Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1-5-1904, quê ở xã Việt Yên, nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh - một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng. Đồng chí Trần Phú là người cộng sản mẫu mực, kiên cường, bất khuất, đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân, luôn nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, thủy chung, trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của giai cấp và của dân tộc, lạc quan tin tưởng vào tương lai và sự tất thắng của cách mạng… Những phẩm chất tốt đẹp đó cùng tình yêu thương đồng chí, đồng bào, chí khí kiên cường, bất khuất trước kẻ thù và lời nhắn nhủ cuối cùng của đồng chí Trần Phú: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” luôn sống mãi với thời gian, sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam, trường tồn cùng đất nước.
Đồng chí Trần Phú là người dự thảo bản Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần quan trọng hình thành đường lối cách mạng Việt Nam. Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú dự thảo đã phân tích một cách khoa học tình hình thế giới, đặc điểm, tình hình cách mạng ở Đông Dương, từ đó khẳng định con đường phát triển của cách mạng Việt Nam và cách mạng Đông Dương là tiến hành cách mạng tư sản dân quyền, tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Luận cương xác định nhiệm vụ của cách mạng là đánh đổ thực dân, phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc, sau đó “bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa”. Giữa cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa quan hệ mật thiết với nhau, vì có đánh đổ chủ nghĩa đế quốc tại Việt Nam và Đông Dương mới phá được ách thống trị của địa chủ phong kiến, giành thắng lợi trong cách mạng thổ địa. Ngược lại, có phá tan được chế độ phong kiến mới đánh đổ được chủ nghĩa đế quốc.
Theo đồng chí Trần Phú, lực lượng cách mạng chính là giai cấp công nhân, nông dân và phải được đặt dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân mới thành công. Để giành được quyền lãnh đạo nông dân thì giai cấp công nhân phải lãnh đạo nông dân tiến hành cách mạng ruộng đất triệt để, bởi vì vấn đề ruộng đất là nội dung cốt yếu của cách mạng tư sản dân quyền.
Về Đảng, Luận cương nêu rõ, điều kiện cốt yếu cho thắng lợi của cách mạng là phải có một Đảng Cộng sản với đường lối, chủ trương đúng, có kỷ luật, liên hệ mật thiết với quần chúng và trải qua đấu tranh cách mạng mà trưởng thành. Đảng là đội tiên phong của giai cấp vô sản, lấy Chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng và lãnh đạo giai cấp vô sản đấu tranh để đạt mục đích cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. Để đảm bảo sự lãnh đạo, Đảng phải tổ chức ra các đoàn thể quần chúng của công nhân, nông dân… chống lại chủ nghĩa cải lương.
Về phương pháp cách mạng, Luận cương chỉ rõ phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhiệm vụ trước mắt và nhiệm vụ lâu dài. Khi thời cơ cách mạng đến Đảng phải lãnh đạo quần chúng dùng bạo lực cách mạng để giành chính quyền.
Về quan hệ quốc tế, Luận cương khẳng định cách mạng Đông Dương và cách mạng thế giới có liên hệ chặt chẽ với nhau, giai cấp vô sản Đông Dương phải có quan hệ mật thiết với giai cấp vô sản thế giới, nhất là giai cấp vô sản Pháp.
Như vậy, về mặt lý luận, Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú soạn thảo đã trình bày một cách logic và cụ thể các vấn đề về tính chất, con đường, nhiệm vụ, tổ chức lực lượng của cách mạng Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái khác của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta - Đảng của giai cấp công nhân - không ngừng củng cố và tăng cường”.
Cùng với lý luận về con đường cách mạng Việt Nam, đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn về công tác xây dựng Đảng trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Đồng chí đã tranh thủ mọi điều kiện để trang bị lý luận Mác - Lênin cho cán bộ, đảng viên, kiên quyết đấu tranh khắc phục những biểu hiện ấu trĩ, tả khuynh, hữu khuynh trong Đảng. Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục của Đảng, cuối tháng 12-1930, tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương, đồng chí Trần Phú và Thường vụ Trung ương đã quyết định xuất bản Báo Cờ vô sản và Tạp chí Cộng sản với mục đích làm rõ chính sách của Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Đông Dương, triển khai tự phê bình và phê bình những sai trái, yếu kém trong công tác Đảng. Đồng chí Trần Phú đã chủ trương khôi phục lại các Ban chấp hành xứ ủy, tỉnh ủy; thiết lập mối liên lạc giữa Trung ương và các cấp ủy Đảng địa phương; lập ra Ban Tuyên truyền do một đồng chí Ủy viên Thường vụ Trung ương phụ trách.
Đồng chí Trần Phú cùng Thường vụ Trung ương đã sớm nhận rõ: Một điều nguy hại căn bản là trong Đảng chưa nhận thức rõ địa vị của giai cấp trong cách mạng và chức trách của Đảng. Biểu hiện rõ nhất là trong Đảng, số chi bộ và đảng viên công nhân còn ít, chưa thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, còn “giữ cái chế độ rời rạc chỉ huy, địa phương tự trị, cá nhân bao biện và độc đoán…, kỷ luật Đảng thì nhiều nơi hết sức là lơi lỏng để cho tư tưởng hành động trong Đảng mỗi người một khác, trái lại có nơi thì thi hành kỷ luật nghiêm khắc một cách vô lý, chỉ dùng mệnh lệnh và dọa nạt chứ không giải thích gì hết”. Đồng chí Trần Phú cho rằng, những yếu kém đó đều xuất phát từ nhận thức chưa đúng về Đảng và những điều xuất phát từ “đặc tính tiểu tư sản” trong Đảng. Cùng với nhiệm vụ xây dựng năng lực lãnh đạo, Đảng phải đấu tranh chống những biểu hiện tiểu tư sản về tư tưởng, tổ chức và trong hoạt động, tức là chống lại chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa ba phải trong Đảng. Trước tình hình đó, đồng chí Trần Phú xác định, nhiệm vụ cần kíp là “Đảng phải thực hành cho được những nhiệm vụ về tổ chức” mà trước hết là phải tăng cường tính chất giai cấp công nhân của Đảng, nhất là trong đội ngũ lãnh đạo. Mặt khác, hoạt động của Đảng phải tập trung vào chi bộ, làm cho chi bộ phát triển, chủ động trong sinh hoạt chính trị của Đảng và lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Qua thực tiễn đấu tranh, số lượng đảng viên tăng nhanh, những ngày đầu mới thành lập (3-2-1930), cả nước có hơn 300 đảng viên thì đầu năm 1931 lên tới 2.400 đảng viên. Nhiều quần chúng yêu nước được giác ngộ qua đấu tranh thời kỳ cao trào cách mạng 1930-1931 đã được kết nạp vào Đảng; ảnh hưởng và uy tín của Đảng trong phong trào quần chúng không ngừng được nâng cao. Đây là cơ sở quan trọng để ngày 11-4-1931, tại phiên họp thứ 25 Hội nghị toàn thể BCH Quốc tế Cộng sản lần thứ XI đã quyết định: “Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây là một chi bộ của Đảng Cộng sản Pháp, từ nay được công nhận là một chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản”.
Về lý luận tổ chức lực lượng, đồng chí Trần Phú chỉ ra rằng: Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải xây dựng xung quanh mình các tổ chức để tập hợp quần chúng nhân dân. Khẳng định giai cấp vô sản lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương mà không tổ chức được toàn dân thành một lực lượng thống nhất chống đế quốc và phong kiến dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản thì cách mạng khó thành công. Đây là một bước tiến trong nhận thức của Đảng về việc đánh giá vai trò của Mặt trận thống nhất dân tộc trong cách mạng nước ta.
Tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng tháng 10-1930 do đồng chí Trần Phú chủ trì đã thảo luận, thông qua hàng loạt văn kiện quan trọng liên quan trực tiếp đến công tác dân vận và việc thành lập Mặt trận, trong đó có Án nghị quyết về vấn đề phản đế và Điều lệ Đồng minh phản đế ở Đông Dương. Trên cơ sở đó, ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng minh.
Nhận thức rõ ý nghĩa của phong trào công nhân và việc xây dựng tổ chức Công hội, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (10-1930) đã ra Nghị quyết về vận động công nhân và Điều lệ Tổng Công hội. Sau khi về Sài Gòn, ngày 20-1-1931, đồng chí Trần Phú đã chủ trì Hội nghị công nhân Đông Dương lần thứ nhất bàn về công tác vận động công nhân. Hội nghị quyết định thành lập Ban Công vận Trung ương do đồng chí Trần Phú trực tiếp làm Trưởng ban.
Tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ hai do đồng chí Trần Phú chủ trì đã chủ trương thống nhất các tổ chức thanh niên vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương (ngày nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh). Việc “Tổ chức ra Cộng sản thanh niên Đoàn là một nhiệm vụ thâu phục một bộ phận quan trọng của vô sản giai cấp, là một vấn đề cần kíp của Đảng phải giải quyết”. Sau này, Trung ương Đảng đã lấy ngày mở đầu Hội nghị - ngày 26-3-1931 làm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Cùng với việc ra các nghị quyết về tổ chức quần chúng cách mạng nói trên, trong khoảng từ tháng 10-1930 đến tháng 3-1931, nhiều nghị quyết và văn kiện về xây dựng các tổ chức quần chúng cách mạng như: Nông hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cứu tế đỏ… đã được đồng chí Trần Phú và BCH Trung ương soạn thảo, thông qua.
Từ lúc về nước hoạt động và sau đó đảm đương cương vị Tổng Bí thư tuy thời gian không lâu, nhưng đồng chí Trần Phú đã giải quyết một khối lượng công việc to lớn. Những văn kiện do đồng chí Trần Phú dự thảo hoặc chỉ đạo dự thảo, những tổ chức do đồng chí Trần Phú chủ trương lập ra đã đáp ứng được đòi hỏi của phong trào, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng công tác Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng trong những năm đầu Đảng mới thành lập.
Xuất thân trong một gia đình nhà Nho yêu nước, trước sự áp bức, bóc lột của thực dân phong kiến, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, sự nổi dậy đấu tranh chống áp bức, bóc lột của các tầng lớp nhân dân, Trần Phú đã sớm chọn con đường chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đồng chí Trần Phú là một tấm gương mẫu mực cho tinh thần ham học hỏi, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, đồng chí đã tìm đọc các loại sách báo tiến bộ, tự học tiếng Anh để trau dồi kiến thức. Khi đang là thầy giáo, bằng nhiệt huyết của mình, đồng chí Trần Phú đã truyền cho các lớp học sinh tinh thần yêu nước và vận động học tập, quần chúng tham gia đấu tranh cho độc lập dân tộc, cho một xã hội tốt đẹp, không còn bị áp bức, bất công… Sau khi được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được bồi dưỡng lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin và được kết nạp vào Cộng sản Đoàn, từ chủ nghĩa yêu nước, đồng chí Trần Phú đã đến với lý tưởng cộng sản và quyết tâm dâng hiến đời mình cho lý tưởng cao đẹp đó.
Đồng chí Trần Phú đã nêu cao tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và cách mạng, về tinh thần bất khuất, chiến đấu kiên cường trước kẻ thù. Gần 5 tháng bị giam cầm, mặc dù kẻ địch dùng đủ mọi cực hình tra tấn, song chúng không thể khuất phục được ý chí cách mạng của đồng chí. Từ trong ngục tù của đế quốc, đồng chí Trần Phú và các chiến sĩ cách mạng vẫn tìm cách liên lạc với bên ngoài, đồng thời kiên cường đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù. Lời căn dặn “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của đồng chí trước lúc đi xa, đã trở thành vũ khí tư tưởng sắc bén cho mỗi một người chiến sĩ cách mạng, cổ vũ lớp lớp thế hệ giữ vững lập trường, kiên định con đường cách mạng mà Đảng và nhân dân đã lựa chọn.
Tinh thần cách mạng, chí khí chiến đấu và sự hy sinh anh dũng của đồng chí Trần Phú là tấm gương mẫu mực cho người cộng sản Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Đồng chí đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng ta, của nhân dân ta./.
N.Đ