QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013, được công bố chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày thông qua.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
Điều 2
1. Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội khóa XIII tiếp tục hoạt động cho đến khi Quốc hội khóa XIV họp kỳ thứ nhất.
Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục hoạt động cho đến khi Quốc hội khóa XIV bầu ra các cơ quan mới theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tiếp tục hoạt động cho đến khi Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân được thành lập theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Các cơ quan nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình được quy định trong Hiến pháp, kể từ ngày Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hiệu lực.
Những công việc đang được cơ quan nhà nước giải quyết theo quy định của Hiến pháp năm 1992 mà thẩm quyền này được giao cho cơ quan nhà nước khác thực hiện theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì phải chuyển giao cho cơ quan nhà nước đó để tiếp tục giải quyết, kể từ ngày Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hiệu lực.
Điều 3
1. Các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trước ngày Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hiệu lực phải được rà soát lại để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Việc sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Tòa án Nhân dân, Luật tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân và ban hành mới Luật tổ chức chính quyền địa phương phải được trình Quốc hội xem xét, thông qua chậm nhất vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10 năm 2015).
Điều 4
1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan hữu quan khác của Nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kịp thời sửa đổi, bãi bỏ các văn bản trái với Hiến pháp; điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với quy định của Hiến pháp; triển khai các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp.
2. Các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức hữu quan khác có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại cơ quan, tổ chức và địa phương mình, nâng cao nhận thức về Hiến pháp và ý thức chấp hành Hiến pháp, bảo đảm Hiến pháp được tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013./.
Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2013
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
Đã ký:
Nguyễn Sinh Hùng