Chiều ngày 29-11, kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIII đã thành công và bế mạc. Tới dự, có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, nhiều đại biểu QH các khóa trước và các đại biểu QH khóa XIII.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên bế mạc. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN |
Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, QH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Báo cáo trình bày rõ những vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm thảo luận, trong đó có những vấn đề UBTV QH tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu QH bổ sung, chỉnh lý vào dự thảo, có những vấn đề UBTV QH đề nghị QH cho giữ nguyên như dự thảo.
Tiếp đó, QH tiến hành biểu quyết thông qua ba điều, gồm: Điều 26 - Bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất, Điều 126 - Đất sử dụng có thời hạn, Điều 166 - Quyền chung của người sử dụng đất với tuyệt đại đa số đại biểu tán thành. Trên cơ sở đó, QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với 448 đại biểu tán thành, bằng 89,96% tổng số đại biểu QH.
Thảo luận về dự án Luật Phá sản (sửa đổi), các ý kiến phát biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành luật này nhằm khắc phục những thiếu sót, bất cập của Luật Phá sản hiện hành, như tình trạng doanh nghiệp "chết" nhưng không thể tuyên bố phá sản được vì thủ tục mở phá sản chưa phù hợp thực tiễn. Có ý kiến đề nghị, cùng với việc sửa đổi Luật Phá sản, cần rà soát các văn bản pháp luật liên quan để sửa đổi, bổ sung, bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Những vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm thảo luận là quy định tại Điều 2 về đối tượng áp dụng của luật, Điều 4 về quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; những quy định về quản tài viên và thẩm quyền của tòa án... Về đối tượng áp dụng, có ý kiến đề nghị quy định tất cả các chủ thể kinh doanh là đối tượng áp dụng của luật này. Điều 4 quy định về quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, có ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương là chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản để bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Có ý kiến cho rằng, quy định như phương án II Điều 4: Chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, HTX khi doanh nghiệp, HTX không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng trở lên trong thời gian ba tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu... là cứng nhắc. Một số ý kiến tán thành quản tài viên là người quản lý tài sản, giám sát và quản lý hoạt động kinh doanh trong trường hợp phục hồi doanh nghiệp, HTX bị yêu cầu mở thủ tục phá sản và thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu tại phiên họp này, UBTV QH sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu tiếp thu để hoàn chỉnh, trình QH xem xét tại kỳ họp sau.
Đầu giờ làm việc buổi chiều, với 468 phiếu tán thành, chiếm tỷ lệ 93,98% tổng số đại biểu, QH thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3-12-2004 của QH.
Tiếp đó, với 476 phiếu tán thành, chiếm tỷ lệ 95,58% tổng số đại biểu, QH đã thông qua Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân. Theo nội dung Nghị quyết, giao Chính phủ thực hiện các giải pháp bảo đảm đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT.
Trước năm 2018 hoàn thiện việc quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả phù hợp mức đóng và điều kiện kinh tế - xã hội, thực hiện các biện pháp để bảo đảm thuốc chữa bệnh có chất lượng và giá phù hợp, khắc phục tình trạng chênh lệch bất hợp lý về giá thuốc giữa các địa phương, triển khai mở rộng mô hình bác sĩ gia đình tham gia khám, chữa bệnh (KCB) BHYT, cải tiến quy định về chuyển tuyến phù hợp với tình trạng bệnh tật. Chấn chỉnh, nâng cao y đức và chất lượng KCB; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về KCB và BHYT; tăng cường năng lực quản lý Nhà nước và giám định BHYT; nâng cao hiệu quả tổ chức bộ máy thực hiện BHYT. Phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân. Định kỳ hai năm một lần báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết này với QH.
Cũng trong chiều 29-11, với đa số phiếu tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIII và Nghị quyết về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH, UBTV QH và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Phát biểu ý kiến bế mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, sau hơn một tháng làm việc tích cực, tâm huyết, đoàn kết và đầy trách nhiệm của các vị đại biểu QH; với sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc của Chính phủ, các cơ quan của QH và các cơ quan, tổ chức hữu quan; sự quan tâm theo dõi, giám sát và ủng hộ của đồng bào, cử tri cả nước, QH đã hoàn thành tốt đẹp chương trình làm việc của kỳ họp./.
Theo Nhân dân