Đưa Nghị quyết vào cuộc sống (tiếp theo kỳ trước)

07:10, 01/10/2013

Lắng nghe, ghi nhận những kiến nghị, đề xuất từ cơ sở, trong chuyến công tác khảo sát, kiểm tra tình hình thực tế này, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã có những ý kiến chỉ đạo trực tiếp các địa phương, vừa mang tính định hướng vừa cụ thể liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 17 của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn; kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 3 năm (2011-2013), có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 và kế hoạch 5 năm 2011-2015.

Khởi sắc “tam nông”

Trước khi làm việc với lãnh đạo chủ chốt các huyện, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ và Đoàn công tác của tỉnh đã trực tiếp đi khảo sát thực tế tại xã Xuân Kiên (Xuân Trường); xóm 2, xã Trực Hùng, Cty TNHH Cường Tân (Trực Ninh); xã Nam Hồng, Cty Dệt Liên Tỉnh (Nam Trực). Tại những nơi đến thăm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn được nghe nhiều ý kiến phát biểu chân tình, thẳng thắn từ cơ sở, chia sẻ về các vấn đề thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cụ thể, đồng chí muốn biết rõ hơn, nhiều hơn cách thức tổ chức thực hiện các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy trong thời gian qua; kết quả và những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; chương trình xây dựng NTM. Đánh giá đúng thực chất ưu điểm, hạn chế trong thực hiện các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy để có hướng chỉ đạo thời gian tới. Đặc biệt sau gần 3 năm triển khai xây dựng NTM, đồng chí muốn biết rõ hơn cách làm của các địa phương trong tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu mùa vụ, cơ cấu lao động; lựa chọn đúng khâu đột phá là công tác DĐĐT, xây dựng CĐML; nhận thức và phương thức thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM, nhất là việc xây dựng các mô hình sản xuất công nghệ cao theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Vấn đề đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm là: công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế trang trại, gia trại, ngành nghề, làng nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy: Xây dựng NTM không phải là chạy theo phong trào; xây dựng NTM trước hết là vì lợi ích của người dân. Lấy nhân dân là chủ thể, lấy lợi ích vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao là thước đo cao nhất. Chính vì vậy, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đạt kết quả ra sao, thu nhập của người dân nâng lên tới đâu - đó mới là tính thực chất và bền vững của phong trào xây dựng NTM.

Làm việc với lãnh đạo chủ chốt các huyện Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Trực, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương những kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 3 năm (2011-2013) của các địa phương. Các thành viên trong Đoàn công tác cũng đã dành nhiều thời gian trực tiếp trao đổi, đề xuất, hướng dẫn, góp ý với các địa phương nhiều vấn đề cụ thể, qua đó cùng với các địa phương xây dựng các giải pháp cho từng khâu, từng việc cụ thể trong thời gian tới, nhất là các giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trên tinh thần dân chủ, trao đổi, thảo luận, lãnh đạo các địa phương đã nêu lên những bài học kinh nghiệm, một số khó khăn trong xây dựng NTM. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng thẳng thắn chỉ ra, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Đối với huyện Xuân Trường, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, diện tích cây vụ đông trên đất hai lúa thấp, công tác bảo vệ môi trường còn nhiều phức tạp. Trong sản xuất CN-TTCN, một số sản phẩm có ưu thế về nguyên liệu tại chỗ như chế biến nông sản, thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc có tốc độ phát triển chậm so với các ngành khác. Ngành cơ khí đóng mới và sửa chữa phương tiện thủy chưa có dấu hiệu phục hồi. Đối với huyện Nam Trực và Trực Ninh, tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, tỷ trọng nông nghiệp còn cao. Sản xuất nông nghiệp nhìn chung còn mang nặng tính truyền thống thuần túy, chưa có bước đột phá, sức cạnh tranh không cao. Công tác tổ chức thu mua, chế biến sản phẩm sau thu hoạch chưa được chú trọng, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, thị trường nhỏ lẻ, giá trị kinh tế thấp.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Năm 2013 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 và kế hoạch 5 năm 2011-2015. Chính vì vậy, trong thời gian tới, không chỉ đối với 3 huyện Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường mà tất cả các địa phương trong tỉnh cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong tư duy chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp theo hướng chủ động, năng động hơn, có nhiều sáng kiến hơn, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, các điều kiện để đạt được những mục tiêu cụ thể, thiết thực và có trọng tâm, trọng điểm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tạo bước phát triển mạnh hơn nữa trong chương trình xây dựng NTM; tập trung thực hiện những tiêu chí khó như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thu nhập; đồng thời chú ý thực hiện các tiêu chí khác mà từng địa phương có thế mạnh, điều kiện sẵn có. Nhân rộng các mô hình CĐML lớn gắn với nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất; phải tạo liên kết trong sản xuất nông nghiệp, nhất là tập trung sản xuất vụ đông, xác định giống cây trồng nào là chủ lực, coi trọng khâu tiêu thụ sản phẩm, tạo hiệu quả cao trong liên kết “4 nhà”. Tiếp tục rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích xây dựng NTM, nhất là khuyến khích hình thành các doanh nghiệp, các mô hình sản xuất công nghệ cao ở nông thôn và huy động các nguồn lực xã hội. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật về đất đai

Làm việc với lãnh đạo chủ chốt các huyện Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Trực, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm đến kết quả triển khai Nghị quyết số 17 của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn.

Đoàn công tác cùng lãnh đạo chủ chốt các huyện nghiêm túc, thẳng thắn nêu ra những kết quả đạt được và một số hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai tại các địa phương theo tinh thần Nghị quyết 17 của Tỉnh ủy. Cụ thể là: Việc sử dụng đất chưa hiệu quả; còn tình trạng buông lỏng quản lý về đất đai, nhất là trong công tác lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quản lý biến động về đất đai; tình trạng vi phạm pháp luật đất đai như sử dụng đất sai mục đích, bán đất, giao đất trái thẩm quyền, lấn chiếm hành lang ATGT, thủy lợi… diễn ra khá phổ biến, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, vi phạm nhưng chưa được chấn chỉnh kịp thời.

Tại huyện Trực Ninh, triển khai thực hiện Nghị quyết số 17 của Tỉnh ủy, huyện luôn xác định công tác quản lý đất đai là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính quyền nhằm không ngừng lập lại kỷ cương trong quản lý Nhà nước, bảo đảm theo quy hoạch, kế hoạch, pháp luật. Huyện đã làm tốt công tác quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020; công tác lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, đến nay toàn huyện còn 7.103 hộ vi phạm chính sách về đất đai, trong đó đã lập biên bản 3.760 hộ cần sớm xử lý. Các sai phạm về đất đai ở Trực Ninh đã diễn ra trong nhiều năm nay, dưới nhiều hình thức khác nhau nên cần sự giúp đỡ của các ngành chức năng của tỉnh nhằm giúp huyện xử lý trong thời gian nhanh nhất. Đối với huyện Nam Trực, là huyện có tổng số vụ vi phạm về đất đai lớn nhất tỉnh, gồm 12.116 hộ vi phạm, tập trung vào các nhóm sai phạm như lấn chiếm, mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng, vi phạm công trình giao thông, thủy lợi và cấp đất trái thẩm quyền. Thực hiện sự chỉ đạo của huyện, các cơ quan chức năng đã tập trung rà soát, phân loại, lập phương án các vụ việc vi phạm về đất đai kịp thời theo các quy định của pháp luật. UBND các xã, thị trấn đã tổ chức cưỡng chế, trả lại nguyên trạng thửa đất trước khi vi phạm bao gồm Thị trấn Nam Giang 7 hộ, các xã: Nam Dương 6 hộ, Nam Toàn 15 hộ, Hồng Quang 30 hộ… Huyện Xuân Trường sau thời gian thực hiện Nghị quyết 17, đã có 20/20 xã, thị trấn rà soát, xác định được 4.945 hộ gia đình, cá nhân có biểu hiện vi phạm tính từ tháng 5-2013 về trước. Các trường hợp cần xem xét, xử lý bao gồm 906 trường hợp giao, bán đất trái thẩm quyền; 1.981 trường hợp lấn chiếm; 934 trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn kịp thời và xử lý kiên quyết, nghiêm minh các vụ việc vi phạm, hạn chế thấp nhất phát sinh vụ việc mới, giải quyết kịp thời tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; tập trung làm tốt việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác DĐĐT; xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Luật Đất đai trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương những kết quả bước đầu trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai; đồng thời, đồng chí cũng nghiêm túc, thẳng thắn nêu ra những nguyên nhân của những hạn chế yếu kém trong việc thực hiện Nghị quyết 17 tại các địa phương. Đó là: Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất đai còn hạn chế; xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất chưa nghiêm, thiếu kiên quyết. Tổ chức bộ máy, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai còn yếu, chất lượng một số quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đáp ứng yêu cầu. Về nguyên nhân khách quan, một số nội dung của Luật Đất đai năm 2003 còn bất cập so với thực tế; các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai chậm ban hành, thay đổi nhiều, một số nội dung chưa rõ, thiếu thống nhất gây khó khăn cho việc thực hiện.

Kết luận tại các buổi làm việc với các huyện Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Trực, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Về thực hiện Nghị quyết 17 của Tỉnh uỷ, nhìn chung, các địa phương thực hiện nghiêm túc, có kết quả nhất định. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn tồn tại nhiều vụ vi phạm về quản lý đất đai; trong thời gian tới, không chỉ đối với huyện Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Trực, mà các địa phương trong tỉnh cần tập trung xử lý dứt điểm. Việc xử lý vi phạm đất đai ở địa phương cần hết sức chú ý đến công tác thanh tra với phương châm nghiêm túc, công tâm, khách quan, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên. Cần chủ động rà soát, ngăn chặn vụ việc cả trước mắt cũng như lâu dài. Các huyện cần phân loại các vụ việc tiềm ẩn, ngăn chặn đối tượng lợi dụng, đồng thời phải xử lý nghiêm vi phạm đất đai. Riêng đối với những cán bộ tiếp tay cho các hộ dân vi phạm đất đai cần xử lý nghiêm, bất kể đó là ai.

Qua chuyến công tác, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tin tưởng, tuy phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng những kết quả đạt được trong 3 năm (2011-2013) đã cho chúng ta có thêm kinh nghiệm, niềm tin mới, khí thế mới. Hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà quyết tâm đoàn kết, phấn đấu cao độ, chung sức chung lòng vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 và kế hoạch 5 năm 2011-2015 đề ra./.

Việt Thắng

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com