(Bài phát biểu của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi lễ)
Kính thưa: - Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy,
- Đồng chí Thứ trưởng Bộ VH, TT và DL,
- Các đồng chí lãnh đạo các tỉnh bạn, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nam Định qua các thời kỳ,
- Thưa các vị đại biểu và toàn thể nhân dân!
Trong không khí của những ngày kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, ngày hội đoàn kết toàn dân; tỉnh Nam Định long trọng tổ chức đón nhận 2 bằng chứng nhận Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia: “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” và “Lễ hội Phủ Dầy”; tổ chức liên hoan “Nghi lễ Chầu văn”, cũng là khởi động cho việc chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO công nhận “Nghi lễ Chầu văn của người Việt tại Nam Định” là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại trong thời gian tới.
Thay mặt Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Nam Định, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo Bộ VH, TT và DL, Uỷ ban UNESCO Việt Nam, các cơ quan của Bộ VH, TT và DL, Trung ương Hội Di sản văn hoá Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Nam Định qua các thời kỳ, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong khu vực và các nhà khoa học đã tới dự buổi lễ, chung vui với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định.
Kính chúc các đồng chí, các vị đại biểu khách quý sức khoẻ, hạnh phúc. Chúc buổi lễ thành công tốt đẹp.
Kính thưa các vị đại biểu! Thưa toàn thể nhân dân!
Cách đây 68 năm, ngày 23-11-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65 “Ấn định nhiệm vụ của Đông phương Bác cổ Học viện”. Sắc lệnh phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản của Đảng và Nhà nước ta về công tác bảo tồn di sản văn hoá dân tộc. Đây chính là cơ sở pháp lý và tiền đề để Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 23 tháng 11 hằng năm là Ngày Di sản văn hoá Việt Nam. Ngày 23 tháng 11 hằng năm đã thực sự trở thành ngày hội lớn, động viên, phát huy truyền thống, ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ di sản và khơi dậy truyền thống, lòng tự hào của các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy Di sản văn hoá dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Với vị trí trung tâm khu vực Nam đồng bằng sông Hồng, trong tiến trình lịch sử dân tộc, Nam Định là vùng đất kết tinh, hội tụ và lưu giữ được nhiều giá trị văn hoá. Đây cũng là trung tâm của tín ngưỡng bản địa thờ Thánh Cha và Thánh Mẫu. Toàn tỉnh hiện nay có gần 4.000 di tích và hàng trăm lễ hội truyền thống. Trong đó có một Di tích đặc biệt quốc gia Đền Trần - Chùa Phổ Minh và 312 di tích đã được Nhà nước xếp hạng. Đặc biệt có gần 20.000 tài liệu, hiện vật phản ánh khá toàn diện lịch sử tự nhiên và xã hội tỉnh Nam Định, trong đó có nhiều bộ sưu tập quý hiếm, 4 hiện vật trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia, đang được lưu giữ, phát huy giá trị tại Bảo tàng tỉnh - một công trình văn hoá mới được đầu tư xây dựng với quy mô và vị thế mang tầm vóc khu vực. Bên cạnh đó, Nam Định còn có 2 bảo tàng tư nhân và 50 nhà truyền thống. Đó là những thiết chế văn hoá quan trọng, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá, lòng yêu nước, ý chí đấu tranh cách mạng và tinh thần lao động cần cù, sáng tạo cho các tầng lớp nhân dân hôm nay và mai sau.
Trong những năm qua, cùng với nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, công tác xã hội hoá trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hoá được chú trọng, đẩy mạnh. Nhiều di tích được trùng tu, chống xuống cấp nhờ sự đóng góp công sức, tiền của của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân. Nhiều lễ hội truyền thống được nghiên cứu phục hồi, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân. Đặc biệt đã có những cuộc hội thảo khoa học lớn trong nước và quốc tế về lĩnh vực di sản văn hoá tổ chức thành công tại Nam Định, hàng loạt những phát hiện mới về khảo cổ học và những cuộc trưng bày triển lãm cổ vật diễn ra thường xuyên. Đây là những hoạt động thiết thực và hiệu quả trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá. Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ của Bộ VH, TT và DL, các cơ quan hữu quan, các nhà khoa học đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá ở tỉnh Nam Định nói chung và công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hoá nói riêng. Tôi ghi nhận và biểu dương sự cố gắng của ngành VH, TT và DL, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các địa phương trong tỉnh đã làm tốt công tác quản lý và bảo vệ di sản văn hoá của quê hương.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hoá Việt Nam, tỉnh Nam Định vui mừng đón nhận bằng chứng nhận 2 Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia: “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” và “Lễ hội Phủ Dầy”. Cả 2 di sản văn hoá này đều gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu - một tín ngưỡng bản địa với các giá trị văn hoá dân gian đặc sắc, giàu tính nhân văn mà Nam Định là trung tâm, nơi hội tụ, lan toả của tín ngưỡng này ra khắp mọi miền của Tổ quốc. Đây là cơ sở pháp lý và khoa học, không chỉ khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc, mà còn là dịp để chúng ta tôn vinh, quảng bá, tuyên truyền di sản, đẩy mạnh phát triển du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Tại buổi lễ này, tôi vui mừng thông báo với tất cả quý vị đại biểu cùng toàn thể nhân dân; Bộ VH, TT và DL thông báo: Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao tỉnh Nam Định xây dựng hồ sơ khoa học “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” trình UNESCO xem xét, công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại trong thời gian tới. Tôi đề nghị Bộ VH, TT và DL, các tỉnh bạn, các cơ quan liên quan và các nhà khoa học tiếp tục quan tâm giúp đỡ tỉnh Nam Định để hoàn thiện hồ sơ khoa học di sản, đáp ứng tiêu chí của UNESCO. Tôi yêu cầu Sở VH, TT và DL, UBND huyện Vụ Bản phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, tham mưu UBND tỉnh, tiến hành các thủ tục cần thiết và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc nghiên cứu xây dựng hồ sơ, bảo đảm nội dung và tiến độ thời gian. Đề nghị cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương có di sản xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc chương trình hành động bảo vệ và phát huy giá trị của 2 Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia: “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” và “Lễ hội Phủ Dầy”, theo các quy định của Luật Di sản văn hoá, tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hoá, động viên toàn thể nhân dân tích cực tham gia bảo vệ di sản, hướng tới UNESCO công nhận “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.
Một lần nữa, xin kính chúc các vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể nhân dân sức khoẻ, hạnh phúc và thành công!
Xin trân trọng cảm ơn!
-------------------------
(*) Đầu đề của Báo Nam Định.