác.

Còn nhiều những bài học lịch sử khác nữa, sẽ được tìm thấy từ Điện Biên Phủ!

Bùi Công Bính



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com