Quốc hội thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

08:11, 06/11/2013

Sáng 5-11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Uông Chu Lưu, QH đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Trước đó, QH đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ và giải trình về những vấn đề có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận tại tổ và Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm tại buổi thảo luận là vấn đề thu hồi đất đai.

Cho ý kiến về vấn đề này, ĐBQH Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, Điều 54 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định: đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo quy hoạch và pháp luật làm cho đại biểu thấy băn khoăn. Theo ĐB Hùng, thực tế thì quy hoạch diễn ra ở nhiều cấp, quy hoạch ở xã, huyện, tỉnh, quốc gia, quy hoạch vùng... Quy hoạch không tránh khỏi sự chồng chéo, có những quy hoạch không khoa học, thiếu thực tế và được điều chỉnh nhiều lần. Đây là một trong những nguyên nhân gây lãng phí đất đai trong thời gian qua. Nếu chúng ta lấy quy hoạch làm cơ sở cho việc quản lý, thu hồi đất đai là không ổn. Quy hoạch chỉ là phương hướng để sử dụng đất đai, quy hoạch phải phụ thuộc vào tính khoa học, tính thực tiễn. Vì vậy, đề nghị cần phải bỏ từ  “quy  hoạch” và nên để cho luật quy định về vấn đề quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.

Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được giao quyền sử dụng đất, Dự thảo quy định rất ngắn: người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, ĐB Hùng cho rằng quy định như vậy là cụ thể nhưng thiếu. Vì thực tế người sử dụng đất có nhiều quyền: quyền cho, tặng, quyền góp phần... nếu ghi hết thì không thể hết được, do đó nên bỏ câu này. Mặt khác, thực chất quyền sử dụng đất chính là quyền tài sản. Do đó, Hiến pháp nên quy định quyền sử dụng đất là quyền tài sản.

Về việc quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển KT-XH. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”, ĐB Hùng cho rằng, việc thu hồi đất là cần thiết trong quá trình phát triển kinh tế đất nước song luôn luôn tạo nên sự xung đột về lợi ích của người sử dụng đất với Nhà nước. Do đó, đây là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm. Nhưng ĐB Hùng thể hiện sự băn khoăn, thế nào là cần thiết, cần thiết ở mức độ nào? Ai là người xem xét sự cần thiết đó? ĐB Hùng nhấn mạnh, đất đai là sở hữu toàn dân, vì vậy, cần phải quy định rõ QH, HĐND cấp tỉnh là cơ quan đại diện cho nhân dân xem xét, quyết định mức độ cần thiết thì sẽ cẩn trọng hơn, có hiệu quả và khách quan hơn, tạo được sự đồng thuận cao.

Ở một góc nhìn khác về thu hồi đất để phát triển KT-XH, ĐBQH Trần Đình Thu (Gia Lai) cho rằng, thu hồi đất để phát triển KT-XH có nhiều loại khác nhau và không có tính ổn định. Đất nước ta đang trong giai đoạn phát triển, thu hồi đất để phục vụ cho KT-XH theo quy hoạch là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu quy định như trong Dự thảo thì quá trình áp dụng rất dễ bị lạm dụng. Để quy định chặt chẽ hơn, theo ĐB Thu, nên chăng khoản 3 Điều 54 quy định Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng an ninh, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Như vậy sẽ bao hàm được nội hàm KT-XH trong lợi ích quốc gia, khu vực trong quá trình hội nhập phát triển kinh tế đất nước. Còn về cụ thể có thể quy định trong Luật Đất đai.

Chỉ ra điểm nóng trong khiếu kiện đất đai thời gian vừa qua, ĐBQH Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cho biết, đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân tập trung từ 70-75% rơi vào lĩnh vực đất đai, đặc biệt là thu hồi đất, giá đất, tái định cư, công ăn việc làm sau khi thu hồi đất. Mặc dù thể hiện sự tán thành với quy định thu hồi đất nhưng ĐB Nhiên đề nghị cần quy định thu hồi đất trong Hiến pháp chặt chẽ, vì quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho Luật Đất đai quy định, nhằm tránh việc lạm dụng thu hồi tràn lan gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Khẳng định sự cần thiết trong việc thu hồi đất vì lý do mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng để phát triển KT-XH trong điều kiện hiện nay, nhưng ĐB Nhiên vẫn băn khoăn việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển KT-XH. Ban Soạn thảo cần nghiên cứu quy định việc thu hồi để phục vụ cho dự án phát triển KT-XH. Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án, cần bảo đảm quyền và lợi ích của người dân khi bị thu hồi đất để tránh bị thiệt thòi cho người dân và giảm bớt đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân tới các cấp chính quyền./.

Theo Nhân dân


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com