Một trong những bài học rút ra từ kết quả thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là cách đánh sáng tạo: "Vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt". Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 36, Đại đoàn 308, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã có bài viết với tư cách là nhân chứng lịch sử.
Chiến thuật "vây, lấn, tấn, diệt" là gì?
Lược đồ diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ |
Theo Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, "Vây lấn là hình thức chiến thuật tiến công địch trong công sự lâu bền bằng cách bao vây, tiêu hao, phá hoại và lấn chiếm từng bước làm cho địch suy yếu dần, tiến đến tiêu diệt".
Theo đồng chí Vương Thừa Vũ, Phó Tổng Tham mưu trưởng, kiêm Giám đốc Học viện Quân chính (1964-1980), thì đây là cách đánh đã đưa đến thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng chí Vương Thừa Vũ đã khái quát cách đánh ấy trong công thức "Vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong dịp Kỷ niệm 25 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đã viết: "Đứng về nghệ thuật chiến dịch cũng như về chiến thuật, có thể nói rằng, với trận Điện Biên Phủ, quân đội ta đã thực hiện một bước nhảy vọt lớn. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ chỗ tiêu diệt một tiểu đoàn địch hay nhiều nhất là một tiểu đoàn tăng cường trong công sự vững chắc, quân đội ta đã tiến vượt lên hẳn, tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm kiên cố với một lực lượng tinh nhuệ rất mạnh gồm 21 tiểu đoàn.
Bí quyết của bước tiến vọt đó là sự vận dụng những phương pháp chiến thuật mới, những phương pháp chiến thuật có ý nghĩa chiến dịch nhằm giải quyết yêu cầu mới rất cao của nhiệm vụ là phải tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Phương pháp chiến thuật quan trọng nhất có ý nghĩa chiến dịch là phương pháp lần lượt tiêu diệt từng tiểu đoàn hoặc một số tiểu đoàn địch nằm trong hệ thống tập đoàn cứ điểm. Phương pháp chiến thuật ấy phù hợp với trình độ của bộ đội ta, với khả năng tác chiến hiệp đồng binh chủng của quân đội ta lúc bấy giờ... Trong quá trình phát triển của chiến dịch, quân ta đã sáng tạo ra chiến thuật bao vây đánh lấn, nhanh chóng tiêu diệt từng trung tâm đề kháng của địch mà ta thì bị thương vong rất ít.
Phương pháp chiến thuật quan trọng thứ hai có ý nghĩa chiến dịch là công tác xây dựng hệ thống trận địa tiến công và bao vây... Trên cánh đồng Điện Biên Phủ, dưới bom đạn của địch, quân đội ta đã từ chỗ trước đây thường chỉ chiến đấu trong một đêm, tiến lên bám trụ, chiến đấu liên tục trong suốt năm mươi nhăm ngày đêm, thắt chặt vòng vây, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất của địch...
Phương pháp chiến thuật quan trọng thứ ba cũng là một phương pháp có ý nghĩa chiến dịch là dùng mọi cách đánh để triệt đường tiếp tế hậu cần của địch.
Trận địa tiến công và bao vây của ta ngày càng thắt chặt lại, hỏa lực pháo binh rồi đến hỏa lực bộ binh của ta đã khống chế Sân bay Mường Thanh, cuối cùng Sân bay Mường Thanh bị ta chiếm hẳn.
Việc tiếp tế bằng cầu hàng không ngày càng bị hạn chế, đi đến bị cắt đứt hoàn toàn...
Phương pháp chiến thuật thứ tư cũng là một phương pháp có ý nghĩa chiến dịch là tìm mọi biện pháp để bảo vệ các tuyến hậu cần tiếp tế của ta...".
Ai đã nghĩ ra cách đánh nói trên?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh kiêm Tư lệnh Chiến dịch, Bí thư Đảng ủy mặt trận đã quyết định thay đổi cách đánh, chuyển từ kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh sang phương châm đánh chắc, tiến chắc. Sự thay đổi phương châm là hoàn toàn chính xác, có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thay đổi cách đánh trong tình thế toàn mặt trận từ trên xuống dưới quyết tâm chiến đấu theo phương án đánh nhanh, thắng nhanh, các đơn vị đã vào vị trí chiến đấu chờ giờ nổ súng, là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Lực lượng bộ đội vừa chiến đấu vừa đào hào bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: TL |
Đây còn là quá trình sáng tạo của quần chúng. Trong đợt hai của Chiến dịch, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 đã sáng tạo ra chiến thuật bao vây đánh lấn, tiêu diệt hai vị trí địch 106 và 206 bảo vệ phía tây sân bay. Sáng kiến của Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 được Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu dương và kịp thời phổ biến ra toàn mặt trận Điện Biên Phủ cùng học tập và vận dụng.
Tôi hỏi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 36 Phạm Hồng Sơn: "Ai sáng tạo ra cách đánh lấn?" - Trung đoàn trưởng Hồng Sơn trả lời: "Cậu có nhớ, chính tôi và cậu đã đến với các chiến sĩ đang đào chiến hào. Có các chiến sĩ mới bổ sung từ đồng bằng địch hậu lên, họ nói họ là du kích đồng bằng Bắc Bộ, có kinh nghiệm đào địa đạo và đánh độn thổ. Chỉ cần Trung đoàn tổ chức trận địa hỏa lực yểm hộ và tổ chức đào chiến hào lấn dũi luồn qua các lớp rào dây thép gai của địch, từ đó quân ta bất ngờ vọt lên, hai mũi giáp công lọt vào đồn địch chia cắt, tiêu diệt địch".
Bài học kinh nghiệm về thay đổi phương án tác chiến - một quyết định khó khăn nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bài học sáng tạo cách đánh của Trung đoàn 36 không bao giờ cũ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, phương pháp chiến thuật "vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt" có được kế thừa và vận dụng trong trận nào không?
- Câu trả lời là: Có. Đó là mặt trận Khe Sanh, một trong những mặt trận của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968. Mặt trận Khe Sanh là đòn chính của bộ đội chủ lực ta nhằm thu hút quân cơ động Mỹ, tiêu diệt một bộ phận, vây hãm và giam chân, tiêu hao chúng, tạo điều kiện cho các mặt trận khác, nhất là Huế, Đà Nẵng tiến công và nổi dậy thắng lợi. Ta đã nổ súng trước ở Khe Sanh trong đêm 20 rạng ngày 21-1-1968.
Tướng Mỹ Oét Mô-len vội vã tăng cường lực lượng chống giữ. Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá rằng, ta có thể tạo ra "một cái giống như Điện Biên Phủ".
Kết luận
"Vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt" là phương pháp chiến thuật do bộ đội ta sáng tạo ra trong quá trình đánh địch ở Điện Biên Phủ, có ý nghĩa chiến dịch, được vận dụng để thực hiện phương châm "đánh chắc, tiến chắc", tức là bao vây, đánh dần từng bước, tiêu diệt từng bộ phận địch từ ngoại vi vào tung thâm. Đánh theo cách này, ta có điều kiện tập trung binh hỏa lực, ưu thế tuyệt đối trong từng trận, tạo nên sức mạnh áp đảo để thắng địch.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, trải qua quá trình chiến đấu liên tục, dài ngày, ta đã lần lượt tiêu diệt từng cụm cứ điểm của địch, siết chặt vòng vây, vận dụng chiến thuật đánh lấn, cắt sân bay, triệt đường tiếp tế hàng không của địch, làm cho tập đoàn cứ điểm ngày càng cô lập, bị bóp nghẹt. Cuối cùng, sáng ngày 7-5-1954, quân ta mở đợt tiến công quyết định, đánh vào Sở chỉ huy đầu não địch, bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri, buộc toàn bộ quân địch đầu hàng, giành toàn thắng cho Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ./.
Theo Nhân dân