Những năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, khu dân cư xây dựng, củng cố các tổ hòa giải ở cơ sở, góp phần giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Cán bộ Ủy ban MTTQ phường Bà Triệu (TP Nam Định) triển khai các nội dung nâng cao chất lượng của tổ công tác hòa giải ở cơ sở. |
Tại Thành phố Nam Định, ban công tác Mặt trận các khu dân cư của Ủy ban MTTQ thành phố đã thành lập được 513 tổ hòa giải với 2.500 thành viên. Trong 5 năm qua các tổ hoà giải của thành phố đã tiến hành trên 6.500 vụ hòa giải, trong đó số vụ hòa giải thành công chiếm trên 80%. Tiêu biểu như phường Bà Triệu đã thành lập 10 tổ hòa giải cơ sở, mỗi tổ có từ 7 đến 10 hòa giải viên. Các tổ hòa giải đã giải quyết được nhiều bức xúc của nhân dân trong phường về các vấn đề phân chia tài sản, tranh chấp đất đai, lấn chiếm đường, ngõ của nhau. Đến nay, trên địa bàn phường đã giải quyết được 95/118 vụ mâu thuẫn (đạt 80,5%). Tiêu biểu như lần hòa giải mâu thuẫn xảy ra giữa các thành viên trong gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt ở tổ 8 (khu dân cư Bà Triệu, phường Bà Triệu) do tranh chấp tài sản. Tổ hòa giải cơ sở cùng cán bộ tư pháp đã giải thích cho các thành viên các quy định của pháp luật về quyền thừa kế, quyền phân chia tài sản để các thành viên cùng thỏa thuận tìm cách giải quyết hợp tình, hợp lý, đúng pháp luật. Hay vụ việc hòa giải giữa gia đình ông Vũ Định với gia đình ông Trần Văn Hòa ở tổ 15 mâu thuẫn trong việc xây dựng nhà ảnh hưởng tới nhà bên cạnh, gây mất đoàn kết. Ủy ban MTTQ phường và tổ hòa giải đã đến từng gia đình động viên, tuyên truyền về công tác chấp hành pháp luật, phân tích quy định pháp luật liên quan, giải thích có lý, có tình với cả hai gia đình đi tới hòa giải, không còn mất đoàn kết. Còn tại xã Xuân Kiên (Xuân Trường), Ủy ban MTTQ xã đã phối hợp với cán bộ tư pháp địa phương giải quyết hòa giải thành công 22/24 vụ việc về các lĩnh vực: đất đai, dân sự, hôn nhân và gia đình, không để xảy ra tình trạng khiếu nại vượt cấp. Để nâng cao chất lượng hoạt động tổ hòa giải ở cơ sở, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp hướng dẫn triển khai quy định pháp luật về hoạt động hòa giải ở cơ sở để các tổ dân phố, khu dân cư hiểu rõ hơn vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải, từ đó tập trung củng cố và nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ làm công tác hòa giải. Trong những năm qua, hoạt động của tổ hòa giải ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả. Các thành viên của các tổ hòa giải thường xuyên được trau dồi về kỹ năng nghiệp vụ để nắm bắt và giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh trong địa bàn các khu dân cư. Hiện nay, toàn tỉnh có 3.773 tổ hòa giải cơ sở với trên 15 nghìn hòa giải viên là những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, có tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình trong công tác hòa giải, trong đó các thành viên ban công tác Mặt trận cơ sở là lực lượng nòng cốt của các tổ hoà giải. Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về công tác hòa giải cơ sở. Trong 6 tháng đầu năm 2013 đã tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho 120 thành viên tổ hòa giải về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phối hợp với Ủy ban MTTQ của 10 huyện, thành phố tổ chức 6 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 440 “nhóm nòng cốt” với 1.936 thành viên về Luật Hôn nhân và Gia đình, Pháp lệnh Hòa giải ở cơ sở, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo… Hoạt động của các tổ hòa giải góp phần giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng khu dân cư, hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho nhân dân, giữ vững an ninh trật tự. Uỷ ban MTTQ các cấp đã lồng ghép các chương trình hoạt động của công tác hòa giải với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” để tuyên truyền đến từng địa bàn khu dân cư giúp mỗi công dân hình thành được ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở hiện nay vẫn còn gặp không ít khó khăn như: Đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải ở cơ sở còn ít về số lượng, kỹ năng hòa giải và kiến thức pháp luật của một số hòa giải viên còn hạn chế, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong địa bàn khu dân cư còn hạn chế, các chính sách đối với các hòa giải viên chưa được quan tâm… Thời gian tới, Ủy ban MTTQ các cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, ngành Tư pháp tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho các hòa giải viên. Biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải để động viên, khuyến khích đội ngũ những người làm công tác hòa giải...
Phát huy vai trò của MTTQ các cấp trong công tác hòa giải ở cơ sở gắn với đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã góp phần giữ vững ổn định tình hình ANCT-TTATXH, tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh