Tại Hội nghị “APEC trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương của thế kỷ 21”, do Bộ Ngoại giao phối hợp Cơ quan Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam tổ chức ngày 15-11 vừa qua tại Hà Nội, các đại biểu đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong 15 năm tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
APEC - cơ chế hợp tác quan trọng
Đây là hội nghị quan trọng nhất về Diễn đàn APEC do Việt Nam tổ chức trong năm nay, đúng dịp kỷ niệm 15 năm Việt Nam tham gia APEC (15-11-1998). Các đại biểu dự hội nghị đều cho rằng, là một trong những cơ chế liên kết kinh tế được hình thành sớm nhất khu vực, trong hơn hai thập kỷ qua, APEC đóng góp to lớn cho sự phát triển năng động của châu Á - Thái Bình Dương cũng như cho sự phát triển của từng nền kinh tế. Trong thế kỷ 21, APEC tiếp tục là cơ chế hợp tác kinh tế quan trọng, tuy nhiên cần tiếp tục cải cách nội dung hợp tác, cách thức hoạt động để phù hợp tình hình mới.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, hội nghị diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực cũng như APEC. Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, bức tranh toàn cảnh kinh tế, chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc. Châu Á - Thái Bình Dương trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế thế giới, là khu vực phát triển năng động nhất với phạm vi và mức độ liên kết ngày càng sâu rộng.
Quang cảnh Hội nghị “APEC trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương của thế kỷ 21”. Ảnh: Internet. |
Theo đánh giá của ông Nagesh Kumar, Kinh tế trưởng Uỷ ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP), tăng trưởng cần phải thay đổi về bản chất theo hướng đồng đều, bền vững và bảo đảm hơn chất lượng cuộc sống người dân, hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững sau 2015.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp nhấn mạnh, hợp tác APEC nên tập trung hơn vào những vấn đề mới đang đặt ra trong liên kết thương mại, nhất là nâng cao đồng bộ chính sách, kết nối chuỗi cung ứng, tăng cường hợp tác dịch vụ, thúc đẩy công nghệ, sáng tạo, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, sự tham gia của phụ nữ trong phát triển kinh tế, đồng thời giải quyết các thách thức toàn cầu như an ninh lương thực, an ninh năng lượng…
Việt Nam đề xuất nhiều sáng kiến
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, việc Việt Nam tham gia APEC là bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. “Việt Nam đang bước sang thời kỳ chiến lược mới, tiếp tục đổi mới sâu rộng, tái cơ cấu nền kinh tế và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện. Do đó, châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Diễn đàn APEC nói riêng càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Hầu hết, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đối tác kinh tế - thương mại hàng đầu của Việt Nam đều ở châu Á - Thái Bình Dương”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết.
Nhiều thành viên APEC đánh giá cao vai trò, sự tham gia, đóng góp chủ động, tích cực, hiệu quả của Việt Nam trong quá trình tham gia APEC cũng như các cơ chế liên kết kinh tế khu vực, nhấn mạnh việc Việt Nam đảm nhiệm nhiều vị trí Chủ tịch và Phó Chủ tịch các Nhóm công tác chủ chốt của APEC đã đóng góp tích cực, thúc đẩy hợp tác của APEC. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những thành viên đề xuất nhiều sáng kiến mới, với hơn 70 sáng kiến trong hầu hết các lĩnh vực hợp tác, nhất là thúc đẩy tự do hoá thương mại, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển nguồn nhân lực y tế, ứng phó tình trạng khẩn cấp, cứu hộ, cứu nạn, chống chủ nghĩa khủng bố, an ninh hàng không…
Trong phiên thảo luận “Khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam trong tham gia APEC”, các đại biểu đưa ra nhiều đề xuất nhằm tăng cường hơn nữa sự tham gia và đóng góp của Việt Nam với APEC trong giai đoạn đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, đồng thời, tận dụng tốt hơn những cơ hội của hợp tác APEC đối với phát triển kinh tế đất nước nói chung và các doanh nghiệp nói riêng…
Theo qdnd.vn