Biết bao mùa xuân đã đi qua, kể từ ngày 3-2-1930, có một từ giản dị đã trở nên thân thiết với mỗi người Việt Nam chúng ta, đó là từ Đảng!
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, lịch sử Việt Nam đã viết những trang đẹp nhất vào thế kỷ thứ 20. Từ một nước nô lệ, Việt Nam đã trở thành một xứ sở: Nước độc lập, dân tự do và đang tiến nhanh trên con đường đổi mới của mình. Từ một đất nước không có tên trên bản đồ thế giới, Việt Nam ngày nay đã ở một tầm cao mới, sánh vai với các dân tộc trên toàn cầu, không những thế bạn bè còn ca ngợi: Việt Nam là một tấm gương của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, một đất nước có truyền thống văn hoá lâu đời, với những con người thông minh, dũng cảm và lạc quan.
Bác Hồ làm việc tại Phủ Chủ tịch. Ảnh tư liệu |
Nói về những năm tháng lịch sử ấy nhân dân ta thường nhắc đến những cụm từ: Một cuộc đổi đời - Một bước ngoặt kỳ diệu - Một sự nghiệp vĩ đại… Vâng, điều đó không phải chỉ chúng ta nói, mà bạn bè thế giới đã nói.
*
Mùa Xuân Canh Ngọ năm 1930, nhận được liên lạc của Đảng, Bác Hồ của chúng ta đã từ một vùng quê ở Thái Lan, đáp xe lửa đi Băng Cốc, rồi từ đó đi tàu thuỷ đến Xinh-ga-po, tại đây, Người chuyển sang một con tàu khác đi Hồng Kông. Kể từ ngày 5-6-1911, khi bước xuống con tàu Đô đốc La-tút-sơ Trê-vin ở cảng Nhà Rồng, thế là đã 18 năm bôn ba nơi đất khách quê người, đây là lần đầu tiên Bác Hồ lại được nhìn thấy bờ biển của Tổ quốc thấp thoáng nơi chân trời, qua cánh cửa con tàu. Nỗi nhớ nước, thương nhà, làm tim Người thắt lại! Chỉ một tháng trước đó, ngày 11-11-1929, toà án Nam Triều tại Vinh, theo lệnh thực dân Pháp đã kết án tử hình vắng mặt Người. Và cũng tháng đó, cụ Phó Bảng
Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Người đã qua đời!
Nỗi đau riêng của gia đình hoà trong nỗi đau chung của cả một dân tộc - một nỗi đau mà Tố Hữu đã viết trong thơ:
“Ôi nhớ những năm nào thuở trước
Xóm làng ta xơ xác héo hon
Nửa đêm thuế thúc, trống dồn
Sân đình máu chảy, đường thôn lính đầy…”
Trong đêm dài nô lệ ấy, biết bao sĩ phu yêu nước đã tập hợp nhân dân, giương cao ngọn cờ chống giặc ngoại xâm. Nhưng những cuộc nổi dậy ấy đều bị dìm trong biển máu… Và trách nhiệm lịch sử nặng nề ấy đã đặt lên vai những người cộng sản. Ba tổ chức cộng sản ở Bắc, Trung, Nam đã được thành lập. Song yêu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam lúc này là phải có một Đảng Cộng sản thống nhất trong cả nước.
Nhận sứ mệnh của Quốc tế Cộng sản, ngày 23-12-1929, Bác Hồ của chúng ta đã trở lại Hồng Kông. Các đồng chí Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn đã ra tận cảng biển đón Bác. Sau khi bàn bạc, Bác và các đồng chí của mình, đã quyết định sẽ họp Hội nghị thành lập Đảng vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Ở Trung Quốc cũng như Việt Nam, Tết Nguyên đán là ngày Tết lớn nhất và thường kéo dài suốt mấy ngày liền. Chính trong dịp này, những đại biểu tham gia Hội nghị có thể đi khỏi đất nước mà không ai để ý. Còn ở Cửu Long, thì một cuộc họp mặt như vậy cũng sẽ có nhiều thuận lợi.
Và thế là ngày 3-2-1930, đúng ngày mồng 5 Tết Canh Ngọ, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp tại Cửu Long (Trung Quốc). Đảng ta đã ra đời, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Ngày 7-2-1930, ngày cuối cùng của Hội nghị, một Hội nghị có tầm vóc lịch sử như một Đại hội thành lập Đảng, Bác Hồ tổ chức một bữa liên hoan nhỏ ngay tại phòng ở của mình. Khi các đại biểu đã ngồi xung quanh bàn, Người xúc động nói:
“Các đồng chí! Hôm nay là ngày lịch sử của chúng ta. Lê-nin vĩ đại đã nói: Chỉ Đảng nào có được một lý luận tiên phong mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong. Bây giờ, chúng ta đã có một Đảng như thế rồi - Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Nhân dân ta từ xưa có truyền thống đấu tranh anh dũng, nhưng suốt những năm tháng ấy nhân dân ta thiếu người cầm lái sáng suốt. Giờ đây, Đảng của chúng ta phải gánh lấy vai trò này và tôi tin rằng Đảng ta sẽ dẫn dắt nhân dân ta đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc thân yêu”.
Như vậy là ngay trong những ngày đầu tiên thành lập Đảng, trong lời phát biểu ngắn gọn ấy, Bác đã 3 lần nhắc đến “nhân dân ta”.
*
Trải qua 84 năm thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã lập nên những sự kiện kỳ diệu, mà thế giới gọi là huyền thoại Việt Nam. Giành độc lập tự do sau gần 100 năm nô lệ, đánh thắng hai đế quốc lớn, giải phóng hoàn toàn đất nước, thống nhất nước nhà. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại… Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác”.
Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đảng là trí tuệ, là phẩm chất của dân tộc, kế thừa tinh hoa của hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Sức mạnh của Đảng, chính là sự đại đoàn kết toàn dân, là sự gắn bó máu thịt với nhân dân. Bác Hồ đã nói: “Nhiệm vụ của Đảng ta có thể nói gọn trong 8 chữ: Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Và chính Người là đỉnh cao của đạo đức và văn minh đó. Người là hình ảnh tuyệt đẹp về mối liên hệ thân thiết, gắn bó giữa lãnh tụ với nhân dân và Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên ta phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Liên hệ và gắn bó chặt chẽ với nhân dân là điều Bác Hồ đã nói với chúng ta rất nhiều lần. Bác đã không ít lần nhấn mạnh:
“Đảng phải liên hệ với quần chúng như chân tay ruột thịt… Đảng viên thì phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng. Tức là hết lòng ra sức phụng sự nhân dân, tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, học hỏi nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân và không một phút nào xa rời nhân dân, cùng nhân dân kết thành một khối”.
Chưa ở đâu mà tình cảm giữa lãnh tụ với quần chúng lại thân thiết, gần gũi và được kính trọng, tin tưởng như Hồ Chủ tịch với nhân dân ta. Một nhà văn nước ngoài đã viết: “Bác Hồ - cách xưng hô quen thuộc của Việt Nam, chứa đựng cả sự kính trọng sâu sắc và sự ngưỡng mộ của cả một dân tộc đối với một người cha. Không có một từ nào có thể diễn tả được một cách trong sáng và đẹp đẽ như hai tiếng đó!”.
Hồ Chủ tịch nói: “Đảng ta là một Đảng tiên phong, anh dũng. Để làm tròn nhiệm vụ nặng nề mà vẻ vang của Đảng thì toàn thể cán bộ và đảng viên từ trên đến dưới, bất kỳ ở địa vị nào, làm công việc gì, đều phải: Quyết tâm thực hiện đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, quyết tâm tẩy bỏ cho kỳ hết bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí”. Người nói thế và suốt đời Người luôn luôn gương mẫu làm đúng, làm hơn cả những điều mình nói… Người luôn luôn đặt đời sống của mình trong đời sống của nhân dân. Trong Di chúc của mình, Người dặn dò: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Trong bản Di chúc của mình, Bác đã 17 lần nhắc đến chữ “Nhân dân”. Và trong Di chúc của Người những chữ “Nhân dân” Bác đều gạch dưới.
Đồng chí Nguyễn Thọ Chân kể lại, hồi còn làm Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, một lần vào làm việc với Bác, đồng chí đã đề nghị Bác cho xây dựng trụ sở của Trung ương Đảng tại Hà Nội cho bề thế. Bác im lặng, rồi trả lời:
- Trụ sở bề thế của Đảng ta, phải xây dựng ở trong lòng dân ấy, chú ạ!
*
Đảng ta thành lập đúng vào ngày 5 Tết Canh Ngọ năm 1930!
Ra đời đúng vào mùa xuân. Và Đảng đã cùng với nhân dân ta làm nên mùa xuân đất nước.
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự nghiệp đổi mới của nước ta đã được đẩy mạnh trên mọi lĩnh vực. Việt Nam đã hội nhập với thế giới, trong nước thì chính trị xã hội ổn định, kinh tế phát triển, an sinh xã hội được chăm lo, quốc phòng và an ninh được tăng cường, chủ quyền và lãnh thổ được giữ vững. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) của Đảng càng làm cho chúng ta thêm tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta./.
Bùi Hải Anh