Ngày 1-11, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ mười. Buổi sáng, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015) và bàn phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đến hết năm 2015. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và Quy hoạch tổng thể về thủy điện.
Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp
Góp ý kiến vào các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, theo số liệu thống kê cho thấy, thời gian qua, trong khi doanh nghiệp khu vực FDI có sự tăng trưởng cao, thì các doanh nghiệp trong nước tăng trưởng rất thấp, chứng tỏ năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước rất hạn chế.
Do vậy, thời gian tới, cần thực hiện các giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, đẩy mạnh cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về chính sách và vốn để các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Đề cập các biện pháp hỗ trợ thị trường trong nước phát triển, nhiều đại biểu đề nghị, Nhà nước cần kết hợp, lồng ghép các gói kích thích nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội. Một số ý kiến đề nghị, trong các gói kích thích tăng trưởng cần tăng cường các gói hỗ trợ vào lĩnh vực nhà ở. Theo tính toán, một dự án xây dựng nhà ở được triển khai có tác dụng kích thích sự phát triển của 50 ngành sản xuất, kinh doanh và thu hút một lượng lớn lao động. Điều này không chỉ góp phần bảo đảm an sinh xã hội trong lĩnh vực nhà ở mà còn kích thích sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.
Tạo bước đột phá trong xóa đói, giảm nghèo
Đề cập các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, đại biểu Y Mửi (Kon Tum) cho rằng, giảm nghèo chưa bền vững và nguy cơ tái nghèo còn cao, nhất là khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù, Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình xóa đói, giảm nghèo, nhưng khi thực hiện cho thấy nhiều chương trình đạt hiệu quả rất thấp và không phù hợp với từng địa phương.
Do vậy, trong thời gian tới Nhà nước cần rà soát lại các chương trình và có sự điều chỉnh phù hợp. Vấn đề đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn được nhiều đại biểu tập trung đóng góp ý kiến. Theo đại biểu Phạm Minh Tấn (Đác Lắc), khu vực nông nghiệp vẫn được đánh giá là quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng hiện nay, khu vực này luôn gặp khó khăn và nông dân vẫn luôn phải chịu thiệt thòi do thiếu cơ chế bảo đảm ổn định thị trường nông sản. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn nữa, trong đó đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp và thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp để ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Tại phiên thảo luận, một số thành viên Chính phủ tham gia báo cáo giải trình trước QH đối với những vấn đề liên quan quản lý ngành. Trả lời ý kiến của một số đại biểu về tính sát thực của các con số thống kê về phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ KH và ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng, các phương pháp tính toán thống kê của Việt Nam tương thích với phương pháp thống kê của thế giới, nên những con số do Tổng cục Thống kê công bố cơ bản là chấp nhận được và đáng tin cậy. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, không có chuyện tô hồng hay bôi đen tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Các con số đều được đưa ra phản ánh đúng tình hình thực tế để từ đó chúng ta có cái nhìn thẳng thắn và đưa ra giải pháp hữu hiệu.
Liên quan vấn đề nợ xấu trong ngành Ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng hiện nay xấp xỉ 5% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng. Thời gian qua, nợ xấu được xử lý theo hướng cho phép các ngân hàng, tổ chức tín dụng cơ cấu lại các khoản nợ và thông qua việc trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Đây là các biện pháp hữu hiệu góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Nếu không thực hiện các biện pháp nêu trên, tỷ lệ nợ xấu có thể đã tăng thêm khoảng 10% nữa so với hiện nay.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã giải trình một số nội dung liên quan đến cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, tính ổn định, vững bền và vai trò, hiệu quả của dự án luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu.
Phát triển tràn lan thủy điện gây nhiều tác hại
Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và Quy hoạch tổng thể về thủy điện.
Về kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện, các đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương), Đặng Thuần Phong (Bến Tre) và một số đại biểu QH tại các tổ thảo luận cho rằng: Các cơ quan chức năng chưa đánh giá hết tác động tiêu cực của việc phát triển quá nhanh các công trình thủy điện. Trong đó, đáng chú ý là có những doanh nghiệp lợi dụng danh nghĩa thực hiện các công trình thủy điện để phá rừng kiếm lời. Sau khi tận thu rừng, doanh nghiệp này thông báo hết vốn, không thể tiếp tục thực hiện dự án thủy điện. Việc phát triển tràn lan thủy điện còn gây tác động tiêu cực tới môi trường sống. Việc di dân đến nơi ở mới chưa thật sự được chú trọng, chưa chú ý quyền lợi của nhân dân. Trong thực tế, nhiều hộ dân thuộc các dự án thủy điện khi đến nơi ở mới còn gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, các địa phương cần quan tâm hơn nữa công tác bảo vệ an toàn công trình thủy điện, trong đó, cần có sự tham gia của lực lượng công an, quân đội, không nên giao phó hoàn toàn cho các doanh nghiệp.
Có đại biểu nêu ý kiến, trong quá trình xây dựng các công trình thủy điện, các nhà khoa học chuyên ngành, các nhà quản lý và doanh nghiệp còn có ý kiến khác nhau, chưa thống nhất... Vì vậy, các cơ quan chức năng cần xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn về các công trình thủy điện, qua đó góp phần nâng cao chất lượng của thủy điện.
Một số đại biểu đề nghị, cần xem xét trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các địa phương trong việc quy hoạch thủy điện chưa sát với thực tế, gây lãng phí. Bên cạnh đó, cần tiếp tục khẩn trương rà soát cụ thể hơn nữa các dự án thủy điện theo hướng chỉ phê duyệt triển khai xây dựng các công trình thật sự cần thiết, đồng thời không có tác động tiêu cực quá lớn đối với môi trường. Nhiều đại biểu đề nghị, QH cần có Nghị quyết về quy hoạch, đầu tư và xây dựng các công trình thủy điện.
Thảo luận về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi), các đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa - Vũng Tàu), Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) và một số đại biểu khác đề nghị Ban soạn thảo cần phân tích và làm rõ, cụ thể hơn về giá trị pháp lý, những điểm khác nhau giữa công chứng và chứng thực. Dự thảo Luật chưa tách bạch, chưa phân định cụ thể hai khái niệm này. Ngoài ra, dự thảo Luật cần hướng tới giải quyết tình trạng hiện nay các văn phòng công chứng phát triển quá "nóng" ở các thành phố lớn, trong khi tại vùng sâu, vùng xa, miền núi thì rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân.
Một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần quy định theo hướng trao thêm một số thẩm quyền quản lý cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng để tăng cường vai trò tự quản của các tổ chức này. Bên cạnh đó, một số quy định về quyền của công chứng viên còn chưa rõ ràng, chưa phù hợp trong hoạt động chứng thực chữ ký và hợp đồng giao dịch... Vì vậy, Ban soạn thảo cần giải thích cụ thể hơn tránh tình trạng công chứng viên phải đảm nhận nhiệm vụ vượt quá khả năng, chức trách...
Ngày 2-11, kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ mười một. Buổi sáng, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014; sơ kết ba năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được QH khóa XIII thông qua.
Tránh đầu tư dàn trải
Thảo luận sơ kết ba năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2014-2016, các đại biểu QH nêu rõ sự cần thiết tiếp tục triển khai chương trình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Tuy nhiên, qua phân tích những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, đại biểu Danh Út (Kiên Giang), đại biểu Hà Sơn Nhin (Gia Lai) và đại biểu Nguyễn Văn Học (Lâm Đồng) kiến nghị thu gọn mục tiêu của chương trình, giảm chi sự nghiệp, bảo đảm nguyên tắc phân bổ kinh phí tập trung, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tập trung hoàn thành các dự án, công trình xây dựng cơ bản dở dang trong năm 2014-2015, các chương trình đã cam kết với các nhà tài trợ quốc tế, các chương trình có quy mô vùng, miền do Trung ương quản lý... Để tránh dàn trải nguồn vốn, nhiều đại biểu đề nghị nên ưu tiên tập trung bố trí vốn cho các lĩnh vực trọng tâm như: xóa đói, giảm nghèo; lao động, việc làm, xây dựng NTM và một số chương trình có cam kết quốc tế (nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu). Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhiều đại biểu nhất trí đề nghị của Chính phủ, cho phép phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 để tăng cường nguồn lực thực hiện.
Về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014, nhiều đại biểu băn khoăn với mức thâm hụt ngân sách và bội chi hiện nay, do đó đề nghị Chính phủ rà soát và dự báo sát hơn dự toán thu ngân sách Nhà nước trên cơ sở tính toán, xác định rõ các khoản thu từ nội địa, dầu thô, xuất, nhập khẩu... Như vậy, trong giai đoạn khó khăn khi tốc độ tăng thu giảm, bội chi cao hơn kế hoạch, dư nợ công tăng nhanh, nhiều khoản nợ của ngân sách Nhà nước chưa được xử lý, các đại biểu kiến nghị cần triệt để tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu, tập trung vào ba nhóm nội dung là chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và chi Chương trình mục tiêu quốc gia. Trên cơ sở đó, các đại biểu tán thành phương án phân bổ chi thường xuyên của Chính phủ, nhưng đề nghị lưu ý tăng chi cho y tế, tăng mức hỗ trợ trong nông nghiệp. Chú trọng bố trí vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông; bởi vì, bên cạnh xây dựng mới các công trình, dự án giao thông, thủy lợi; công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa là vấn đề cấp bách, đòi hỏi có sự đầu tư phù hợp để kéo dài tuổi thọ công trình, tiết kiệm kinh phí từ ngân sách Nhà nước khi phải đầu tư lại. Liên quan nội dung này, nhiều đại biểu tán thành phương án phát hành bổ sung và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 để ưu tiên đầu tư cho các dự án thuộc công trình mở rộng Quốc lộ 1A và thi công Quốc lộ 14, nhưng đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát lại tổng mức đầu tư của từng dự án cụ thể, điều chỉnh thiết kế, dự toán, cắt giảm phần dự phòng không hợp lý ở nhiều dự án; bảo đảm tiến độ, chất lượng của dự án, không để phát sinh làm tăng tổng mức đầu tư.
Khắc phục tình trạng luật "khung", luật "ống"
Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được QH khóa XIII thông qua.
Nhiều ý kiến phát biểu ghi nhận những nỗ lực của QH trong việc ban hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết, nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ công tác quản lý Nhà nước, đồng thời ghi nhận cố gắng của Chính phủ và các cơ quan liên quan trong việc xây dựng và ban hành các văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành để các luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH nhanh chóng đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng nêu những hạn chế, yếu kém, như việc chậm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn và đưa ra một số giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cho rằng, từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XIII đến nay, việc triển khai thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH có bước tiến bộ hơn so với những năm trước. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành kịp thời và nhanh chóng đi vào cuộc sống, được cử tri và nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng ban hành luật "khung", luật "ống" và nhiều nội dung quan trọng vẫn chưa quy định trực tiếp trong luật mà giao cho Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết dẫn đến nhiều luật, pháp lệnh phải chờ nghị định mới có thể thi hành. Trong khi đó, việc ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn vẫn chậm được ban hành gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Theo thống kê, từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XIII đến nay, QH, Ủy ban Thường vụ QH đã ban hành 46 luật, pháp lệnh, nghị quyết, nhưng việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện mới đạt 50% tổng số văn bản phải ban hành. Đến nay, còn tới 142 văn bản hướng dẫn thi hành mà Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chưa ban hành hoặc ban hành chậm so với quy định, gây ảnh hưởng đến công tác điều hành. Các đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) đề nghị, trong thời gian tới, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, trong khi xây dựng luật cần quy định cụ thể, chi tiết các điều khoản ngay trong luật, tránh tình trạng những vấn đề khó, phức tạp lại giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành như thời gian qua.
Một số đại biểu cho rằng, nguyên nhân của việc nhiều luật, pháp lệnh khó đi vào cuộc sống một phần do chất lượng các văn bản này còn hạn chế. Đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) nêu, mặc dù chúng ta còn thiếu nhiều luật, nhưng không nên vì thế mà cố gắng đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành, dẫn đến không bảo đảm chất lượng. QH cần xem xét lại quy trình xây dựng và ban hành luật theo hướng nâng cao chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi khi thi hành. Bên cạnh đó, cần có chế tài xử lý các đơn vị để xảy ra tình trạng chậm ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn, trong đó quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các đơn vị để xử lý.
Chủ nhật, ngày 3-11, QH nghỉ. Hôm nay, thứ hai, ngày 4-11, QH họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe báo cáo và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi)./.
Theo Nhân dân