Đổi mới quy chế tuyển dụng công chức cấp xã

08:09, 30/09/2013

Trong hệ thống chính trị 4 cấp ở nước ta, cấp cơ sở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) đóng vai trò quan trọng - là cầu nối trực tiếp đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân; đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trực tiếp giải quyết các công việc liên quan đến đời sống người dân. Bởi vậy, những năm qua Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã thông qua việc ban hành nhiều văn bản như: Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh uỷ về "Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý từ năm 2007 đến năm 2015 và những năm tiếp theo", Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh uỷ về "Nâng cao chất lượng cán bộ xã, phường, thị trấn từ năm 2011-2015 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết và Quyết định của HĐND, UBND tỉnh về việc tuyển dụng (ưu tiên xét tuyển) người có trình độ đại học hệ chính quy phù hợp với chuyên ngành về công tác tại xã, phường, thị trấn...

Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, các huyện, thành phố đã tập trung rà soát đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, xem xét các chức danh còn thiếu, xây dựng kế hoạch tuyển dụng, bổ sung trên cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định của tỉnh. Đồng thời, thông qua đại hội các đoàn thể chính trị cấp xã trong thời gian qua, các cấp uỷ Đảng đã chỉ đạo quyết liệt việc đảm bảo "chuẩn hoá" các chức danh trưởng các đoàn thể, kiên quyết điều chuyển, cho nghỉ chế độ đối với cán bộ không đảm bảo quy định về độ tuổi và trình độ. Thực hiện Quyết định 446/QĐ-UBND của UBND tỉnh, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã tuyển dụng được 327 sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về công tác tại cấp xã; trong đó năm 2012 và 8 tháng đầu năm 2013 đã tuyển được gần 150 trường hợp. Thành phố Nam Định là đơn vị đi đầu trong công tác tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về công tác tại cơ sở với 54 trường hợp, huyện Xuân Trường 50 trường hợp. Cùng với công tác tuyển dụng, các địa phương còn thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp xã theo hướng chuẩn hoá. Sở Nội vụ đã phối hợp với các huyện, thành phố tiến hành khảo sát thực trạng đội ngũ cán bộ cấp xã, từ đó xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã mở 11 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên cho 1.190 đồng chí; 1 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nông nghiệp cho 52 người là công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng NTM tại huyện Hải Hậu; 1 lớp Đại học Nông nghiệp với 89 học viên; 1 lớp Đại học Hành chính với 88 học viên; 1 lớp Trung cấp Luật cho 135 học viên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND cấp xã; 5 lớp Trung cấp Luật cho cán bộ, công chức tại 5 huyện Trực Ninh, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Ý Yên; 1 lớp bồi dưỡng kỹ năng công nghệ thông tin cho 30 công chức cấp xã. Ngoài ra, Trường Chính trị Trường Chinh và các Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố đã chủ động phối hợp mở các lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN, các lớp trung cấp chính trị, quản lý Nhà nước cho cán bộ các hội, đoàn thể, từ đó góp phần nâng cao trình độ, năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ cơ sở, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Đến nay, trong tổng số 4.664 cán bộ công chức cấp xã, có 1.066 người có trình độ cao đẳng, đại học, chiếm 22,8%, tăng trên 5% so với năm 2011; 3.279 người có trình độ trung cấp. Về lý luận chính trị, 59 người có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị, 2.716 người có trình độ trung cấp. Tỷ lệ công chức nữ dưới 30 tuổi có xu hướng tăng. Đến nay, đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn đã cơ bản đủ về số lượng để đảm đương các chức danh, hạn chế tình trạng một cán bộ kiêm nhiệm nhiều chức danh trước đây.

Nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, ngày 16-8-2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 29/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, thay thế Quyết định số 89/2007/QĐ-UBND, ngày 11-1-2007 của UBND tỉnh. So với quyết định cũ, Quyết định số 29 có một số điểm mới được điều chỉnh căn cứ vào Nghị định số 112/2011/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 06/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ, về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn và Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25-7-2011 của BCH Đảng bộ tỉnh về "Nâng cao chất lượng cán bộ xã, phường, thị trấn từ năm 2011-2015 và những năm tiếp theo”. Theo Quy chế tuyển dụng mới người tham gia dự tuyển công chức cấp xã phải đủ 18 tuổi trở lên, không giới hạn độ tuổi tuyển dụng lần đầu, quy định này không ngoài mục đích thu hút nhân tài của tỉnh. Về trình độ, trước đây chỉ yêu cầu ứng viên có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, phù hợp với chức danh công chức cần tuyển dụng, còn theo quy định mới yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp TCCN hệ chính quy trở lên, có ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của chức danh công chức đăng ký dự tuyển. Yêu cầu này xuất phát từ chủ trương tuyển người tốt nghiệp chính quy nhằm từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh. Quy chế mới cũng tiếp tục đề cập đến việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp các trường đại học chính quy về công tác tại xã thông qua hình thức xét tuyển, không thi tuyển thực hiện từ nay đến năm 2015. Cũng liên quan đến việc xét tuyển, theo quy chế mới sẽ thực hiện việc xét tuyển để tuyển dụng đối với chức danh chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã và trưởng Công an xã, thị trấn. Việc bổ nhiệm chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã và trưởng Công an xã, thị trấn thực hiện theo quy định của Luật Dân quân tự vệ và Pháp lệnh Công an xã. Điều chỉnh môn thi cũng như hình thức thi là một bước cải tiến đáng kể của Quyết định số 29. Theo quy định cũ, ứng viên chỉ thi 2 môn Hành chính Nhà nước và Tin học văn phòng, nội dung thi tập trung vào những quy định về chức năng quản lý Nhà nước cấp xã, nên khá đơn giản, không đánh giá đầy đủ năng lực, trình độ của người dự tuyển. Vì vậy, trong quy định mới, thi công chức cấp xã, các ứng viên phải thi 3 môn: Kiến thức chung, Nghiệp vụ chuyên ngành và Tin học văn phòng. Môn thi chuyên ngành được hiểu là ngành nghề chính mà thí sinh đã được học ở bậc trung cấp, cao đẳng. Theo ý kiến của hội đồng tuyển dụng các huyện, việc điều chỉnh này là cần thiết nhằm từng bước chuyên môn hoá các vị trí công chức xã, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của bộ máy chính quyền Nhà nước cấp cơ sở./.

Hoài Phương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com