Ngày 12-11, kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIII, bước sang ngày làm viêc thứ mười tám, các ĐBQH đã bỏ phiếu phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và biểu quyết đồng ý tăng số Phó Thủ tướng. Theo đó, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thay mặt UBTVQH báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn ĐBQH về việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Thiện Nhân và việc tăng số Phó Thủ tướng Chính phủ. Kết quả, QH đồng ý thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Thiện Nhân với 90,76% số ĐB tán thành. QH cũng đồng ý thông qua Nghị quyết về việc tăng số Phó Thủ tướng Chính phủ với tỷ lệ 87,75%.
Ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc Tờ trình đề nghị QH phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao với ông Phạm Bình Minh và chức vụ Phó Thủ tướng với ông Vũ Đức Đam; đồng thời miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam. Theo Tờ trình của Thủ tướng, ông Vũ Đức Đam sinh ngày 3-2-1963, trình độ chuyên môn: Tiến sĩ kinh tế, thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp. Ông Vũ Đức Đam là cán bộ được đào tạo cơ bản, đã qua đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, trong đó có thời gian từng làm thư ký và trợ lý cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, là Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh… Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Trong quá trình công tác, ông Vũ Đức Đam luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công. Ông Vũ Đức Đam có đủ phẩm chất và năng lực để đảm đương nhiệm vụ Phó Thủ tướng Chính phủ. Cũng theo Tờ trình của Thủ tướng, ông Phạm Bình Minh sinh ngày 26-3-1959, trình độ chuyên môn: Thạc sĩ ngoại giao, biết tiếng Anh, tiếng Pháp. Ông Phạm Bình Minh là cán bộ được đào tạo cơ bản, đã qua đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, chủ yếu liên quan đến công tác ngoại giao. Trong quá trình công tác, ông Phạm Bình Minh luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông đã có đóng góp tích cực vào thành tựu chung của công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Tờ trình nêu rõ ông Phạm Bình Minh có đủ phẩm chất, năng lực để đảm đương nhiệm vụ Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ngay sau khi Thủ tướng đọc Tờ trình, QH thảo luận tại Đoàn về các nội dung theo Tờ trình đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tiếp đó, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014 với 87,95% số ĐB tán thành. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 782.700 tỷ đồng; trong đó, thu từ nội địa là 539.000 tỷ đồng, thu từ dầu thô là 85.200 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 154.000 tỷ đồng… Tổng số chi ngân sách là 1.006.700 tỷ đồng, trong đó, chi cho đầu tư là 163.000 tỷ đồng, chi trả nợ và viện trợ là 120.000 tỷ đồng, chi cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và quản lý hành chính trên 704.400 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách Nhà nước là 224.000 tỷ đồng, tương đương 5,3% tổng sản phẩm trong nước (GDP). QH cũng đồng ý tiếp tục thực hiện 16 Chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, lồng ghép và thu gọn mục tiêu, giảm chi sự nghiệp, bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng vốn hiệu quả; khắc phục những tồn tại, yếu kém trong quá trình triển khai qua 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (2011-2013). QH giao Chính phủ tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, cơ cấu lại thu, chi ngân sách, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Bội chi ngân sách chủ yếu được sử dụng cho đầu tư phát triển và dành một phần để trả nợ. Triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý Nhà nước và sự nghiệp công; thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ chế khoán chi và bố trí kinh phí theo hiệu quả công việc; cắt, giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác, không mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật); quản lý chặt chẽ để hạn chế tối đa chi chuyển nguồn.
Trình QH xem xét, thông qua các dự án Luật: Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), Luật Đầu tư công; chuyển một số loại phí, lệ phí sang giá dịch vụ phù hợp với cơ chế thị trường; rà soát lại chính sách thu ngân sách Nhà nước, điều chỉnh bảo đảm phù hợp với lộ trình giảm thuế đã cam kết theo các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương; không ban hành, điều chỉnh chính sách làm giảm thu, tăng chi ngân sách Nhà nước ảnh hưởng đến cân đối ngân sách Nhà nước và an ninh tài chính quốc gia. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá; kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế; giảm nợ đọng thuế. Trong năm 2014, tiếp tục thực hiện miễn thuế khoán (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc, trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân theo quy định tại khoản 2, Điều 1, Nghị quyết số 29/2012/QH13 ngày 21-6-2012 của QH. Đánh giá chính xác, tăng cường kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia, bảo đảm an toàn nợ công, trả nợ đúng cam kết, giữ vững an ninh tài chính quốc gia; từng bước xử lý dứt điểm các khoản mà ngân sách Nhà nước còn nợ. Trước đó, QH cũng đồng ý điều chỉnh nâng mức bội chi ngân sách Nhà nước năm 2013. Căn cứ số hụt thu thực tế của ngân sách Trung ương năm 2013, QH giao Chính phủ nâng mức bội chi ngân sách Nhà nước năm 2013 để bù đắp số hụt thu ngân sách Trung ương nhưng không quá 195.500 tỷ đồng (tương đương 5,3% GDP ước thực hiện). Về xử lý hụt thu ngân sách địa phương năm 2013, QH giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát thực hiện triệt để tiết kiệm chi, cắt, giảm các khoản chi chưa cần thiết, không hiệu quả và cho phép các địa phương không đủ nguồn bù đắp hụt thu ngân sách được sử dụng không quá 70% Quỹ Dự trữ tài chính để bù vào số hụt thu ngân sách năm 2013.
Cuối phiên làm việc buổi sáng, QH thảo luận tại Đoàn về nội dung các Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ. Buổi chiều, QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi)./.
Theo Nhân dân