Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trong tình hình mới

08:01, 17/01/2014

Ngày 16-7-1998, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" (NQ Trung ương 5). Nghị quyết ra đời thể hiện tầm nhìn chiến lược về văn hóa, phù hợp yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và xu thế phát triển của đất nước; góp phần ngăn chặn các ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của xã hội, đất nước. Sau 15 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết vẫn tiếp tục phát huy các giá trị và đang tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện để triển khai thực hiện phù hợp với tình hình phát triển mới của đất nước.

Bước chuyển mạnh mẽ trong nhận thức

Theo nhà báo lão thành Hữu Thọ, với NQ Trung ương 5, vị trí và vai trò của văn hóa từng bước được nâng lên đáng kể, cho thấy sự quan tâm phát triển văn hóa của Đảng và Nhà nước. Văn hóa đã khẳng định được vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước và trở thành một nội dung lớn trong hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, từng bước gắn bó chặt chẽ hơn với các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Nhận thức về văn hóa có bước tiến bộ so với trước đây. Năm quan điểm chỉ đạo cơ bản, mười nhiệm vụ cụ thể, bốn giải pháp lớn nêu trong Nghị quyết đã vạch ra phương hướng cụ thể, rõ ràng và đúng đắn. Nội dung văn hóa được đưa vào nghị quyết của các cấp ủy và được kiểm điểm hằng năm, gắn với từng nhiệm kỳ Đại hội Đảng, coi văn hóa là một mặt trận bên cạnh kinh tế và chính trị, tạo thành thế "chân vạc" làm tiền đề cho phát triển xã hội được ổn định, bền vững. Nghị quyết đã giúp định danh cho nền văn hóa Việt Nam; đồng thời xác định rõ ràng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội; tạo điều kiện để người dân tham gia tích cực vào việc sáng tạo nên các giá trị văn hóa.

Chính phủ đã ban hành mười chiến lược lớn, trong đó có Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được cấp ủy, chính quyền quan tâm đã và đang có sức lan tỏa trong cộng đồng. Xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam được xác định là nhiệm vụ đầu tiên, hàng đầu cùng với việc tạo dựng môi trường văn hóa. Những nét mới trong chuẩn mực văn hóa và trong nhân cách con người Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH từng bước được hình thành, kế thừa những đức tính tốt đẹp truyền thống của dân tộc: cần cù, yêu nước, gắn bó sâu nặng với quê hương, cộng đồng, ham hiểu biết, vừa có trình độ học vấn, năng động, sáng tạo trong cơ chế thị trường, với khát vọng vươn lên làm giàu cho mình, cho đất nước. Nhận thức về văn hóa cũng đã có nhiều thay đổi tích cực; mức hưởng thụ các sản phẩm văn hóa được nâng lên đáng kể; các thiết chế văn hóa được đầu tư, góp phần làm giảm sự cách biệt về văn hóa đối với từng vùng miền, từng dân tộc; giữa nông thôn, miền núi và thành thị, huy động được quần chúng nhân dân hưởng ứng và tham gia vào các chiến lược phát triển văn hóa của Đảng và Chính phủ...

Múa "Hương sen hồn Việt" trong chương trình nghệ thuật phục vụ cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2013 (DIFC). Ảnh: Internet.
Múa "Hương sen hồn Việt" trong chương trình nghệ thuật phục vụ cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2013 (DIFC). Ảnh: Internet.

Trong 15 năm thực hiện NQ Trung ương 5, Việt Nam đã xây dựng và ban hành Luật Di sản văn hóa và các văn bản liên quan, tạo được hành lang pháp lý trên lĩnh vực này. Hàng nghìn di tích đã được đầu tư chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo bên cạnh việc xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ di tích, nhất là việc quy hoạch, bảo tồn. Bên cạnh Luật Di sản văn hóa, các Luật Điện ảnh, Luật Quảng cáo... cũng được ban hành. Cùng với các hội chuyên ngành, phong trào văn nghệ quần chúng phát triển; nhiều câu lạc bộ VHNT ra đời, góp phần cổ vũ, động viên quần chúng sáng tạo, khai thác, truyền bá các giá trị nghệ thuật truyền thống và thưởng thức VHNT... Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt cho lao động sáng tạo của người nghệ sĩ. Từ năm 2000, Nhà nước bảo đảm hỗ trợ cho việc sáng tạo và quảng bá tác phẩm, duy trì hoạt động của tổ chức Hội VHNT với tư cách là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Việc Chính phủ tiếp tục hỗ trợ sáng tạo, sưu tầm VHNT và báo chí trong gần 15 năm qua đã tháo gỡ không ít khó khăn cho các hoạt động văn nghệ của cả nước, nhất là đối với các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ghi nhận: "NQ Trung ương 5 đã tạo cho VHNT không gian sáng tạo thông thoáng, cởi mở, tác phẩm được trân trọng hơn. Hoạt động sáng tác đa dạng về thể loại, đề tài, chủ động trong cách thể hiện. Tiếng nói phản biện của VHNT với đạo đức xã hội ngày càng mạnh mẽ. Văn nghệ sĩ được bảo đảm tự do sáng tạo, được chú trọng bảo vệ bản quyền về sáng tác, biểu diễn, phương thức biểu hiện được tôn trọng; dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo được khẳng định hơn...".

Một thành tựu phải kể đến chính là việc triển khai thực hiện công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Nhờ đó, văn nghệ sĩ có điều kiện in ấn, xuất bản, triển lãm, biểu diễn tác phẩm VHNT ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, với sự tham gia của các thành phần kinh tế, trong đó có vai trò tích cực của tư nhân. Hoạt động nghiên cứu, lý luận phê bình VHNT được đẩy mạnh, tham gia hiệu quả vào việc đẩy lùi các khuynh hướng phủ nhận thành tựu của văn nghệ cách mạng, kháng chiến, kiên trì bảo vệ và phát triển đường lối VHNT Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh...

Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, các Hội VHNT đã quan tâm thu hút lực lượng văn nghệ sĩ Việt Nam yêu nước, tiến bộ đang định cư ở nước ngoài về nước tham gia sáng tác, biểu diễn, phát huy những giá trị truyền thống văn nghệ của cộng đồng dân tộc. Thực hiện hợp tác giao lưu văn hóa với nước ngoài qua dịch thuật, xuất bản, lưu diễn, tổ chức trại sáng tác quốc tế ở Việt Nam và dự các liên hoan văn nghệ, các cuộc thi biểu diễn ở nước ngoài. Tuy mới chỉ là bước đầu, nhưng thực tế những hoạt động đối ngoại đã tăng cường đối ngoại nhân dân trong thời kỳ mới.

Vẫn còn đó nhiều trở ngại và hạn chế

Trước hết, đó là nhận thức về văn hóa ở một số địa phương, đơn vị vẫn còn chưa đúng tầm, chưa đủ chiều sâu để giải quyết có hiệu quả các vấn đề cốt lõi của văn hóa. Từ nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa không đồng đều ở mỗi địa phương, đơn vị, cho nên dẫn đến việc triển khai thực hiện thiếu thống nhất. Văn hóa vẫn bị xếp vào vị trí thứ yếu, đầu tư cho phát triển văn hóa chưa tương xứng, mới nhìn ở hình thức, chứ chưa nhìn nhận văn hóa ở chiều sâu. Các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa đều bộc lộ sự lo ngại khi kinh tế và văn hóa phát triển thiếu hài hòa. Nhà nghiên cứu Việt Phương cho rằng, hệ quả của việc không đi bằng cả "hai chân" kinh tế và văn hóa sẽ kéo theo những hệ lụy về văn hóa lối sống, văn hóa đạo đức, văn hóa gia đình. Việc xây dựng môi trường văn hóa chưa thật sự trở thành phong trào tự nguyện của quần chúng, đôi khi các kết quả đạt được còn mang tính hình thức. Việc công nhận các danh hiệu văn hóa cho các khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và gia đình văn hóa chưa thực chất và mang lại hiệu quả.

Sau 15 năm thực hiện NQ Trung ương 5, vẫn còn đó những nguy cơ về văn hóa cho thấy dấu hiệu "khủng hoảng nhân văn" ở một bộ phận cán bộ, nhân dân với sự suy giảm về tư tưởng, đạo đức, lối sống... rất đáng lo ngại. Gia đình vốn được coi là "tế bào của xã hội" đang lỏng lẻo với tình trạng ly hôn, tệ nạn bạo lực gia đình, cha mẹ ít thời gian giáo dục, chăm sóc con và con cái dễ sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật... Văn hóa ứng xử của con người với thiên nhiên, với môi trường xã hội đang tạo nên nhiều nỗi lo lớn trong dư luận xã hội, ít đi sự khoan dung, nhường nhịn truyền thống và thậm chí còn tăng thêm sự vô cảm trong một bộ phận dân chúng, nhất là ở giới trẻ.

Sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, thiếu tính gương mẫu của một bộ phận xã hội đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần, môi trường văn hóa lành mạnh mà biểu hiện rõ rệt là sự suy thoái xuất hiện ở một bộ phận cán bộ, công chức công tác trong một số ngành bảo vệ pháp luật, giáo dục, y tế... đã ảnh hưởng lớn đến giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ học sinh, sinh viên. Cách ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng; sử dụng ngôn từ thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, căn bệnh "vô cảm" đối với nỗi đau của con người; nạn tham nhũng, hối lộ, sách nhiễu dân, mất đoàn kết của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; nạn bạo lực học đường, học sinh nói tục, chửi bậy, vô lễ với giáo viên, có hành vi phản cảm, thiếu nhận thức trước những giá trị thiêng liêng của dân tộc... đang tiếp tục làm nhức nhối dư luận xã hội.

Tình trạng xâm hại di tích tại một số di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng vẫn không được ngăn chặn kịp thời; nguồn kinh phí cho công tác tu bổ, chống xuống cấp các di tích còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Công tác trùng tu, tôn tạo ở một số công trình di tích còn cẩu thả, sai lệch, vi phạm Luật Di sản văn hóa. Hoạt động lễ hội đã và đang diễn ra phức tạp, một số lễ hội nâng cấp quy mô tổ chức có xu hướng xem nhẹ các giá trị văn hóa, coi trọng các dịch vụ với mục đích "thương mại hóa", "thần thánh hóa". Cùng với tình trạng mất an ninh, trật tự, ô nhiễm môi trường lễ hội là các hiện tượng tiêu cực lợi dụng tín ngưỡng, tâm linh, ngoại cảm để trục lợi, các hủ tục cũ, mới tràn lan, nhất là trong việc cưới, việc tang có chiều hướng gia tăng.

Giao lưu văn hóa chưa thật sự chủ động và tạo được nhiều nguồn lực để mở rộng hợp tác, giao lưu, giới thiệu những tinh hoa văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Việc tuyên truyền, giới thiệu nền văn hóa Việt Nam và những thành tựu trong công cuộc đổi mới của đất nước trên lĩnh vực kinh tế - xã hội ra nước ngoài chưa tương ứng với nhu cầu phát triển, trong khi lại nhập khẩu và đưa lên sóng truyền hình quá nhiều, thiếu chọn lọc phim ảnh, chương trình ca nhạc nước ngoài, làm ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của lớp trẻ.

Các văn bản pháp luật về văn hóa còn thiếu đồng bộ; việc thể chế hóa các nghị quyết, quan điểm của Đảng còn chậm, ít đổi mới. Một số lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chưa có luật để quản lý. Nhiều chính sách đối với văn nghệ sĩ đã lạc hậu nhưng chậm được sửa đổi. Đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, nhất là ở các địa phương và cơ sở cũng luôn luôn biến động. Lĩnh vực VHNT thiếu vắng những tác phẩm giá trị, cá tính sáng tạo, những nghệ sĩ lớn bậc thầy. Các tác phẩm VHNT có chất lượng chưa tương xứng với số lượng; một số tìm tòi mới chỉ nghiêng về hình thức, du nhập vội vã những khuynh hướng của nước ngoài. Đặc biệt là vẫn tồn tại dai dẳng khuynh hướng "thương mại hóa", giải trí, chiều theo thị hiếu cũ kỹ, hoặc tầm thường, thậm chí lập dị, ngộ nhận. Nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống hụt hẫng tác giả, dẫn đến việc vay mượn, chuyển thể xô bồ từ loại hình sân khấu kịch sang tuồng, chèo, cải lương.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của xã hội hiện nay, văn nghệ sĩ đang đối mặt với nhiều thách thức: Đời sống kinh tế khó khăn; quy định hệ số lương của nghệ sĩ biểu diễn (xiếc, múa, sân khấu) chưa phù hợp với đặc thù lao động nghệ thuật, ảnh hưởng đến niềm say mê sáng tạo, cống hiến trong hoạt động nghề nghiệp. Không ít tác phẩm thiếu chiều sâu về tư tưởng, giá trị nhân văn, nhưng lại được quảng bá rộng rãi, có tác động tiêu cực đến thị hiếu thẩm mỹ, đến quan niệm về giá trị sống, dễ dẫn đến nhận thức lệch lạc về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, đặc biệt với công chúng trẻ.

Tập trung thực hiện các vấn đề cốt lõi, cấp bách

Từ thực trạng nêu trên, sau 15 năm thực hiện NQ Trung ương 5 có thể thấy điều cần thiết phải tiếp tục bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện các nội dung nghị quyết để triển khai thực hiện, tập trung vào các vấn đề cốt lõi và cấp bách trong tình hình hiện nay, theo bốn giải pháp lớn đã nêu trong nghị quyết: Giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với thi đua yêu nước và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; xây dựng, ban hành luật pháp và chính sách văn hóa; tăng cường nguồn lực và phương tiện cho hoạt động văn hóa; nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa.

Để tiếp tục triển khai thực hiện những giải pháp này đòi hỏi phải tăng đầu tư nguồn lực (con người và kinh phí) cho văn hóa với mức tổng chi ngân sách của Nhà nước đạt hơn 1,8%; tiếp tục bảo đảm kinh phí cho các chương trình mục tiêu phát triển văn hóa; tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm mà sau 15 năm chưa thực hiện tốt, trong đó có việc chấn hưng nền điện ảnh nước nhà; quan tâm thể chế hoá các nghị quyết, quan điểm của Đảng kịp thời, hiệu quả. Vấn đề đặt ra là cần phải có chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam và đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như một ngành công nghiệp trọng điểm, dài hạn, có sức cạnh tranh cao để vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa trong nước, vừa mở rộng khả năng xuất khẩu, khẳng định vị thế của sản phẩm văn hóa Việt Nam trong hội nhập quốc tế, chống lại xu hướng du nhập hỗn loạn các sản phẩm văn hóa vào Việt Nam tràn lan như hiện nay. Nhà nước phải có chính sách ưu đãi để khuyến khích các thành phần kinh tế khác nhau tham gia đầu tư vào phát triển công nghiệp văn hóa theo một chiến lược và quy hoạch dài hạn.

Tổng kết 15 năm thực hiện NQ Trung ương 5 đã cho thấy nhiều vấn đề được và chưa được trong phát triển nền văn hóa Việt Nam, điều này đòi hỏi Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan nghiên cứu lý luận của Đảng, Nhà nước nghiên cứu sâu lý luận, tổng kết thực tiễn về những vấn đề liên quan đến văn hóa dân tộc; đề xuất phương án có tính chiến lược về văn hóa Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH, làm cơ sở lý luận cho quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com