Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, những năm qua, công tác Hội và phong trào nông dân trong tỉnh đã không ngừng đổi mới, phát huy được sức mạnh của giai cấp nông dân trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM của tỉnh. Nhân kỷ niệm 83 năm ngày thành lập HND Việt Nam (14-10-1930 - 14-10-2013), phóng viên Báo Nam Định đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Hùng Mạnh, TUV, Chủ tịch HND tỉnh về kết quả nổi bật trong công tác Hội và phong trào nông dân trong tỉnh thời gian qua và những định hướng nhiệm vụ công tác HND trong những năm tới.
PV: Xin đồng chí đánh giá kết quả nổi bật trong công tác Hội và phong trào nông dân ở tỉnh ta trong thời gian qua?
Đồng chí Nguyễn Hùng Mạnh: Trong những năm qua, các cấp HND trong tỉnh đã tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động với phương châm hướng về cơ sở, sâu sát, gần gũi với nông dân, nhằm thu hút, tập hợp phát triển hội viên thông qua các hoạt động sinh hoạt chi, tổ Hội; các cuộc thi, các buổi toạ đàm, trao đổi, chuyển giao KHKT…, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Từ sau Đại hội HND tỉnh lần thứ IX, tổ chức Hội các cấp được kiện toàn, củng cố, hoạt động nền nếp. Số hội viên được kết nạp vào Hội ngày càng tăng, đến tháng 6-2013 là 357.852 hội viên. Các cấp HND trong tỉnh luôn chú trọng thực hiện quy hoạch đội ngũ cán bộ, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ HND các cấp theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, làm tốt việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ công tác Hội. Các cấp Hội có nhiều sáng tạo trong việc vận động hội viên nông dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước; trong đó, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã trở thành phong trào nòng cốt trong hoạt động của các cấp Hội, phát huy được các nguồn lực về đất đai, lao động, nguồn vốn để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Từ phong trào, Hội đã giúp nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Năm 2012, toàn tỉnh có 59.117 hộ hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Đặc biệt phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng NTM" đang được các cấp Hội trong tỉnh tích cực triển khai; hội viên nông dân phấn khởi đồng tình hưởng ứng đóng góp sức người, sức của, hiến đất, góp công xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, thực hiện DĐĐT, chỉnh trang đồng ruộng để tạo ra những CĐML, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá. Kinh tế hộ nông dân phát triển mạnh mẽ và ngày càng thể hiện rõ là một thành phần kinh tế quan trọng, số hộ khá, giàu tăng nhanh, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Các cấp Hội đã vận động hội viên tham gia tích cực phong trào xây dựng gia đình nông dân đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; phong trào tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”, giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm đã có trên 80% hộ nông dân đạt danh hiệu Gia đình văn hoá. Trong phong trào nông dân tham gia thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng, các cấp Hội đã tích cực phối hợp với ngành chức năng tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, góp phần giữ gìn bình yên thôn xóm, xây dựng NTM.
Trang trại nuôi thủy sản của gia đình ông Hoàng Văn Minh, khu phố 4, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng). Ảnh: Vũ Hoàng |
PV: Xin đồng chí cho biết những định hướng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức Hội và phong trào nông dân trong tỉnh thời gian tới?
Đồng chí Nguyễn Hùng Mạnh: Phát huy truyền thống 83 năm xây dựng và trưởng thành của HND Việt Nam, thời gian tới các cấp HND trong tỉnh sẽ tập trung làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân; phổ biến cho nông dân nắm chắc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là các nội dung có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các chủ trương, chính sách khuyến khích nông dân phát triển kinh tế. Tổ chức vận động nông dân tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo và làm giàu bền vững. Tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi hình thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung, với các loại nông sản có chất lượng, có năng lực cạnh tranh và xuất khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững”. HND các cấp bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để xây dựng nội dung, biện pháp thực hiện thiết thực, cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương và khả năng của nông dân. Phối hợp với các ngành, các nhà khoa học, các doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, coi đây là khâu đột phá để nâng cao năng suất, chất lượng và trình độ sản xuất nông sản hàng hóa cho nông dân. Tích cực vận động, hướng dẫn hội viên khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế ở địa phương. Tập trung nguồn lực đầu tư sản xuất, kinh doanh theo mô hình kinh tế trang trại, gia trại, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh theo mô hình CĐML. Đẩy mạnh liên kết “4 nhà” tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Các cấp Hội tiếp tục phát huy vai trò trung tâm và là nhân tố tích cực trong việc thực hiện chương trình xây dựng NTM. Chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai thực hiện tốt Kết luận 61-KL/TW ngày 3-12-2009 của BCH Trung ương Đảng về “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của HND trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”; Quyết định 673/2011/QĐ-TTg ngày 10-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ về “HND Việt Nam trực tiếp thực hiện, phối hợp thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020”. Phổ biến và nhân rộng kịp thời những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, những mô hình, điển hình trong sản xuất ở các địa phương để nông dân học tập, làm theo. Phối hợp với các ngành tổ chức tư vấn, đào tạo, dạy nghề cho nông dân bằng nhiều hình thức phù hợp. Tiếp tục quan tâm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân; phản ánh kịp thời với Đảng, chính quyền những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nông dân, đồng thời tham mưu giải quyết những vướng mắc trong nội bộ nhân dân. Tham gia thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, mất dân chủ, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội ở nông thôn. Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về mọi mặt, chăm lo bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có phẩm chất và năng lực công tác, có uy tín với nông dân, có năng lực vận động và thuyết phục quần chúng. Tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và phương pháp công tác để Hội có đủ năng lực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp và phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của Hội theo hướng tiếp tục làm tốt vai trò vận động, giáo dục nâng cao trình độ chính trị của giai cấp nông dân, trình độ khoa học kỹ thuật, có tác phong công nghiệp, có ý thức công dân, có tinh thần đoàn kết cộng đồng, đoàn kết dân tộc.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Hoàng Tuấn (thực hiện)