Hôm qua (4-11), mở đầu tuần làm việc thứ ba, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội thảo luận về Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và bổ sung Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Cần quy định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày cho thấy, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu trong trường hợp không xử lý hành vi lãng phí tại dự thảo Luật.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh sửa theo hướng quy định cụ thể trách nhiệm trực tiếp, liên đới trong từng trường hợp vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trách nhiệm trong công khai, xử lý thông tin phát hiện lãng phí, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo thẩm quyền. Đặc biệt, đã bổ sung vào dự thảo Luật trách nhiệm và chế tài xử lý đối với người có thẩm quyền không xử lý các hành vi vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để bảo đảm tính khả thi cũng như tính nghiêm minh của pháp luật, khắc phục tình trạng có sai phạm mà không bị xử lý. Nội dung sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu được quy định tại Điều 7 và xử lý trách nhiệm cụ thể quy định tại Điều 78 của dự thảo Luật.
Thảo luận tại hội trường, nhiều ĐBQH cơ bản thể hiện sự đồng tình với nội dung dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung cần phải được xem xét, đó là trách nhiệm của người đứng đầu, cơ chế để người dân thể hiện sự giám sát trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, ĐBQH Lù Thị Lừu (Lào Cai) cho rằng, để tăng cường tính giám sát hơn nữa, ngoài quy định trả lời bằng văn bản cần bổ sung nội dung quy định cụ thể về thời hạn trả lời cho việc phát hiện lãng phí. Vì nếu luật không quy định cụ thể về thời hạn thì khả năng người đứng đầu cố tình kéo dài, quên hoặc cố tình quên… sẽ làm giảm đi niềm tin của người tham gia chống lãng phí.
Đồng quan điểm này, ĐBQH Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) cũng đề nghị cần quy định về thời hạn cụ thể về việc trả lời phát hiện chống lãng phí của người đứng đầu. Vì theo đại biểu, nếu không quy định cụ thể thì người đứng đầu sẽ không thực hiện theo thời gian quy định. Thể hiện sự không đồng tình với quy định xử lý vi phạm và bồi thường thiệt hại đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được xem xét miễn hoặc giảm trách nhiệm pháp lý nếu đã thực hiện các biện pháp cần thiết để khắc phục hậu quả… ĐBQH Lù Thị Lừu cho rằng, không nên quy định miễn trách nhiệm pháp lý mà quy định mức giảm trách nhiệm pháp lý là đủ. Vì nếu quy định miễn trách nhiệm pháp lý sẽ làm giảm tính nghiêm minh, răn đe của pháp luật, dẫn đến tình trạng có sai phạm mà không thể khắc phục, xử lý, việc ngăn chặn các hành vi lãng phí không cao.
Theo ĐBQH Trương Thị Yến Linh (Cà Mau), trách nhiệm của người đứng đầu chưa rõ ràng. Cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và cán bộ, công nhân viên trong cơ quan thì mới góp phần bảo đảm việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu quả.
Ở một góc nhìn về lãng phí khác, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) lại cho rằng, hiện nay chưa có một văn bản nào xác định cụ thể trách nhiệm của người ban hành các chính sách. Xã hội chỉ mới đang quan tâm đến tiết kiệm chống lãng phí trong cuộc sống, làm việc và sinh hoạt hằng ngày, nhưng chưa thấy ai nói đến tiết kiệm trong quá trình đầu tư dự án. Đại biểu Thúy chỉ ra thực tế, ở nhiều nước đã xác lập trách nhiệm của người ra quyết định chính sách rất rõ ràng. Trong khi đó ở nước ta, khi quyết định là do cá nhân nhưng hình thức là tập thể, khi xảy ra "chuyện" thì không ai chịu trách nhiệm, cơ quan này đổ lỗi cho cơ quan khác. Và điều này cho thấy, chúng ta đang tập trung công tác chống tham nhũng mà để hổng mặt trận chống lãng phí mà chưa chắc mặt trận này thua mặt trận kia về mức độ nguy hiểm, đại biểu Thúy nhấn mạnh.
Đưa ra một phép so sách, giữa người tham nhũng hàng chục tỷ đồng với người ra quyết định làm lãng phí năm bảy tỷ đồng thì ai sẽ là người gây thiệt hại cho dân cho nước nhiều hơn. Vì vậy, lần này sửa luật cần tìm lỗ hổng để vá lại, nếu không mọi nỗ lực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ không mang lại kết quả như mong đợi. Đã đến lúc cần xác định trách nhiệm cá nhân rõ ràng đối với người có thẩm quyền ra quyết định. Đây là luật chuyên ngành về tiết kiệm, chống lãng phí, do đó cần bổ sung quy định trách nhiệm của người đưa ra chính sách không phù hợp, gây lãng phí trong trường hợp xác định được trách nhiệm của cá nhân, đại biểu Thúy đề nghị.
Cần quy định rõ để người dân thực hiện quyền giám sát
Về giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ĐBQH Lù Thị Lừu đồng tình với việc công dân có quyền giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thông qua hình thức dân chủ trực tiếp và gián tiếp. Tuy nhiên, để bảo đảm cho việc công dân lựa chọn quyền giám sát của mình qua hình thức nào để có hiệu quả tốt nhất, đề nghị ban soạn thảo quy định rõ hình thức dân chủ trực tiếp, gián tiếp cụ thể hơn để bảo đảm tính phổ thông và dễ hiểu.
Theo ĐBQH Trương Thị Yến Linh, quyền giám sát của người dân trong dự thảo Luật còn chung chung, chưa cụ thể. Lý giải về vấn đề này, theo đại biểu các hoạt động mua sắm chi tiêu của các cơ quan là nội bộ, nên người dân khó có thể biết, tiếp cận để giám sát. Do vậy, ai sẽ có trách nhiệm giải thích, những nội dung nào người dân được tiếp cận để giám sát, điều này cần phải được quy định rõ trong dự thảo Luật, đại biểu Linh đề nghị…
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3-12-2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh và dự án Luật Hải quan (sửa đổi)./.
Theo Nhân dân