Dân tộc Việt Nam trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước đã tạo lập cho mình một nền văn hóa riêng, phong phú và bền vững với những giá trị truyền thống tốt đẹp và cao quý. Một trong những giá trị văn hóa mang bản sắc riêng được vun đắp trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là văn hóa giữ nước.
Văn hóa giữ nước Việt Nam là những giá trị tinh thần truyền thống được sáng tạo trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giữ gìn độc lập của quốc gia - dân tộc. Đặc trưng nổi bật của văn hóa giữ nước Việt Nam là: Lòng yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất; trên dưới thuận hòa, cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc; nghệ thuật đánh giặc độc đáo; tính nhân văn cao cả.
Văn hóa giữ nước Việt Nam được kết tinh từ trong lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc, chứa đựng trong đó những nội dung cốt lõi sức mạnh văn hóa tinh thần Việt Nam; là cầu nối để gắn kết mỗi người Việt Nam yêu nước, khơi dậy mạch nguồn trí tuệ, tư tưởng, tình cảm và ý chí Việt Nam. Từ khi có Đảng lãnh đạo, các giá trị tốt đẹp của văn hóa giữ nước Việt Nam được khơi dậy và phát triển lên tầm cao mới, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. |
Trong những giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam thì lòng yêu nước là giá trị tiêu biểu nhất, chi phối, định hướng phát triển các giá trị khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Lòng yêu nước của dân tộc được bắt nguồn từ ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần tự tôn, tự lập, tự cường. Tinh thần đó không chỉ biểu hiện ở lòng dũng cảm, đức hy sinh, mà còn biểu hiện ở sự đoàn kết, nhân ái, yêu thương con người, ý thức bảo vệ nhân phẩm, giữ gìn đạo lý; bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc luôn gắn chặt với bảo vệ giá trị văn hóa đặc trưng của con người và dân tộc Việt Nam. Lòng yêu nước, tinh thần sẵn sàng hy sinh tất cả để Tổ quốc được độc lập, dân tộc được tự do là lẽ tự nhiên, là nghĩa vụ đứng trên mọi nghĩa vụ của mỗi con người Việt Nam.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh, kể từ cuộc kháng chiến chống Tần (thế kỷ III trước công nguyên) đến gần cuối thế kỷ XX, nhân dân ta đã tiến hành hàng trăm cuộc chiến tranh giữ nước và chiến tranh giải phóng dân tộc. Cùng với đấu tranh vũ trang, dân tộc ta đã kiên cường đấu tranh để giữ vững và phát triển bản sắc văn hóa riêng có của dân tộc mình, điển hình là cuộc đấu tranh chống Hán hóa về chủng tộc, ngôn ngữ, phong tục, tập quán trong suốt chặng đường hơn nghìn năm các triều đại phong kiến phương Bắc thay nhau đô hộ; cuộc đấu tranh chống lại chính sách văn hóa nô dịch, phản động của thực dân Pháp và phát xít Nhật những năm đầu thế kỷ XX... Văn hóa đã trở thành một mặt trận, đấu tranh trên mặt trận đó cũng không kém phần cam go, phức tạp và quyết liệt.
Kế thừa tinh thần đó, trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay, chúng ta cần tiếp tục phát huy chủ nghĩa yêu nước, tính tự tôn dân tộc, ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và bảo vệ những giá trị văn hóa dân tộc. Muốn đất nước phát triển toàn diện và bền vững, trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, mỗi người Việt Nam, mỗi tổ chức xã hội cần nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, kết hợp chặt chẽ giữa phát huy tinh thần yêu nước truyền thống nồng nàn với tình yêu chế độ xã hội chủ nghĩa, hợp thành một chủ nghĩa yêu nước có sự gắn bó máu thịt của nhân dân và quân đội, tạo nên sức mạnh và động lực tinh thần to lớn vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội mà Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra.
Chào cờ trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Internet |
Lòng yêu nước nồng nàn của mỗi người dân Việt đã là cội nguồn tạo nên sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tinh thần trên dưới thuận hòa, cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc đã trở thành một giá trị của văn hóa giữ nước Việt Nam qua các thời đại. Tinh thần đó được biểu hiện ở sự cố kết trong nội bộ lãnh đạo đất nước, trong quân đội và trong toàn dân tộc. Thời kỳ phong kiến, khi bị ngoại bang xâm lược, các triều Tiền Lê, Lý, Trần… đã biết dẹp những mâu thuẫn nội bộ, tập hợp lực lượng, củng cố triều đình, đoàn kết toàn dân chung sức chống giặc. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc để đánh thắng những kẻ thù xâm lược lớn mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Đối với quân đội, lực lượng trực tiếp quyết định thắng bại trên chiến trường, đòi hỏi phải có sự đoàn kết, thống nhất cả về tinh thần và tổ chức, ý chí và lực lượng. Vì vậy, đoàn kết là một yêu cầu rất quan trọng, yếu tố quyết định sức mạnh của quân đội. Những tấm gương tiêu biểu cho sự đoàn kết giữa cán, binh, tướng, sĩ trong quân đội như Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ… đã phản ánh sức mạnh của sự đoàn kết trong quân đội. Tuy nhiên, với dân tộc Việt Nam, sức mạnh giữ nước chỉ được phát huy thực sự khi xây dựng được khối đoàn kết toàn dân, cả nước một lòng đánh giặc. Các triều đại phong kiến ở nước ta lúc thịnh trị, có vai trò tiến bộ, biết động viên, tổ chức lực lượng toàn dân kháng chiến đánh bại giặc ngoại xâm, những cuộc chiến tranh nhân dân đã xuất hiện ngay từ thời kỳ này. Trong lịch sử dân tộc có ba lần các triều đại phong kiến để mất nước, đó là những thời điểm triều đình không phát huy được sức mạnh tổng hợp của đất nước, của dân tộc. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân, của tinh thần đại đoàn kết dân tộc lại được tỏa sáng lên một tầm cao mới, đây là nguồn gốc để làm nên những chiến thắng hào hùng của dân tộc.
Ngày nay, tuy được sống trong môi trường hòa bình, nhưng các thế lực thù địch đã và đang tìm mọi cách để chia rẽ Đảng, quân đội và cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, mặt trái kinh tế thị trường cũng có những tác động sâu sắc, làm cho chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm có điều kiện phát triển. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới ý thức cộng đồng, tình đoàn kết, thống nhất vì lợi ích chung bị coi nhẹ. Nếu không nhận thức rõ những tồn tại trên để có cách khắc phục kịp thời thì truyền thống đoàn kết trong nội bộ Đảng, trong quân đội và trong toàn dân có nguy cơ bị phai nhạt, ảnh hưởng trực tiếp tới sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa, tới tiến trình phát triển của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay. Vì vậy, cần quan tâm phát huy giá trị văn hóa truyền thống “trên dưới thuận hòa, cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Nghệ thuật đánh giặc độc đáo cũng là một trong những đặc trưng nổi bật trong văn hóa giữ nước Việt Nam. Đặc trưng đó được biểu hiện trong phương thức, phương châm và cách chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Xuất phát từ tương quan so sánh lực lượng, bao giờ dân tộc ta cũng phải đương đầu với những đế quốc hùng mạnh. Đặc điểm đó đòi hỏi chúng ta phải có nghệ thuật quân sự, cách đánh độc đáo. Về phương thức, từ xa xưa, các triều đại đã xác định phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân chống xâm lược, cả nước tham gia đánh giặc. Phương châm cơ bản chỉ đạo xuyên suốt các cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc ta là lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh. Nhờ vậy mà dân tộc ta đã biết khoét sâu chỗ yếu của địch, củng cố chỗ mạnh của ta, chuyển hóa dần lực lượng hai bên để cuối cùng ta có đủ thực lực giành thắng lợi. Nghệ thuật đánh giặc độc đáo còn biểu hiện ở cách đánh linh hoạt, thiên biến vạn hóa; kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với các hình thức đấu tranh chính trị, binh vận, ngoại giao. Nghệ thuật đánh giặc độc đáo của ông cha ta không những chỉ có giá trị trong chiến tranh, mà ngay cả thời bình khi Đảng ta xác định đối tượng và đối tác đã thể hiện quan điểm vừa kiên cường, tự chủ, vừa mềm dẻo và linh hoạt. Việc xử lý các tình huống nảy sinh trong tranh chấp lãnh thổ, biển đảo hiện nay cũng cần có những phương pháp linh hoạt, hiệu quả, kiên trì kết hợp đấu tranh trên nhiều mặt. Đó chính là những nội dung mới trong nghệ thuật đấu tranh giữ nước hiện nay.
Văn hóa giữ nước Việt Nam được quy định bởi tính chất chính nghĩa của các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm. Tính chất chính nghĩa của các cuộc chiến tranh là nguồn gốc tạo nên tính nhân văn cao cả trong công cuộc giữ nước của dân tộc Việt Nam. Ngay từ xa xưa, với tư tưởng quân sự đánh đuổi địch là chính để tránh thương vong lớn cho quân ta, dân tộc ta luôn đề cao những hình thức đấu tranh phi vũ trang. Trong chiến tranh, khi thấy đối phương tinh thần chiến đấu đã nao núng, các nhà lãnh đạo chiến tranh của ta đã chủ động đề xuất ra biện pháp thương lượng để chấm dứt chiến tranh, tạo điều kiện cho quân xâm lược rút về nước an toàn nếu chúng tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Tính nhân văn cao cả còn biểu hiện qua cách đối xử với tù, hàng binh, coi họ cũng là nạn nhân của chiến tranh, hoặc đối xử khoan hồng với những người đã lầm đường làm tay sai cho giặc. Chủ nghĩa nhân văn luôn có giá trị ở mọi thời đại. Trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay càng không thể coi nhẹ giá trị này. Những phẩm chất thủy chung, tình nghĩa, tôn trọng và đề cao giá trị con người… đang là những điều còn trăn trở trong xã hội hiện thời, nền văn hóa mới cần khôi phục, phát huy các giá trị truyền thống mang tính nhân văn đó, làm cho xã hội ngày càng xuất hiện nhiều những giá trị chân - thiện - mỹ.
Văn hóa giữ nước là thành tựu sáng tạo rực rỡ nhất trong các thành tựu sáng tạo văn hóa Việt Nam. Đó là kết quả của sự hội tụ và phát triển đến đỉnh cao những phẩm chất tinh thần, đặc biệt là lòng dũng cảm và tài năng sáng tạo của dân tộc ta, tiềm ẩn trong mỗi con người cũng như cộng đồng các dân tộc Việt Nam, khi được khơi dậy sẽ trở thành sức mạnh vô địch trước bất cứ thế lực ngoại xâm nào. Văn hóa giữ nước Việt Nam là một trong những nội dung cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc, những giá trị đặc trưng, nổi bật của văn hóa giữ nước Việt Nam truyền thống, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay./.
Theo: qdnd.vn