Tuyên ngôn Độc lập: Áng văn lập quốc vĩ đại!

07:09, 02/09/2013

Trong cuốn sách “Cách mạng Việt Nam với thế giới”, giáo sư sử học Furd Ta-mô-tô Trường Đại học Tô-ky-ô, Nhật Bản đã viết:

“Cách mạng Tháng Tám nổ ra dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những cuộc cách mạng giải phóng dân tộc giành được thắng lợi sớm nhất sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đó là một cuộc cách mạng kỳ diệu, lãnh đạo tài tình, trong có 2 tuần lễ dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và từ đó đến bao thắng lợi to lớn khác về sau. Theo tôi, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người mang tính thời đại rất lớn, chứ không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với riêng dân tộc Việt Nam”.

" ... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Tuyên ngôn Độc lập
" ... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy" -  Tuyên ngôn Độc lập
Ảnh: Internet

Nhà sử học Na Uy Sten Tô-nét-xơn cũng viết: “Tuyên ngôn Độc lập ngày mồng 2-9-1945 của Việt Nam nằm trong nguồn cảm hứng chủ yếu của một đường lối đấu tranh lớn, ra đời sau Chiến tranh Thế giới thứ hai: Đó là quá trình giành độc lập dân tộc trên phạm vi toàn cầu”.

Một điều không ai ngờ đến là, Bản Tuyên ngôn Độc lập, Áng văn lập quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam, lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ra trong căn nhà của một nhà tư sản yêu nước, 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội. Ngày nay trên tường ngôi nhà đó, nổi bật dòng chữ thiếp vàng:

“Trong ngôi nhà này, tại một phòng nhỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.

Một văn kiện chính trị quan trọng như thế - Một bản hùng ca, một hành trang tinh thần của cả một dân tộc - mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một cách cô đọng, khúc chiết, chỉ có 1.025 từ!

*

Mở đầu Bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt đầu bằng lời khẳng định một nguyên lý cơ bản:

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Và để khẳng định nguyên lý cơ bản đó của quyền con người, Bác Hồ đã trích dẫn ngay những lời lẽ đó trong các Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 4-7-1776 của nước Mỹ. Và tiếp đó là Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền Cách mạng Pháp ngày 26-8-1789.

Đó là những lẽ phải hùng hồn không ai có thể chối cãi được!

Chúng ta đều biết, trên hành trình đi tìm đường cứu nước, sau khi đi một vòng quanh châu Phi, qua những nước thuộc địa Pháp, cuối năm 1912, Anh Ba đã vượt Đại Tây Dương đến Mỹ và đã ở lại đây hơn một năm. Ở đó, Bác làm việc để sống và học tiếng Anh. Bác đã đi làm thuê cho một gia đình ở Thị trấn Brúc-clin, nơi gần khu Hác-lem có nhiều người da đen. Sau đó, Người lại chuyển đến Thành phố Bô-xtơn, thủ phủ bang Mat-xa-chu-sét, một bang đông dân, có trình độ cao về phát triển công nghiệp. Chính tại đây, lần đầu tiên anh Ba đã được đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ do Thô-mát Jép-phơ-xơn soạn thảo.

Năm 1927, khi viết cuốn “Đường kách mệnh”, trong chương “Lịch sử cách mệnh Mỹ” Bác Hồ đã viết: “Trong lời Tuyên ngôn của Mỹ có câu rằng: “Giời sinh ra ai cũng có quyền tự do, quyền giữ tính mệnh của mình, quyền làm ăn cho sung sướng. Hễ chính phủ nào mà có hại cho dân chúng thì dân chúng phải đạp đổ chính phủ ấy đi và gây nên chính phủ khác”. (1)

Còn thời kỳ ở Pháp, Bác Hồ đã đọc Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp nhiều lần. Bản Tuyên ngôn này tuyên bố xoá bỏ nền chuyên chính và áp bức của chế độ phong kiến, công khai ghi rõ các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của mọi người chống áp bức.

Trả lời câu hỏi vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại mở đầu Bản Tuyên ngôn Độc lập của mình bằng hai câu trích dẫn trên, nhà sử học Dương Trung Quốc viết:

“Câu trả lời cho thấy Hồ Chí Minh luôn đặt sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam gắn liền với thời đại. Người nhắc đến hai văn kiện lịch sử ấy với lòng trân trọng đặc biệt của một trí tuệ lớn đối với sự phát triển của văn minh nhân loại, mà cách mạng giành độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 và Cách mạng Tư sản Pháp 1789 là những cái mốc lớn của lịch sử loài người. Đó là nền tảng để vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam khẳng định rằng, chính cuộc cách mạng mà dân tộc Việt Nam đã giành được vào mùa thu năm 1945 là bước tiếp, đồng thời cũng là một cái cột mốc cho sự phát triển của lịch sử giải phóng con người, vì đó là mẫu hình đầu tiên và cũng là ngọn cờ của cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc nhỏ yếu thoát khỏi ách của chủ nghĩa thực dân cũ và mới”. (2)

Cũng có thể với tầm nhìn xa và sự mẫn cảm chính trị của mình, Bác Hồ đã nhận thấy những thế lực sẽ đương đầu với nền độc lập của Việt Nam là ai và Người đã nêu lên những lý lẽ không thể chối cãi được của chính họ!

Hằng ngày, nhất là vào dịp Quốc khánh 2-9, đông đảo người dân từ nhiều nơi trong cả nước và khách du lịch nước ngoài lại thành kính vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khai sinh ra nền độc lập cho dân tộc Việt Nam.
Hằng ngày, nhất là vào dịp Quốc khánh 2-9, đông đảo người dân từ nhiều nơi trong cả nước và khách du lịch nước ngoài lại thành kính vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khai sinh ra nền độc lập cho dân tộc Việt Nam.
Ảnh: Internet

Bản Tuyên ngôn Độc lập cũng đã dành một phần lớn để nói lên quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân ta chống thực dân Pháp cho tới Cách mạng Tháng Tám, lên án tội ác của chúng và kết luận:

“Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam Độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hoà”.

Khi nói đến Bản Tuyên ngôn Độc lập, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã viết: “Bản án chế độ thực dân Pháp đã có từ ba mươi năm trước đây. Nhưng hôm nay mới chính là ngày chế độ thực dân Pháp bị đưa ra cho toàn dân Việt Nam công khai xét xử.

Lịch sử đã sang trang. Một kỷ nguyên mới bắt đầu! Bản đồ thế giới phải sửa đổi lại vì sự ra đời của một Nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà!”.

Và cuối cùng, Bản Tuyên ngôn kết thúc bằng lời khẳng định mạnh mẽ:

“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Chỉ với 1.025 từ, song với ánh sáng trí tuệ và văn phong giản dị, khúc chiết cùng với tình cảm cách mạng mãnh liệt của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nên Bản Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng. Những lý lẽ hùng hồn và lòng quyết tâm sắt đá ấy của một dân tộc vì độc lập, tự do, đã lay động đến tận tâm can mỗi con người, truyền đến cho chúng ta một sức mạnh mới.

Đọc Tuyên ngôn Độc lập chúng ta như được nghe văng vẳng đâu đây một chân lý vĩnh hằng, hợp với lẽ trời và lòng người:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư…”

Chúng ta cũng lại gặp giọng văn hùng hồn và sảng khoái từ “Bình Ngô đại cáo” của người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, sức mạnh của nhân dân và lòng tự hào dân tộc như được truyền lại trong những áng hùng văn của lịch sử.

Từ quyền của con người (mà thực chất lúc đó chỉ là quyền của những người đàn ông da trắng có sở hữu - theo Lây-đi Bô-tơn, một nhà văn Mỹ), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển thành quyền của mọi người, hơn thế nữa, là quyền của mọi dân tộc. Và nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu trên thế giới đã coi đó là một cống hiến nổi tiếng của Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Năm 1975, khi giới thiệu Bản Tuyên ngôn Độc lập do Nhà xuất bản Sự thật ấn hành, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết:

“Ôn lại những chặng đường oanh liệt và vẻ vang của dân tộc Việt Nam… chúng ta càng thấy nổi bật những dòng chữ bất diệt, những tư tưởng lớn của Bản Tuyên ngôn Độc lập, những tư tưởng lớn của dân tộc Việt Nam ta, những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do. Đó cũng là những tư tưởng lớn của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân thế giới”.

Bản Tuyên ngôn Độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2-9-1945, Áng văn lập quốc vĩ đại ấy mãi mãi là hành trang tinh thần của dân tộc Việt Nam.

*

Ngày nay bạn bè thế giới đến với Hà Nội sẽ tìm đến Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nếu Hà Nội là trái tim của cả nước, thì Quảng trường Ba Đình và Lăng Bác Hồ là trái tim của Hà Nội. Từ lâu, nơi đây đã trở thành một không gian thiêng liêng của cả nước.

Thủ đô Hà Nội, nơi Người đọc Tuyên ngôn Độc lập, nay là nơi nhân loại đến chào Người!

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, trang 270, NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội 2002.
2. Tạp chí Xưa và Nay - số 81 (tháng 11-2000).

Bùi Công Bính



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com