Tiếp tục chương trình làm việc của phiên họp thứ 21, sáng 11-9, Ủy ban Thường vụ QH thảo luận, cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật (CSPL) về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009-2012.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai, Trưởng Đoàn giám sát trình bày báo cáo giám sát. Theo đó, sau 20 năm thực hiện CSPL về BHYT ở Việt Nam, nhất là sau gần bốn năm thực hiện Luật BHYT, đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ. Sau bốn năm thực thi Luật, đã có thêm 8,6% số dân tham gia BHYT, tương đương 9,24 triệu người. Có khoảng 20 tỉnh đã chủ động hỗ trợ thêm kinh phí từ ngân sách địa phương cho các đối tượng thuộc diện cận nghèo tham gia BHYT, một số tỉnh hỗ trợ 100% số tiền mua BHYT cho hộ cận nghèo. Đến cuối năm 2012, gần 70% số dân cả nước đã tham gia BHYT, trong đó phần đóng góp của người dân chiếm khoảng 58% trong tổng thu BHYT, tạo nền móng quan trọng để tiến tới BHYT toàn dân. Quỹ BHYT từ chỗ bị bội chi hơn 3.000 tỷ đồng đến năm 2012 đã cân đối và kết dư lũy kế gần 13 nghìn tỷ đồng... Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, vẫn còn 18 tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT dưới 60%, trong đó có bốn tỉnh đạt mức thấp dưới 50% số dân của tỉnh tham gia BHYT. Một trong những hạn chế là hoạt động khám, chữa bệnh BHYT tại bệnh viện chưa thật sự hấp dẫn, thu hút người dân. Việc xã hội hóa công tác khám, chữa bệnh tuy đạt nhiều thành tựu nhưng cũng hình thành hai chế độ trong một bệnh viện Nhà nước. Sự tương phản này cùng với yêu cầu về y đức chưa được cải thiện nhiều làm cho BHYT Việt Nam thiếu hấp dẫn, gặp khó khăn trong việc mở rộng... Thời gian qua, ở nhiều nơi xảy ra tình trạng cấp trùng thẻ, chậm thẻ BHYT, sai thông tin trên thẻ mà chưa phân định được trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Phiên họp thứ 21 Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Các thành viên Ủy ban Thường vụ QH đánh giá báo cáo của Đoàn giám sát, đồng thời đề nghị cần làm rõ hơn các nguyên nhân, trách nhiệm của QH, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan, UBND các cấp trong lĩnh vực BHYT. Trong đó, kiến nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong việc khám, chữa bệnh đối với các bệnh nhân có thẻ BHYT, việc cấp phát thuốc... Nhiều đại biểu đồng tình đề nghị của Đoàn giám sát kiến nghị Ủy ban Thường vụ QH trình QH ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện CSPL BHYT, tiến tới BHYT toàn dân. QH tiếp tục quan tâm, tăng chi nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Hơn nữa, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành hoàn thành việc hướng dẫn một số quy định thực hiện Luật BHYT; quy định rõ hơn về trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ QH cũng đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Theo Tờ trình, phạm vi điều chỉnh, bố cục Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT vẫn giữ nguyên như Luật BHYT hiện hành. Dự thảo Luật lần này sửa đổi, bổ sung 20/52 điều từ Chương I đến Chương IX, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến nhóm đối tượng; hình thức tham gia BHYT theo hộ gia đình; thẻ BHYT; mức hưởng BHYT; tạm ứng, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT; quản lý và sử dụng Quỹ BHYT, trách nhiệm của các bên liên quan đến BHYT.
Đa số các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung trong Tờ trình của Ban soạn thảo, và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu và bổ sung những nội dung thảo luận. Trong đó, tiếp tục đánh giá đầy đủ dự báo tác động, khả năng nguồn lực và sức chịu đựng của quỹ BHYT khi thực hiện các chính sách sửa đổi trong Luật BHYT. Hơn nữa, trong Luật cần nêu nội dung về phân cấp quản lý và vấn đề bộ máy triển khai, thực hiện; tránh tình trạng cấp trùng BHYT./.
Theo Nhân dân