Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng

07:11, 14/11/2013

Thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá IX và Chỉ thị 14-CT/TU ngày 22-4-2003 của Ban TVTU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng”, trong 10 năm qua, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng ở tỉnh ta đã được các cấp uỷ từ tỉnh đến cơ sở tập trung chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng.

Cùng với việc đưa nội dung công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng vào nghị quyết đại hội, một số cấp uỷ Đảng còn ra nghị quyết chuyên đề, chỉ thị, đồng thời kiện toàn Ban chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ các cấp, đầu tư kinh phí thoả đáng cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Năm 2006, Thường trực Tỉnh uỷ quyết định hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị xuất bản lịch sử Đảng bộ xã, phường, thị trấn (mỗi đơn vị 10 triệu đồng). Các Đảng bộ huyện cũng trích một phần kinh phí từ ngân sách, như huyện Ý Yên hỗ trợ 20 triệu đồng, huyện Trực Ninh 5 triệu đồng, huyện Nam Trực 3 triệu đồng cho mỗi xã, thị trấn để xuất bản lịch sử Đảng… Ở các Đảng bộ huyện, thành phố đều bố trí một đồng chí Phó Ban Tuyên giáo và một cán bộ chuyên môn phụ trách công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Trong quá trình nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, các cấp uỷ Đảng đã quan tâm chỉ đạo sâu sát từ việc xây dựng kế hoạch, đề cương đến tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, xin ý kiến các đồng chí lão thành cách mạng, lãnh đạo chủ chốt, các đồng chí uỷ viên BCH qua các thời kỳ để thống nhất ý kiến, bổ sung hoàn thành bản thảo. Phương pháp tổ chức, nghiên cứu, biên soạn khoa học, tập hợp được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng của các cấp, các ngành, các đoàn thể, phát huy được trí tuệ tập thể và mang tính xã hội hóa cao. Nội dung tư liệu phong phú, hình thức đẹp, kết hợp với tranh, ảnh tư liệu có ý nghĩa lịch sử. Ngoài nội dung chủ yếu về các sự kiện lịch sử, các cuốn sử còn rút ra những bài học sâu sắc, thiết thực, đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, tính lịch sử và tính logic, có giá trị tuyên truyền, giáo dục cao.

Hàng trăm cuốn lịch sử Đảng bộ các địa phương, đơn vị đã được biên soạn, xuất bản trong 10 năm qua.
Hàng trăm cuốn lịch sử Đảng bộ các địa phương, đơn vị đã được biên soạn, xuất bản trong 10 năm qua.

Được sự quan tâm chỉ đạo của Ban TVTU và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ nghiên cứu lịch sử Đảng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, cùng đội ngũ cộng tác viên, từ năm 2002 đến nay, ở cấp tỉnh đã tổ chức biên soạn, xuất bản được 6 ấn phẩm lịch sử gồm: “Những người cộng sản ưu tú trên quê hương Nam Định” (xuất bản năm 2003); “Những sự kiện Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nam Định 1976-2000” (xuất bản năm 2005); “Đồng chí Trường Chinh với quê hương Nam Định” (xuất bản năm 2006); “Lịch sử ngành Tuyên giáo tỉnh Nam Định” (xuất bản năm 2010); “Đồng chí Lê Đức Thọ với cách mạng Việt Nam và quê hương Nam Định” (xuất bản năm 2011); “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nam Định 1975-2005” (xuất bản năm 2012). Phòng Lịch sử Đảng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu lịch sử Đảng bộ, sao chụp trên 40 nghìn trang tư liệu, đưa toàn bộ các tư liệu về lịch sử Đảng từ 1930-1975 vào cơ sở dữ liệu, tiện lợi cho việc lưu trữ, bảo quản và sử dụng. Đối với cấp huyện, cả 16 Đảng bộ huyện, thành phố và Đảng uỷ trực thuộc đã xuất bản lịch sử Đảng bộ đến năm 2000 hoặc 2005; có 5/6 đoàn thể quần chúng biên soạn và xuất bản lịch sử truyền thống, như:  MTTQ tỉnh, LĐLĐ tỉnh, Tỉnh Đoàn, Hội LHPN tỉnh, HND tỉnh. Riêng Hội CCB tỉnh biên soạn lịch sử dưới dạng biên niên. Bên cạnh đó, một số sở, ngành, cơ quan đã xuất bản lịch sử của cơ quan, đơn vị, như: Bưu điện tỉnh, Sở GTVT, Cty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Nam Định, Ngân hàng NN và PTNT tỉnh, TAND tỉnh, Trường Chính trị Trường Chinh. Đối với cấp cơ sở có 221/229 xã, phường, thị trấn xuất bản lịch sử Đảng bộ, đạt 96,5%. Hầu hết các bản thảo lịch sử đều được biên soạn đúng quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp trên, hành văn ngắn gọn, dễ hiểu, nội dung phản ánh chân thực quá trình hình thành phát triển mảnh đất, con người, tổ chức cơ sở Đảng, vai trò lãnh đạo của Đảng qua các giai đoạn đấu tranh cách mạng, trong công cuộc đổi mới; khơi dậy truyền thống, niềm tự hào của nhân dân địa phương; phục vụ tốt cho công tác giáo dục truyền thống, công tác chính trị tư tưởng của Đảng bộ.

Cùng với việc sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh đã có nhiều biện pháp giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hình thức tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ khá đa dạng như tổ chức hội thảo, toạ đàm, xây dựng nhà lưu niệm truyền thống, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, kể chuyện truyền thống nhân các ngày kỷ niệm lớn. Các Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu đề xuất với cấp uỷ và phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức biên soạn lịch sử Đảng bộ tỉnh, huyện, thành phố thành bài giảng và đưa vào giảng dạy. Ở các cơ sở xã, phường, thị trấn việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng chủ yếu bằng các hình thức nói chuyện thời sự, kể chuyện truyền thống, mít tinh kỷ niệm các ngày lễ lớn, xây dựng nhà lưu niệm, đền thờ liệt sĩ; sinh hoạt chi bộ, CLB của các đoàn thể nhân dân…; từ đó khơi dậy niềm tin, lòng tự hào và tình yêu quê hương, đất nước, cổ vũ tinh thần hăng hái thi đua tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nghiên cứu, biên soạn và giáo dục truyền thống lịch sử Đảng bộ tỉnh thời gian qua cũng còn một số hạn chế cần khắc phục: Chất lượng (cả nội dung và hình thức) của một số cuốn sử còn thấp, mới dừng lại ở phản ánh sự kiện, chưa có tính khái quát, chưa rút ra được bài học kinh nghiệm trong quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng bộ. Công tác giáo dục, phát huy truyền thống lịch sử của Đảng bộ đã được triển khai song chưa thật sâu rộng. Việc đưa lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử các địa phương vào giảng dạy trong các trường phổ thông còn chậm và thiếu thống nhất. Phương pháp giảng dạy chưa sinh động, hấp dẫn. Các đồ dùng, học cụ phục vụ cho giảng dạy như bản đồ, tranh ảnh… còn thiếu, do vậy, công tác tuyên truyền về lịch sử Đảng bộ còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Một số cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện cho công tác nghiên cứu, biên soạn và giáo dục truyền thống lịch sử địa phương… Thời gian tới, các huyện, thành phố cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các Đảng bộ cơ sở đẩy nhanh tiến độ biên soạn, xuất bản lịch sử theo tinh thần Chỉ thị 14-CT/TU để đến hết năm 2013, 100% xã, phường, thị trấn hoàn thành việc biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ. Các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh tổ chức biên soạn, xuất bản lịch sử truyền thống cách mạng của ngành. Những Đảng bộ đã xuất bản lịch sử giai đoạn đến năm 2000 cần nghiên cứu, xem xét, bổ sung tư liệu và hoàn chỉnh lịch sử của Đảng bộ đơn vị để tái bản. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ các cấp theo sự chỉ đạo của tỉnh. Đây là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết và càng có ý nghĩa hơn khi toàn Đảng, toàn dân đang tập trung thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và trong xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng./.

Bài và ảnh: Hoài Phương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com