Nghĩa Hưng đẩy mạnh thực hiện các giải pháp xây dựng nông thôn mới

08:10, 15/10/2013

Sau gần 3 năm triển khai xây dựng NTM, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh và sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành trong huyện, đến nay Nghĩa Hưng đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Đối với xã điểm Nghĩa Sơn và 8 xã, thị trấn triển khai xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 (gồm Nghĩa Thịnh, Nghĩa Minh, Nghĩa Thái, Nghĩa Phong, Nghĩa Hồng, Nghĩa Bình, Nghĩa Lợi và Thị trấn Quỹ Nhất) đến tháng 9-2013 bình quân mỗi đơn vị đạt 15 tiêu chí, tăng 5-8 tiêu chí so với năm 2010. Trong đó có 1 xã đạt 17 tiêu chí; 4 xã đạt 16 tiêu chí; 1 xã đạt 15 tiêu chí, 1 xã đạt 14 tiêu chí, 2 xã đạt 13 tiêu chí.

Một góc Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng).
Một góc Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng).

Với cơ chế hỗ trợ các công trình xây dựng NTM tại các thôn, xóm theo phương châm Nhà nước hỗ trợ không quá 50%, nhân dân đóng góp 50% trở lên của huyện, việc huy động đóng góp để phát triển hạ tầng kỹ thuật đã tạo được sự đồng thuận cao. Phong trào nhân dân tự nguyện hiến đất, hiến tài sản, ngày công lao động xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là xây dựng, cải tạo đường làng, ngõ xóm phát triển rộng rãi. Hệ thống thủy lợi được tập trung cải tạo, nâng cấp cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất và phòng, chống thiên tai, úng, lụt. Nhiều tuyến sông lớn: Đại Tám, Quần Vinh 1, Quần Vinh 2, Bình Hải 1 được đầu tư xây kè 2 bờ sông, hệ thống kênh mương cấp III được kiên cố hóa đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất và đời sống người dân. Đối với 9 xã xây dựng NTM đã nạo vét 67 kênh cấp I, II kết hợp với đắp nền đường ra đồng 120km. Đầu tư xây mới và cải tạo nâng cấp trên 700 cầu, cống, đập cấp III, kiên cố hóa 36,5km kênh cấp III. Đến nay, 100% đường đến trung tâm xã và trục xã đạt chuẩn NTM. Đường ra đồng theo đề án xây dựng NTM là 234,5km, đến nay đã đắp xong nền đường 150km, cứng hoá được 71,2km đạt chuẩn NTM. Đường thôn, xóm đã nâng cấp cứng hoá 105,8km đạt chuẩn NTM; nhiều công trình cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn được cải tạo, nâng cấp hoàn thiện, phục vụ tốt cho đời sống, sinh hoạt của nhân dân; 100% số hộ gia đình được sử dụng nước sạch (nước giếng khoan UNICEF). Trên địa bàn huyện đang xây dựng 2 nhà máy nước sạch phục vụ sinh hoạt tại xã Nghĩa Trung, các Thị trấn Liễu Đề và Quỹ Nhất; xây dựng khu vực chôn lấp rác thải ở 13/25 xã, thị trấn. Toàn huyện có 300 trang trại, chủ yếu là trang trại nuôi thủy sản và chăn nuôi, trong đó có 42 trang trại đạt tiêu chí mới; có 960 gia trại, chủ yếu là chăn nuôi, nuôi thủy sản và trồng trọt. Toàn huyện có 31 HTX nông nghiệp, 3 HTX thủy sản, 1 HTX diêm nghiệp. Trong xây dựng NTM, thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn vai trò của HTX càng được nâng cao trong các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất như: làm đất, cung ứng vật tư, điều hành kỹ thuật, tổ chức sản xuất. Điển hình là các HTX Nghĩa Hồng, Quỹ Nhất, Nghĩa Bình, Nghĩa Phong, Nghĩa Minh, Nghĩa Sơn, Nghĩa Lợi, Nghĩa Tân, Nghĩa Phú. Công tác đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm; bình quân hằng năm giải quyết việc làm mới cho 3.500 người. Đến nay, toàn huyện đã tổ chức 46 lớp dạy nghề cho 1.600 lao động nông thôn (theo Đề án 1956), trên 85% lao động sau học nghề có việc làm ổn định; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 43,7%. Sau gần 3 năm triển khai xây dựng NTM, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của huyện có bước tiến mới cả về cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, trình độ thâm canh, diện tích, năng suất, chất lượng sản phẩm đều tăng. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, nhiều nghề truyền thống được khôi phục và mở rộng, tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xoá đói, giảm nghèo. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao. Hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường, dân chủ cơ sở ngày càng được phát huy.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình xây dựng NTM ở Nghĩa Hưng vẫn còn những hạn chế. Một số địa phương xây dựng đề án NTM chưa sát với thực tế, tính toán vốn đầu tư quá cao, chưa sát với khả năng thực hiện. Một số đơn vị mới chỉ chú trọng bố trí vốn vào các công trình xây dựng cơ bản trong khi vốn đầu tư trực tiếp cho phát triển sản xuất để nâng cao đời sống nông dân chưa tương xứng. Trong quá trình triển khai xây dựng NTM, nhiều địa phương còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa phát huy được nội lực trong nhân dân nên kinh phí huy động từ đóng góp của nhân dân và các nguồn lực của địa phương còn thấp. Việc chuyển dịch cơ cấu lao động, thu hút nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp ở các xã, thị trấn trong xây dựng NTM còn hạn chế. Thời gian tới, huyện Nghĩa Hưng tập trung rà soát, bổ sung các quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng NTM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cho phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện. Tiếp tục cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông, đảm bảo giao thông thuận lợi từ huyện xuống các xã, thị trấn; nâng cấp trên 50% đường thôn, xóm, đường ra đồng đảm bảo đạt tiêu chí NTM. Khuyến khích phát triển ngành nghề, phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ ở nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Mục tiêu đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 4%; tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề đạt 40% với cơ cấu lao động hợp lý; tỷ lệ người dân tham gia các hình thức BHYT đạt 70%; có trên 70% số thôn, xóm, làng, tổ dân phố, khu dân cư được công nhận là thôn xóm, làng, tổ dân phố, khu dân cư đạt tiêu chuẩn văn hóa.

Về định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn, huyện tập trung chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn và cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất nông nghiệp. Mở rộng tối đa sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa, đạt 20% tổng diện tích đất 2 lúa trở lên; thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. Tích cực chuyển đổi chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo quy hoạch, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Đầu tư kinh phí xây dựng các cơ sở sản xuất giống thủy sản trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu sản xuất tại địa phương, đảm bảo an toàn dịch bệnh, gắn sản xuất với tiêu thụ, chế biến tại chỗ để ngành thủy sản phát triển ổn định. Tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, tăng cường đào tạo nghề cho nông dân để phát triển ngành nghề, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Thực hiện công khai trước dân các mục tiêu xây dựng NTM, các nguồn vốn, các hình thức góp vốn để nhân dân bàn bạc thống nhất. Quá trình triển khai thực hiện phải đảm bảo dân chủ, minh bạch và hiệu quả, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com