Quy định về cung cấp, tiếp nhận và xử lý thông tin báo chí trên địa bàn tỉnh

07:09, 20/09/2013

Ngày 11-9-2013, Tỉnh uỷ Nam Định đã ban hành Quy định số 773-QĐ/TU về cung cấp, tiếp nhận và xử lý thông tin báo chí trên địa bàn tỉnh. Nội dung như sau:

Để góp phần thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về báo chí; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đảm bảo tính thống nhất trong việc cung cấp, tiếp nhận, xử lý thông tin và tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban TVTU quy định về việc cung cấp, tiếp nhận và xử lý thông tin báo chí trên địa bàn tỉnh như sau:

I. Về cung cấp thông tin

1. Cấp uỷ, chính quyền các cấp, các cơ quan Nhà nước, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là cơ quan, tổ chức) có trách nhiệm tổ chức việc cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định pháp luật. Thông tin cung cấp cho báo chí là thông tin chính thức theo quy định pháp luật và của Đảng liên quan đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, do người phát ngôn của cơ quan, tổ chức thực hiện.

2. Cơ quan, tổ chức phân công người phát ngôn hoặc người được uỷ quyền phát ngôn của cơ quan, tổ chức mình. Người phát ngôn hoặc người được uỷ quyền phát ngôn là cán bộ, công chức thuộc biên chế chính thức; đang công tác; có lập trường tư tưởng vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, khách quan; có am hiểu sâu về chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của cơ quan, tổ chức mà mình công tác; có hiểu biết nhất định về lĩnh vực báo chí, nắm vững các quy định pháp luật về báo chí; có năng lực phân tích, tổng hợp, xử lý thông tin; có khả năng giao tiếp với báo chí.

3. Việc tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí được thực hiện qua các hình thức: Cổng thông tin điện tử của tỉnh, các trang thông tin điện tử, website của các ngành, địa phương, giao ban báo chí hằng tháng, họp báo định kỳ của UBND tỉnh; họp báo của các cơ quan, tổ chức; hội nghị lãnh đạo tỉnh gặp mặt báo chí hằng năm, gặp mặt báo chí của lãnh đạo các cấp, khi có đề nghị theo đúng quy định của cơ quan, phóng viên báo chí…

Trong trường hợp cần thiết cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo việc chủ động thông tin trên báo chí về các sự kiện, vấn đề quan trọng, nhạy cảm có tác động lớn trong xã hội nhằm định hướng dư luận.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở TT và TT chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương lựa chọn những sự kiện, những nội dung, công tác quan trọng để định hướng tập trung tuyên truyền trên các báo địa phương và đề nghị phối hợp tuyên truyền trên các báo Trung ương.

Người phát ngôn, người được uỷ quyền phát ngôn của các cơ quan, tổ chức có quyền không phát ngôn và không cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp sau:

- Những vấn đề thuộc bí mật Nhà nước, những vấn đề bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng, những vấn đề không thuộc quyền hạn phát ngôn;

- Các vụ án đang trong quá trình điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp các cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan điều tra có yêu cầu cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm;

- Các vụ việc đang trong quá trình thanh tra; nghiên cứu giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan, đơn vị Nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định không được cung cấp thông tin cho báo chí;

- Những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép phổ biến.

II. Về tiếp nhận và xử lý thông tin báo chí

1. Các cơ quan, tổ chức phân công người thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin đăng, phát trên báo chí (báo viết, báo hình, báo nói, báo điện tử) liên quan đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, địa bàn thuộc phạm vi quản lý để kịp thời báo cáo với lãnh đạo cơ quan, tổ chức.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở TT và TT có trách nhiệm thường xuyên cập nhật, theo dõi, tổng hợp thông tin do các cơ quan báo chí viết về địa phương. Hằng tuần, hằng tháng, Sở TT và TT tổng hợp thông tin báo chí báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, bộ phận thường trực của tỉnh về công tác báo chí.

2. Thành lập bộ phận thường trực chỉ đạo xử lý thông tin báo chí của tỉnh, gồm đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan để chỉ đạo xử lý thông tin báo chí về những vấn đề có tính chất phức tạp, những nội dung liên quan đến chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh; việc đánh giá kết quả những chương trình, công tác lớn; những vấn đề tác động đến an ninh chính trị, ổn định xã hội của tỉnh. Các cơ quan, tổ chức căn cứ vào điều kiện cụ thể phân công người phụ trách việc xử lý thông tin báo chí của địa phương, đơn vị.

Khi nhận được thông tin phản ánh các hạn chế, tiêu cực do báo chí đăng, phát về lĩnh vực, địa bàn, người phụ trách xử lý thông tin báo chí của các cơ quan, tổ chức phải kịp thời báo cáo bộ phận thường trực chỉ đạo xử lý thông tin báo chí của tỉnh và lãnh đạo cơ quan, tổ chức để xin ý kiến chỉ đạo xử lý. Bộ phận thường trực chỉ đạo xử lý thông tin báo chí của tỉnh; lãnh đạo cơ quan, tổ chức chủ động chỉ đạo xử lý thông tin báo chí theo thẩm quyền. Trường hợp cần thiết, bộ phận thường trực chỉ đạo xử lý thông tin báo chí của tỉnh và lãnh đạo cơ quan, tổ chức báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh uỷ.

Việc xử lý các thông tin do báo chí phản ánh về hạn chế, tiêu cực, việc làm chưa đúng… cần được tiến hành thận trọng, kịp thời, khách quan; kiểm tra, xác minh, làm rõ tình hình, bản chất vụ việc và chỉ đạo giải quyết theo quy định. Chủ động trao đổi lại, cung cấp các thông tin chính thức liên quan với các cơ quan báo chí bằng các hình thức phù hợp theo quy định pháp luật với tinh thần hợp tác, thiện chí, tôn trọng cơ quan báo chí, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, phóng viên báo chí; tránh hình thành dư luận không đúng, ảnh hưởng tới uy tín và công tác lãnh đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền các cấp.

Trường hợp cơ quan báo chí đăng, phát thông tin không chính xác làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tổ chức, cá nhân, gây khó khăn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ảnh hưởng đến ANTT, ổn định xã hội, các cơ quan, tổ chức làm việc trực tiếp với cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí và thực hiện các biện pháp theo quy định pháp luật.

III. Tổ chức thực hiện

Căn cứ vào quy định pháp luật và quy định này, cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành xây dựng các quy định của địa phương, đơn vị và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Trong quá trình thực hiện quy định, nếu có vướng mắc hoặc phát sinh vấn đề mới, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức phản ánh về Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ để tổng hợp báo cáo Ban TVTU xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Giao Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy định này và thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện với Ban TVTU./.

T/M BAN THƯỜNG VỤ
BÍ THƯ
Phạm Hồng Hà



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com