Chiến thắng 7-1-1979 - một biểu tượng cao đẹp về quan hệ Việt Nam - Căm-pu-chia

09:01, 10/01/2014

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, từ cuối năm 1978 đầu 1979, Quân tình nguyện Việt Nam bao gồm các Quân đoàn 2, 3, 4 và một số đơn vị của các Quân chủng Hải quân, Phòng không - Không quân; các Quân khu 5, 7, 9 thực hiện nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Căm-pu-chia mở cuộc phản công, tiến công quân Pôn-Pốt trên nhiều hướng. Ở hướng Tây Bắc, sau đòn tiến công dồn dập của các đơn vị Quân khu 5 và Quân khu 7, giải phóng một số tỉnh miền Đông Căm-pu-chia, từ ngày 31-12-1978 đến ngày 3-1-1979, Quân đoàn 3 phối hợp với 3 tiểu đoàn bộ binh và 6 đội công tác vũ trang bạn mở cuộc tiến công thắng lợi, lần lượt giải phóng các tỉnh Công-pông Thom, Xiêm Riệp, Bát-tam-bang và Puốc-xát.

Bà mẹ Căm-pu-chia rót nước cho các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam. Ảnh: Internet
Bà mẹ Căm-pu-chia rót nước cho các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam. Ảnh: Internet

Cùng thời gian này, trên hướng Quân khu 9 và Quân đoàn 2, các đơn vị của ta tiến công tiêu diệt địch ở các khu vực Ta-pông, Ki-ri-vông, Sê-kê, Prô-chrây, Tun-liếp, Tô-li-ốp, Đông Nam San-tâng, các điểm cao 384, 451, 328; giải phóng Công-pông Trạch, Cam-pốt và cảng Công-pông Xom. Trong khi đó, ở hướng Quân đoàn 4, từ ngày 1 đến 3-1-1979, các đơn vị tiến công địch trên đường số 1 và vùng ven hai bờ sông Mê Công, buộc chúng phải rút về phòng ngự ở các khu vực Sa-cách, Prây-veng, Niếc-lương. Tiếp đó, Quân đoàn 4 tiến công đánh chiếm đường số 10 (đoạn Chân Trai) và bắc ngã ba Tà-hô (nằm trên trục đường số 1, phía Tây Pra-sốt). Trên hướng biển, các đơn vị Hải quân ta làm nhiệm vụ ở vùng biển cực Nam của Tổ quốc được lệnh sẵn sàng chi viện cho các lực lượng chiến đấu trên biển khi cần thiết.

Thực hiện chỉ thị khẩn cấp của Bộ Chính trị về nhiệm vụ giải phóng Phnôm Pênh trước ngày 8-1 (trước khi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc họp bàn về vấn đề Căm-pu-chia), sau khi phân tích tình hình trên toàn chiến trường, Tiền phương Bộ Quốc phòng quyết định giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 và Quân khu 9 tổ chức lực lượng mở cuộc tiến công vào Phnôm Pênh. Theo kế hoạch, 6 giờ ngày 6-1-1979, Tiền phương Bộ Quốc phòng ra lệnh cho các đơn vị của ta và bạn mở tổng công kích vào Thủ đô Phnôm Pênh từ ba hướng: Trên hướng Quân đoàn 4 (từ hướng phối hợp chuyển thành hướng chủ yếu), sau khi vượt qua khu vực đường lầy, các đơn vị tiến công đánh tan các cụm phòng ngự địch trên trục đường số 1. Sáng 7-1, Sư đoàn 7 phối hợp với Binh đoàn 1 (Căm-pu-chia) vượt sông Mê Công đánh tan Sư đoàn 260 địch. Phát huy thắng lợi, 11 giờ ngày 7-1, Sư đoàn 7 và Binh đoàn 1 (Căm-pu-chia) tiến vào Phnôm Pênh, lần lượt đánh chiếm các cơ quan Trung ương, khu sứ quán và đài phát thanh.

Trên hướng Quân đoàn 3 (hướng phối hợp), sáng 6-1, Quân đoàn tập trung hỏa lực chi viện Sư đoàn 320 vượt sông đánh chiếm Thị xã Công-pông Chàm, đập tan tuyến phòng ngự vững chắc của 2.000 quân địch do Son Sen, Bộ trưởng Quốc phòng chỉ huy, mở thông cánh cửa quan trọng tiến vào Phnôm Pênh. Sáng 7-1, được pháo binh chi viện đắc lực, Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10) tiến công theo trục đường số 7, đánh tan quân địch ở núi Phu-chê, sau đó vượt sông Tông Lê Sáp tiến công đánh chiếm các khu vực như kho xăng phía Bắc Phnôm Pênh, nhà máy xay, nhà máy hoa quả, nhà máy cơ khí, kho súng, kho đạn và phát triển sang phía Đông phối hợp với các đơn vị Quân khu 9 đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu địch. Trong khi đó, trên hướng Quân khu 9, ngày 6-1, các đơn vị tiến công địch ở các vị trí Thnốt-bấc, Ta Ni, Ta-keo… đập tan 4 tuyến phòng ngự của địch, mở đường cho đội hình thọc sâu tiến vào đánh chiếm sân bay Pô-chen-tông, Bộ Tư lệnh thiết giáp và Bộ Tổng tham mưu quân Pôn-Pốt. Đến 17 giờ ngày 7-1, các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Căm-pu-chia hoàn toàn làm chủ Phnôm Pênh. Tiếp đó, từ ngày 12 đến 17-1, Quân tình nguyện Việt Nam và các lực lượng vũ trang cách mạng Căm-pu-chia tiếp tục phối hợp tiến công giải phóng tất cả các thành phố, thị xã, thị trấn và vùng nông thôn rộng lớn. Từ đây, nhân dân Căm-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do.

Chiến thắng ngày 7-1-1979 có ý nghĩa lịch sử đặc biệt to lớn đối với vận mệnh của đất nước Căm-pu-chia. Ngày 8-1, Hội đồng nhân dân cách mạng Căm-pu-chia được thành lập do ông Hêng Xom-rin làm Chủ tịch, tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng của Pôn-Pốt - Iêng Xa-ri, thành lập chế độ Cộng hòa nhân dân Căm-pu-chia. Thắng lợi vĩ đại ngày 7-1-1979 một lần nữa thể hiện quan hệ truyền thống gắn bó thủy chung, trọn nghĩa vẹn tình giữa hai dân tộc “tối lửa tắt đèn” có nhau. Đây là thắng lợi chung mà nhân dân hai nước đã đoàn kết cùng nhau lật đổ chế độ diệt chủng Pôn-Pốt tàn bạo, cứu đất nước và nhân dân Căm-pu-chia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, mang lại sự hồi sinh cho đất nước và nhân dân Căm-pu-chia. Công lao và sự hy sinh của hai dân tộc trong cuộc đấu tranh cao cả đó, đặc biệt là sự giúp đỡ hào hiệp, vô tư của Việt Nam, trực tiếp là Quân tình nguyện Việt Nam, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đề cập đến ý nghĩa sự kiện lịch sử trọng đại này, Cựu Quốc vương Xi-ha-núc từng khẳng định: “Nếu họ (Việt Nam) không đánh đuổi bọn Pôn-Pốt thì tất cả mọi người (Căm-pu-chia) có thể đã bị chết. Không chỉ riêng tôi mà là mọi người, chúng (Khơ-me Đỏ) đã có thể giết chết tất cả chúng ta, ít nhất thì chúng ta cũng đã được sống sót và chính vì điều này mà chúng ta có thể nói rằng, Đảng Nhân dân Căm-pu-chia đã không mắc sai lầm (khi đề nghị Việt Nam giúp đỡ chống Khơ-me Đỏ), bởi vì nếu chúng ta không được giải phóng khỏi bọn Pôn-Pốt thì toàn dân tộc có thể đã bị tiêu diệt”.

Với thắng lợi ngày 7-1-1979, quan hệ hai nước Việt Nam - Căm-pu-chia chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ của tình hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước dựa trên nguyên tắc hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau vì sự phát triển và phồn vinh của mỗi nước. Trân trọng về mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống hào hùng, chúng ta tin tưởng rằng, trong tình hình mới, mối quan hệ của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân hai nước ngày càng phát triển sâu rộng, vì hạnh phúc phồn vinh của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên bán đảo Đông Dương, Đông Nam Á và trên thế giới./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com