Tại Đại hội Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất diễn ra ở Thủ đô Hà Nội vào ngày 24-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”. Điều đó cho thấy, Bác Hồ rất coi trọng vai trò định hướng, dẫn dắt của văn hoá đối với sự phát triển của dân tộc và sự nghiệp cách mạng.
1. Văn hoá soi đường cho quốc dân đi trong buổi đầu xây dựng chính thể mới
Thứ nhất, cách mạng vừa mới thành công, nước Cộng hoà non trẻ mới ra đời, lại đứng trước tình thế hiểm nghèo (thù trong giặc ngoài, bộn bề công việc khó khăn, phức tạp), Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã bắt tay vào xây dựng chế độ mới; trong đó, không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, củng cố chính thể dân chủ cộng hoà, mà còn chú trọng gây dựng nền tảng văn hoá, ra sức phát huy giá trị, truyền thống văn hoá của dân tộc để giữ vững nền độc lập, khẳng định quyền lực và địa vị, làm chủ của nhân dân. Đây là ngọn nguồn sâu xa của sức sống và sức mạnh dân tộc đã làm nên những chiến thắng oanh liệt, giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc, đi lên CNXH.
Để văn hoá tạo ra xung lực của phát triển, ngay sau Lễ tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động gây dựng lực lượng và phong trào hoạt động văn hoá; chăm lo vun trồng nhân tài trí thức gắn với phát huy sức sáng tạo của toàn dân. Sắc lệnh đầu tiên mà Người ký ban hành là thành lập Nha Bình dân học vụ để lo diệt “giặc dốt”, toàn dân đi học, xoá nạn mù chữ. Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”; vì vậy, phải nâng cao học vấn toàn dân làm nền tảng xây dựng văn hoá. Trong những việc cấp bách của Chính phủ bấy giờ, Người còn định liệu phải khẩn trương xây dựng Hiến pháp, tổng tuyển cử, bầu Quốc hội để khẳng định địa vị pháp lý của Nhà nước và chính thể mới, cũng là để người dân được thực hành quyền và nghĩa vụ của mình, xoá bỏ áp bức, bất công của chế độ cũ để lại; thực hiện đoàn kết toàn dân, gây dựng đời sống văn hoá mới. Trong Thư gửi các cháu học sinh nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên dưới chế độ mới, Hồ Chí Minh đã kỳ vọng và căn dặn, yêu cầu trong nền giáo dục mới, nhà trường và các thầy, cô giáo phải ươm trồng tài năng, phát triển nhân cách cho lớp người xây dựng tương lai, để non sông Việt Nam trở nên tươi đẹp, dân tộc Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Những chỉ dẫn và thực hành văn hoá đó của Hồ Chí Minh và Chính phủ là nỗ lực thực hành văn hoá toàn diện, thiết thực, nhanh chóng tạo ra hiệu ứng xã hội tích cực trong toàn dân, tạo sức mạnh nội sinh để giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ, đưa người dân và vị thế nước ta lên tầm cao mới.
Thứ hai, văn hoá như một sự kích hoạt tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của nhân dân ta, tỏ rõ sức mạnh để nhấn chìm lũ cướp nước và bán nước. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, trên tinh thần của bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là: toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững độc lập, tự do, Người đã thể hiện ý chí của toàn dân “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, và cũng trên tinh thần ấy, ở thời điểm cam go, quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Người nhấn mạnh chân lý lớn nhất của lịch sử: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Những sự kiện đó gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và bản lĩnh Hồ Chí Minh. Người là hiện thân về tính triệt để và nhất quán, lòng dũng cảm và đức hy sinh của cả dân tộc. Với Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam, ý chí và bản lĩnh ấy, xét đến cùng là nỗ lực Tồn tại để Sống và Phát triển. Sức mạnh nội sinh của Việt Nam là văn hoá, theo đúng nghĩa rộng lớn và sâu sắc nhất của nó. Chính trị Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, qua trí tuệ mưu lược, đạo đức cao cả, tạo nên cốt cách, phong cách và bản lĩnh của Người đã trở thành văn hoá chính trị. Đem văn hoá vào dựng nước và giữ nước, tự nó đã mang tinh thần và ý nghĩa của một thông điệp; làm sống động triết lý của truyền thống dân tộc, ứng xử văn hoá của ông cha ta: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân mà thay cường bạo”. Hoà bình và phát triển là khát vọng của muôn đời mang bản chất nhân tính, nhân văn và văn hoá. Chiến tranh xâm lược là phi nhân văn và phản văn hoá, nhất định phải bị văn hoá đẩy lùi.
Thứ ba, “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”, điều đó còn tỏ rõ giá trị và sức mạnh của văn hoá là động lực của phát triển; mục tiêu của tiến bộ xã hội và hoàn thiện nhân cách con người. Từ thực tiễn xây dựng CNXH, Đảng ta ngày càng nhận thức rõ: đồng thời với xây dựng kinh tế phải coi trọng phát triển văn hoá; giải quyết tốt mối quan hệ đó sẽ là cơ sở để đất nước phát triển bền vững. Tấm căn cước để dân tộc ta đến với thế giới nhân loại là văn hoá. Nó khắc hoạ diện mạo dân tộc, quốc gia, giúp cho việc nhận biết và đánh giá về trình độ văn minh. Sáng tạo và thực hành văn hoá là một công việc lâu dài, bền bỉ đối với mỗi người, là sự nghiệp cao cả của dân tộc, của toàn thể quốc dân đồng bào. Ánh sáng văn hoá là khai tâm, khai trí, hướng con người và cộng đồng vươn tới Chân - Thiện - Mỹ, những giá trị văn hoá phổ quát của dân tộc và nhân loại, làm nên bản sắc độc đáo của nền văn hiến Việt Nam.
2. Văn hoá soi đường cho quốc dân đi trong thời đổi mới
Sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng với mục tiêu là: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thể hiện nỗ lực sáng tạo văn hoá của toàn Đảng, toàn dân. Bắt nguồn từ thực tiễn, qua bao nhiêu trải nghiệm và tổng kết, chúng ta mới nhận thức đầy đủ và định hình thành giá trị. Đó thực sự là những giá trị mục tiêu cốt lõi của “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi” trong thời đổi mới. Bởi vậy, có thể nói văn hoá là đổi mới và công cuộc đổi mới ở nước ta do Đảng lãnh đạo là một sự nghiệp sáng tạo văn hoá.
Trên cơ sở kế thừa, phát huy những thành quả trước đó, cùng với đổi mới kinh tế, Đảng ta tích cực đổi mới tư duy lý luận và có nhiều chủ trương phát triển văn hoá Việt Nam theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhờ đó mà nền văn hoá không những phát huy được yếu tố truyền thống, bản sắc dân tộc, mà còn tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại, hướng văn hoá Việt Nam đến những giá trị cao đẹp, thực sự là mục tiêu, động lực của sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới, nhất là từ khi chúng ta phát triển mạnh mẽ kinh tế thị trường, mở rộng hội nhập quốc tế, văn hoá lại nổi lên với tất cả tầm quan trọng chiếc lược cũng như tính thời sự của nó. Bên cạnh thành tựu, xuất hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; sự mai một bản sắc dân tộc; nạn tham nhũng gia tăng… gây bức xúc, làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Một tiết mục trong Liên hoan toàn quốc “Tiếng hát Làng Sen”. Ảnh: Internet |
Nhằm chấn hưng nền văn hoá Việt Nam, với tư duy đổi mới, Đảng ta nhấn mạnh sự cần thiết phải làm cho văn hoá thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, gia đình, tập thể, từng cộng đồng, địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người. Đó là cách nhìn sâu sắc và biện chứng về văn hoá, về đổi mới và phát triển, làm cho nhân dân có một đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển, phục vụ đắc lực sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH… Trên tinh thần đó, kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối văn hoá của Đảng, nhất là tư tưởng, quan điểm của Bản Đề cương văn hoá Việt Nam (năm 1943), Hội nghị Trung ương 5 (khoá VIII) đã ra Nghị quyết “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Trong đó, Đảng ta nêu lên 5 quan điểm chỉ đạo, 10 nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam, đến nay vẫn còn giá trị. Nổi bật là: Xây dựng con người Việt Nam; bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá; phát triển sự nghiệp GD và ĐT và KH và CN; tập trung vào xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh trong xã hội; đẩy mạnh việc giáo dục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quốc và trong các đoàn thể. Đồng thời, Nghị quyết đã đề ra các nhóm giải pháp lớn để thực hiện. Với những nội dung phong phú, sâu sắc, Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) đã đặt đúng vị trí, vai trò của văn hoá trong những nhân tố của phát triển, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới của Việt Nam theo những định hướng văn hoá chính xác; thực sự mang tầm của một Cương lĩnh văn hoá trong thời kỳ đổi mới của Đảng.
Thực tiễn 15 năm qua (1998-2013) cho thấy, theo tư tưởng “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”. Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng tích cực và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình và đang nỗ lực tạo nền tảng trở thành một nước công nghiệp. Các lĩnh vực, loại hình văn hoá, các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần qua các thiết chế văn hoá từ gia đình, nhà trường đến xã hội đều từng bước có những phát triển và tỏ rõ tác dụng. Những di sản văn hoá điển hình, đặc sắc được thế giới tôn vinh và ngưỡng mộ, được công nhận là di sản văn hoá thế giới, đã tạo dấu ấn về vị thế và góp phần đưa Việt Nam đến với thế giới, làm cho thế giới hiểu Việt Nam và Việt Nam hiểu thế giới nhiều hơn. Trong tiếp xúc, giao lưu, đối thoại để phát triển, văn hoá Việt Nam thể hiện ra như một năng lực sáng tạo, một trình độ và bản lĩnh, bước đầu tỏ rõ hiệu quả, đem lại niềm tin cậy và hy vọng của bạn bè quốc tế đối với chúng ta. Những thành tựu đó có được là nhờ nỗ lực nội sinh của dân tộc, của văn hoá Việt Nam mà cái cốt yếu trong tư tưởng, trí tuệ của văn hoá thời kỳ đổi mới là kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam hành động của cách mạng Việt Nam là chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; đảm bảo vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng Cộng sản là điểm mấu chốt, hệ trọng, có tính nguyên tắc của định hướng XHCN. Đó cũng là bản lĩnh chính trị và sức mạnh nội sinh từ văn hoá chính trị của Đảng, của dân tộc ta; là nhân tố cơ bản giúp cách mạng Việt Nam đứng vững, tồn tại và phát triển trước những khó khăn, thách thức cả trong lẫn ngoài tưởng chừng không vượt qua được. Mọi người dân Việt Nam sống và hoạt động trong môi trường đổi mới đều cảm nhận được sự biến đổi và phát triển đó, đều cảm thụ được những thành quả do chính mình góp phần tạo dựng.
Mặc dù vậy, trên lĩnh vực văn hoá, từ góc nhìn thực hiện Nghị quyết, chúng ta còn không ít hạn chế, yếu kém. Đối mặt với thực tế đang diễn ra, không thể không nói tới những mâu thuẫn, những nghịch lý, cả những vấn nạn trong phát triển. Chúng đều có liên quan tới những hạn chế, yếu kém về văn hoá. Đó là sự phát triển của con người Việt Nam đang vấp phải tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống ở nhiều tầng lớp xã hội, trong đó có lớp trẻ và kể cả một bộ phận cán bộ, đảng viên. Có những nguyên nhân khách quan dẫn đến hạn chế. Đó là do tình hình và hoàn cảnh từ thế giới, quốc tế, khu vực tác động vào, nhất là những mặt trái của kinh tế thị trường và toàn cầu hoá, hệ luỵ của hội nhập mà ta chưa hình dung hết, chưa chủ động dự báo và phòng tránh. Song nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trách nhiệm này thuộc về chúng ta, từ lãnh đạo, quản lý đến tổ chức thực hiện. Vì vậy, các cấp, các ngành cần nhận rõ và ý thức đầy đủ để có quyết tâm, trách nhiệm cao hơn nữa trong xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam.
3. Để văn hoá soi đường cho quốc dân đi trong tình hình, bối cảnh hiện nay
Khi Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) ra đời, Việt Nam mới chỉ bắt đầu làm quen và dần dần thích ứng với kinh tế thị trường chứ chưa phát triển mạnh mẽ như hiện nay, càng chưa biết đến hội nhập và kinh tế tri thức. Giờ đây, chúng ta mới bắt đầu nếm trải mặt trái và hệ luỵ của kinh tế thị trường. Hội nhập không chỉ đem lại thời cơ thuận lợi để phát triển, mà còn có không ít thách thức. Trong kỷ nguyên phát triển công nghệ thông tin và hình thành xã hội thông tin hiện nay, kinh tế tri thức đang đòi hỏi rất cao sự bứt phá về trí tuệ và trình độ quản lý hiện đại. Đổi mới càng đi vào chiều sâu, càng đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy quyết liệt hơn nữa. Mặt khác, sự biến đổi mau lẹ, phức tạp và cả những đột biến khó lường của thế giới, thời cuộc đang tác động vào trong nước; những phản phát triển mà chúng ta phải đối mặt ngày càng nhiều và gay gắt. Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), trong bối cảnh 15 năm trước đây, lẽ dĩ nhiên chưa bao quát và hình dung được tình hình nêu trên. Do đó, trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị lý luận và thực tiễn của Nghị quyết, cần ban hành một nghị quyết mới về văn hoá, tập trung vào những điểm nhấn, có tính huyết mạch và có sức đột phá. Đó là, xây dựng giáo dục và thực hành văn hoá trong Đảng, dùng sức mạnh văn hoá, đặc biệt là văn hoá chính trị và văn hoá đạo đức Hồ Chí Minh để tạo ra kết quả thực sự về chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI). Đó còn là tập trung nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để chấn hưng đạo đức trong thời gian tới.
Đạo đức xã hội, bắt đầu từ gia đình, nhà trường, kể cả đạo đức trong Đảng, trong Nhà nước và các đoàn thể đang bị tổn thương nghiêm trọng. Sự suy thoái về đạo đức, sự băng hoại nhân cách, thái độ rẻ rúng truyền thống, thói vô cảm và lảng tránh trách nhiệm,... là một trong những nguyên nhân dẫn tới tệ tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội khác. Trong tình hình hiện nay, văn hoá đạo đức phải đặt lên hàng đầu. Do đó, giáo dục đạo đức phải đặt vào vị trí hàng đầu và xuyên thấm toàn bộ hoạt động giáo dục từ gia đình, nhà trường đến xã hội, từ trong Đảng, Nhà nước đến nhân dân. Không giáo dục liêm sỉ, lòng tự trọng, bắt đầu từ trong Đảng, trong các cơ quan công quyền thì không thể kích hoạt được sức mạnh văn hoá trong cuộc chiến đấu cam go chống tham nhũng được. Sinh mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ, đòi hỏi phải làm cho văn hoá thấm sâu trong đời sống của Đảng, trong mỗi đảng viên đến từng tổ chức, đặc biệt ở các cơ quan lãnh đạo.
Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã thực sự tạo ra những chuyển động tích cực trong tu dưỡng, rèn luyện, đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước nhân dân. Qua đó, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là những nét đẹp văn hoá trong đời sống tinh thần, đạo đức, lối sống của cá nhân và tập thể; trở thành một nhu cầu văn hoá cần phải được đẩy mạnh và thực hiện tốt hơn nữa để đạo đức và luật pháp phải là hai cột chống đỡ ngăn chặn những xấu xa, hư hỏng. Chỉ như vậy, mới có thể để “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”, phát huy triệt để tác dụng hiệu quả cần thiết trước yêu cầu mới. Vấn đề con người, xây dựng con người, giáo dục đạo đức, thực hành lối sống phải là tâm điểm của nghị quyết văn hoá trong tình hình mới. Trước hết, mọi cán bộ, đảng viên của Đảng phải được giáo dục và tự giáo dục, xây dựng văn hoá trong Đảng theo chuẩn mực đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; phải đi đầu, làm nòng cốt, gương mẫu trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam. Ngoài ra, cần phải đầu tư nỗ lực xây dựng, hoàn thiện thể chế văn hoá, từ pháp luật tới chính sách, cơ chế và chế tài để quản lý Nhà nước về văn hoá thực sự có hiệu quả. Kinh tế trong văn hoá và văn hoá trong kinh tế là một tư tưởng lớn cần phải được quan tâm từ nhận thức đến hành động, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói văn hoá “không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”(1).
Với tinh thần “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”, phải làm thế nào cho văn hoá thấm sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hoá phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Muốn thế, mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân phải thấm nhuần đạo đức và thanh thiết; phải thực hành dân chủ, dân vận, đoàn kết, gương mẫu theo gương sáng Hồ Chí Minh./.
GS, TS Hoàng Chí Bảo
Hội đồng Lý luận Trung ương
----------------------------
1. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 368-369.