Mùa xuân này đất nước ta bước vào tuổi 28 của ĐỔI MỚI. Trước những thành tựu của ĐỔI MỚI chúng ta vui mừng và tự hào về Đảng quang vinh - Đảng do Bác Hồ vĩ đại sáng lập và rèn luyện cùng toàn dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách giành thắng lợi vẻ vang.
VÌ DÂN, ĐẢNG GẮN BÓ VỚI DÂN
Cuộc hành trình 84 năm đi qua 2 thế kỷ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã làm nên pho lịch sử bằng vàng. Trong vòng 15 năm, kể từ khi thành lập, Đảng đã vận động, tổ chức toàn dân tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, giành độc lập dân tộc, đưa nhân dân ta lên vị trí người chủ nước nhà. Tiếp đến là 30 năm liên tục, Đảng lãnh đạo toàn dân vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm hậu phương cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Trong 39 năm kể từ Đại thắng mùa xuân 1975, Đảng cùng toàn dân hàn gắn các vết thương chiến tranh, từ bỏ cơ chế hành chính, quan liêu, bao cấp, đồng cam cộng khổ cùng dân, chèo lái đưa con thuyền cách mạng vượt qua những cơn bão lốc, cuồng phong chính trị khi Liên Xô và hệ thống các nước XHCN ở Đông Âu tan rã, các thế lực thù địch bao vây cấm vận... tiến hành đổi mới thắng lợi, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế, thực hiện CNH-HĐH đất nước, chủ động hội nhập.
Bài học lấy dân làm gốc của Đảng là sự tổng kết thực tiễn vô cùng sâu sắc trong lịch sử Đảng và lịch sử cách mạng Việt Nam, là nguyên nhân, động lực làm nên mọi thắng lợi. Chính vì thế, trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng ta đã đề ra mục tiêu hàng đầu là dân giàu, nước mạnh. Đại hội XI của Đảng đã thông qua cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ mới, mà mục tiêu đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Lãnh đạo nhân dân thực hiện mục tiêu đó, Đảng chủ trương tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, xây dựng tác phong gần dân, nêu cao đạo đức vì dân để mọi chủ trương chính sách đều phải từ nhân dân và trở về với nhân dân. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, cán bộ, đảng viên của Đảng thật sự lắng nghe ý kiến của nhân dân, thu hút trí tuệ của toàn xã hội, sáng kiến, nguyện vọng của toàn dân để xây dựng và thực thi đường lối, chính sách, pháp luật cho tốt. Các tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị phải chăm lo chất lượng cuộc sống của người dân, làm tốt công tác dân vận để đoàn kết mọi lực lượng nhân dân, tổ chức nhân dân thực hiện sáng tạo nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh là phải dựa vào dân để chỉnh đốn Đảng, như phải thật thà tự phê bình và tích cực sửa chữa khuyết điểm, sai lầm là cách tốt nhất chống thoái hoá, biến chất trong cán bộ, đảng viên, công chức và trong tổ chức, bộ máy; loại bỏ những phần tử “tham quan ô lại” làm ô danh Đảng và những người làm trái chính sách của Đảng và luật pháp Nhà nước. Mục đích của chỉnh đốn Đảng, là làm cho mỗi đảng viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi vì Đảng liên hệ mật thiết với nhân dân, vì lợi ích của nhân dân thì sẽ được nhân dân tin cậy và ủng hộ Đảng, làm theo chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước.
CHĂM LO CÔNG VIỆC GỐC CỦA ĐẢNG
Là người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chăm lo đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, từ khi chuẩn bị lực lượng để thành lập Đảng cho đến khi đi gặp “các cụ Các Mác, Lê-nin và các vị đàn anh khác”, Bác Hồ đã dồn nhiều tâm huyết cho việc bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Kỷ niệm Ngày sinh của Đảng một cách thiết thực, chúng ta cùng nhau suy ngẫm về những lời dạy của Bác để thấm nhuần hơn nữa tư tưởng và tấm gương của Người đối với công việc này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém; huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Người cho rằng, cán bộ cách mạng phải có đức và có tài, mà tài và đức đều phải qua học tập, rèn luyện mới có được. Vì thế mà Đảng cần phải tổ chức các lớp huấn luyện mà bồi dưỡng, đào tạo và đưa cán bộ vào hoạt động thực tiễn, vào các tổ chức chính trị, xã hội, vào phong trào quần chúng mà rèn luyện, trưởng thành. Hồ Chí Minh chỉ rõ, cần phải đào tạo một đội ngũ cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc, ham làm việc. Có thế Đảng mới thành công. Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng” không dám phụ trách, như thế là một việc thất bại cho Đảng.
Trong công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến tinh thần tự phấn đấu của mỗi người. Hồ Chí Minh cho rằng, xã hội ngày càng phát triển, công việc cách mạng ngày càng nhiều, khoa học, kỹ thuật ngày càng tiến bộ, người cán bộ không thể lãnh đạo chung chung, chỉ có nhiệt tình không thôi thì chưa đủ mà còn phải có tri thức, chuyên môn nghiệp vụ. Do đó, người cán bộ không chịu học tập, không chịu nghiên cứu, không bám sát thực tiễn cuộc sống thì trở nên lạc hậu và bị cuộc sống đào thải. Chính vì thế mà Bác thường khuyên cán bộ phải luôn luôn học tập, luôn luôn cầu tiến bộ. Người dạy rằng, học tập là để hiểu biết, học để làm người, làm cán bộ để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân và nhân loại. Một trong những việc mà Hồ Chí Minh quan tâm lớn là rèn luyện đội ngũ cán bộ có tác phong gần dân, liên hệ mật thiết với nhân dân. Người yêu cầu cán bộ, từ trên đến dưới phải có phong cách công tác sâu sát, tỉ mỉ, thiết thực, gần dân, hiểu dân để “việc gì hại cho dân phải hết sức tránh, việc gì lợi cho dân phải gắng sức làm”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, bồi dưỡng, huấn luyện, đào tạo cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng và phải có chính sách sử dụng và đãi ngộ với từng loại cán bộ, từng người khác nhau. Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng chính sách đối với nhân tài để sự nghiệp kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công. Người cho rằng, hao phí nhân tài là lãng phí lớn nhất và muốn tránh khỏi lãng phí nhân tài, chúng ta phải sửa cách lãnh đạo.
Tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, sử dụng cán bộ rất sâu sắc, có giá trị lâu dài, là những định hướng cơ bản và chỉ đạo thiết thực cho Đảng ta hiện nay khi đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH, hội nhập trong điều kiện toàn cầu hoá. Để có đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của cách mạng ở từng thời kỳ, Hồ Chí Minh dạy rằng bồi dưỡng, huấn luyện, đào tạo cán bộ, trọng dụng nhân tài là “công việc gốc” của Đảng. Trong tiến trình đổi mới, công tác này đã có nhiều chuyển biến nhưng còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Chế độ, chính sách chưa thu hút được người tài giỏi. Nhiều chủ trương để thu hút, trọng dụng nhân tài nhưng không khả thi và khó thực hiện, thậm chí bị bóp méo, biến dạng...
Nhân tài, cán bộ giỏi ở nước ta không hiếm. Vấn đề là phải biết cách chăm lo, phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ cho đúng. Các cấp uỷ và lãnh đạo các ngành cần thật sự thấm nhuần và vận dụng sáng tạo tư tưởng và tấm gương của Bác đối với công tác cán bộ. Cần phải thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong điều kiện lịch sử mới, khi toàn cầu hoá trở thành xu thế của thời đại, khoa học, công nghệ và nền kinh tế tri thức phát triển, Việt Nam muốn sớm sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Bác Hồ thì yêu cầu nâng cao chất lượng cán bộ và trọng dụng nhân tài có ý nghĩa quyết định./.
TS Phạm Văn Khánh