Một cộng đồng chung là một cộng đồng đoàn kết

06:12, 07/12/2013

Một ASEAN sẽ thế nào sau năm 2015 - những định hướng cho tiến trình phát triển của các nước trong khu vực được các chuyên gia Việt Nam và quốc tế bàn thảo tại một hội thảo với chủ đề “Định hướng xây dựng cộng đồng ASEAN sau 2015 - Quan điểm của các nước ASEAN và Việt Nam" vào các ngày 3 và 4 tháng 12. Một chủ đề được coi là thời sự trong bối cảnh ASEAN đang chuẩn bị tiến tới một cộng đồng chung. Một chủ đề được coi là thời sự trong bối cảnh mà sự gắn kết giữa các quốc gia thành viên đã trở thành tiêu chí để có một cộng đồng thực sự mạnh. Một chủ đề đang là mối quan tâm chung của tất cả các nước, nhất là khi bất ổn đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới hoặc trong chính khu vực.

Lễ thượng cờ ASEAN. Ảnh: Internet.
Lễ thượng cờ ASEAN. Ảnh: Internet.

Vậy, một cộng đồng gắn kết thật sự cần những gì? Để trả lời cho câu hỏi ấy có lẽ cũng cần quay trở lại đôi chút với lịch sử hình thành và phát triển của ASEAN. Từ một Hiệp hội hợp tác lỏng lẻo với 5 thành viên giờ ASEAN đã phát triển thành một tổ chức gồm 10 quốc gia. Quá trình vận động và phát triển của ASEAN theo đánh giá của Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, đó là điển hình cho quy luật lượng biến thành chất. Đây cũng là một quá trình đi từ sự thiếu gắn kết đến gắn kết. Thực tế, vai trò tích cực của ASEAN đã thể hiện ngày càng rõ nét trong xử lý các vấn đề trọng đại của khu vực. Không thể phủ nhận việc ASEAN đã nỗ lực đóng góp với vai trò chủ đạo trong việc duy trì và thúc đẩy môi trường hòa bình, an ninh của khu vực, đặc biệt là việc xây dựng, chia sẻ và đề cao các chuẩn mực ứng xử trong nội khối và các nước đối tác. Dẫn chứng cụ thể nhất là việc ASEAN đã ra Tuyên bố Bali về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi, Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm về vấn đề Biển Đông, Tuyên bố DOC. Mục đích cao nhất của ASEAN không gì khác là nhằm thúc đẩy và duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực với nguyên tắc đồng thuận với những vấn đề chung và không can dự vào công việc nội bộ của nhau.

Nếu đi từ các tuyên bố kể trên soi chiếu vào tình hình chung của khu vực thì có thể thấy rõ ràng, đó là những tuyên bố khá hiệu quả trong ngăn chặn nguy cơ xung đột giữa các nước nội khối và giữa các nước nội khối với các nước ngoại khối. Sự ổn định đã giúp ASEAN nói chung và mỗi quốc gia thành viên có điều kiện sống trong hòa bình để phát triển. Dẫn chứng cụ thể nhất là trong khi kinh tế toàn cầu đang khó khăn, trì trệ và chưa thực sự thoát khỏi suy thoái thì ASEAN vẫn được đánh giá là khu vực có những bước phát triển ngoạn mục.

Điều đó vừa cho thấy ASEAN là một khu vực năng động, linh hoạt, biết thích ứng với biến động; vừa cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của ASEAN. Và, dù muốn dù không, ASEAN đang thực sự khẳng định vai trò trung tâm của mình trong cấu trúc khu vực. Dù chỉ là một tập hợp của các nước nhỏ và vừa nhưng "sân chơi” ASEAN luôn thu hút được các đối tác quan trọng ở khu vực cũng như toàn cầu. Giải thích cho nhận định này, nhiều chuyên gia đồng ý với quan điểm cho rằng, ASEAN đã đề ra các chuẩn mực ứng xử như Tuyên bố Bali, DOC, Nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông và quan trọng hơn là đã biết đưa các nước lớn, các nước đối tác đi vào quỹ đạo của "sân chơi” ASEAN và bằng cách này hay cách khác, rất tự nhiên, các nước lớn đã chấp nhận "luật chơi” mà ASEAN đề ra.

Tiến trình phát triển của ASEAN suốt 46 năm qua đã cho thấy một  kinh nghiệm: Chỉ có đoàn kết, đồng thuận, hợp tác bình đẳng cùng có lợi mới là mẫu số chung đưa ASEAN phát triển như hôm nay. Nói cách khác là cần và nên đề cao tư tưởng "thương người như thể thương thân”. Ở ASEAN các quốc gia đều đề cao sự trao đổi, trao đổi đến cùng để tìm ra một câu trả lời chung, khả dĩ chấp nhận được đối với mỗi quốc gia thành viên. Phải nhìn rõ những cơ hội đan xen cùng thách thức; những thuận lợi song hành cùng khó khăn mới thấy được nỗ lực của ASEAN.

Vị thế địa - chính trị, địa - kinh tế của ASEAN đã mang lại cho ASEAN một thuận lợi để phát triển thì rõ ràng, thách thức cũng nảy sinh từ đây. Một trong những thách thức ấy, theo ông Phạm Quang Vinh chính là việc, các nước lớn tăng cường can dự đã tạo lợi thế để khu vực có thể phát triển thêm nhưng cũng đặt khu vực trước thách thức không nhỏ. Thách thức, khó khăn nội tại đó chính là những mâu thuẫn, tranh chấp lãnh thổ, xung đột ở mỗi quốc gia trong ASEAN như trường hợp của Campuchia sau bầu cử Quốc hội thời gian vừa qua hay tình hình Thái Lan hiện nay. Nếu không đúng trong xử lý tình huống thì những bất ổn có thể lan ra khu vực - tình hình Trung Đông và Bắc Phi mấy năm qua đã cho thấy điều ấy. Không chỉ thế, mâu thuẫn, xung đột đó cũng trở thành thách thức trong quan hệ giữa các quốc gia thành viên; và nếu thực sự thế thì bất ổn không còn ở cấp quốc gia mà sẽ là vấn đề của cả khu vực. Hơn lúc nào hết, trong khi "con  tàu” ASEAN đang lao về vạch đích thì cũng là lúc các quốc gia thành viên cần tăng cường xây dựng sự đoàn kết.

Cũng vì tất cả những lý do ấy mà hướng tới một cộng đồng chung, ASEAN đang nỗ lực xây dựng từng trụ cột (với 3 trụ cột chính: Chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội) cũng như mối quan hệ hữu cơ của các trụ cột với nhau nhưng cái mà ASEAN cần nhất là xây dựng lòng tin lẫn nhau, vượt qua nghi kỵ, vượt qua lợi ích riêng hẹp hòi - những tác động không nhỏ tới đoàn kết nội khối, tới mục tiêu Cộng đồng chung./.

Theo daidoanket.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com