Chỉ thị về việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo mô hình "cánh đồng mẫu lớn"

07:09, 04/09/2013

Ngày 29-8-2013, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn”. Nội dung như sau:

Thực hiện Nghị quyết số 21/2011/QH13 ngày 29-11-2011 của Quốc hội về đẩy mạnh các hình thức liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, phong trào xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” do Bộ NN và PTNT phát động ngày 26-3-2011, thời gian qua UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương đẩy mạnh các hình thức liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; phát động, chỉ đạo các địa phương tích cực xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” với quy mô đạt 12.889ha. Các mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 10-15% so với cách làm truyền thống. Thông qua mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, người nông dân có điều kiện tiếp nhận hỗ trợ về kỹ thuật, đầu tư và tăng thu nhập, ý thức sản xuất hàng hoá và trình độ thâm canh được nâng cao hơn; các HTXNN phát huy được hoạt động dịch vụ; giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân bước đầu đã có sự gắn kết trong sản xuất, cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, sản xuất theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn” tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh cơ giới hoá nông nghiệp và giảm thất thoát sau thu hoạch.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng và thực hiện các mô hình sản xuất “cánh đồng mẫu lớn” còn có nhiều hạn chế, khó khăn: Vẫn còn nhiều xã, thị trấn chưa có mô hình; một số nơi khi triển khai mô hình vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; mới chỉ có một số ít các doanh nghiệp tham gia vào mô hình và mới chủ yếu hỗ trợ nông dân về kỹ thuật hoặc cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm, chưa có doanh nghiệp liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi để gia tăng giá trị sản phẩm hàng hoá nông sản.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21/2011/QH13 của Quốc hội và Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Chỉ thị số 1965/CT-BNN-TT ngày 13-6-2013 của Bộ NN và PTNT về đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn” nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng trong sản xuất trồng trọt; và để khắc phục những hạn chế nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc Sở Công thương, Sở NN và PTNT và các sở, ngành liên quan nghiên túc chỉ đạo, thực hiện những nhiệm vụ sau:

1. UBND các huyện, thành phố:

- Hoàn thành dồn điền, đổi thửa ở tất cả các xã, thôn trong năm 2013. Lập phương án bảo quản và sử dụng linh hoạt, hiệu quả quỹ đất trồng lúa. Khuyến khích việc cho thuê, tích tụ ruộng đất để xây dựng các cánh đồng mẫu lớn.

- Quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung (riêng cây lúa quy hoạch 60% diện tích trồng lúa chất lượng cao). Xây dựng đề án, kế hoạch triển khai hoàn chỉnh các mô hình sản xuất hàng hoá “cánh đồng mẫu lớn” với liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trước hết là đối với sản xuất lúa gạo, vùng chuyên rau và các cây rau màu vụ đông. Tích cực tìm kiếm doanh nghiệp và tăng cường liên kết với các thành phố lớn, nhất là Hà Nội trong sản xuất chế biến, tiêu thụ nông sản. Phát triển các HTX, tổ hợp tác dịch vụ nông nghiệp; khuyến khích các HTXNN mở thêm dịch vụ chế biến, cung ứng nông sản.

Từ vụ đông 2013, mỗi huyện, thành phố phải xây dựng ít nhất 1 mô hình sản xuất hàng hoá “cánh đồng mẫu lớn” với liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm (không kể mô hình đã có) gắn với thực hiện quy trình sản xuất an toàn VietGAP để đảm bảo chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

- Thực hiện tốt các chính sách có liên quan đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản như chính sách về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đất đai, thuế, chuyển giao TBKT, khuyến nông, khuyến ngư, thông tin thị trường… Xác định rõ vai trò chủ yếu của mỗi bên đối tác trong “liên kết 4 nhà” để có biện pháp quản lý, chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm phát huy tốt vai trò của Nhà nước, hộ nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học…

2. Sở Công thương:

- Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; tích cực tìm kiếm, giới thiệu các doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi. Xây dựng kế hoạch liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản giữa Nam Định với Thành phố Hà Nội, Hải Phòng… báo cáo UBND tỉnh trước 31-10-2013.

- Hướng dẫn các bên tham gia ký hợp đồng sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.

- Chủ trì, phối hợp với Sở NN và PTNT, các ngành liên quan và các huyện, thành phố tổng kết các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn; tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hiệu quả.

3. Sở NN và PTNT:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở KH và ĐT, Sở Công thương tham mưu xây dựng các chính sách khuyến khích liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30-9-2013.

- Chủ trì, phối hợp với các huyện, thành phố tổng kết, đánh giá hiệu quả các mô hình “liên kết 4 nhà” và các mô hình “cánh đồng mẫu lớn” để có cơ sở bổ sung, hoàn thiện các mô hình đang triển khai. Thăm quan, học tập, phổ biến các mô hình tốt, cách làm hay của tỉnh bạn.

- Hoàn thiện tiêu chí “cánh đồng mẫu lớn” phù hợp với nhóm, loại cây trồng, vùng sản xuất; xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh và phát triển các “cánh đồng mẫu lớn” trong những năm tiếp theo đến 2020.

- Xác định, lựa chọn đối tượng cây trồng và bộ giống cây trồng hàng hoá chủ lực, thế mạnh tại địa phương, nhất là bộ giống lúa đặc sản và cây vụ đông. Phối hợp với Sở KH và CN và UBND các huyện, thành phố vận động các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho một số nông sản chất lượng cao, đặc trưng của địa phương, trước hết là sản phẩm lúa gạo như: Nếp cái hoa vàng, Nếp Bắc, Bắc thơm số 7…

- Tiếp nhận, tuyên truyền, phổ biển các TBKT mới phù hợp với VietGAP để áp dụng trong các mô hình sản xuất hàng hoá tập trung, nhất là trong mô hình “cánh đồng mẫu lớn”.

- Phối hợp với Sở Công thương tổng kết các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; tìm kiếm, giới thiệu các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản.

4. Sở KH và CN:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở NN và PTNT và UBND các huyện, thành phố hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, các hộ sản xuất có hợp đồng tiêu thụ nông sản lập và triển khai các dự án ứng dụng KH-CN trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản.

- Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các nông sản đặc trưng, chất lượng cao của tỉnh.

5. Các sở, ban, ngành liên quan:

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tích cực phối hợp với Sở NN và PTNT, Sở Công thương triển khai thực hiện các nội dung đã nêu tại Chỉ thị này.

6. Đài PT-TH, Báo Nam Định:

Tổ chức tốt việc tuyên truyền nội dung Chỉ thị này để các tầng lớp nhân dân trong tỉnh biết và thực hiện.
7. Đề nghị MTTQ và các đoàn thể nhân dân tích cực tham gia phối hợp với các sở, ngành và các cấp chính quyền tích cực tuyên truyền, vận động hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các nội dung của Chỉ thị này.

Giao Sở NN và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Công thương theo dõi việc tổ chức thực hiện nội dung Chỉ thị này ở các cấp, các ngành và thường xuyên báo cáo kết quả về UBND tỉnh./.

CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com