"Người tốt, việc tốt" là những nét đẹp của đạo đức mới!

06:08, 10/08/2013

Khi đọc bài giới thiệu rất ngắn gọn của đồng chí Hà Huy Giáp về sách “Người tốt - Việc tốt” thấy có câu: “Mỗi con người là một bông hoa đẹp”, Bác đã lấy bút đỏ viết thêm: “Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp!”.  

Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta thấy nổi bật lên tư tưởng lớn vì con người của Bác. Con người làm nên lịch sử, con người làm nên mọi thắng lợi của cách mạng, và mục đích chính của cách mạng cũng là để phục vụ con người.

Không biết bao nhiêu lần, Bác Hồ kính yêu đã nhắc nhở chúng ta phải quan tâm đến con người:

"Gốc có vững, cây mới bền
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân"

Trong Bản Di chúc lịch sử của mình, Bác cũng để lại hai câu thơ:

"Còn non, còn nước, còn người
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay"

Song đối với con người - Điều Bác Hồ quan tâm nhiều nhất là phẩm chất của con người, chăm lo bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ và nhân dân. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: "Suốt đời Hồ Chí Minh không ngừng chăm lo việc đào tạo con người từ tuổi mầm non, vun đắp những cái hay, cái đẹp của con người, những anh hùng, chiến sĩ thi đua, những "người tốt, việc tốt" trong các phong trào cách mạng của quần chúng".

Bác Hồ với các Anh hùng, dũng sĩ miền Nam. Ảnh: TL
Bác Hồ với các Anh hùng, dũng sĩ miền Nam. Ảnh: TL

Một buổi sáng tháng 5 năm 1968, đồng chí Lê Văn Lương, Bí thư Trung ương Đảng vào thăm Bác. Chưa đến giờ làm việc nhưng đã thấy Bác cặm cụi ngồi viết bên một chồng tài liệu trên bàn. Đồng chí chào Bác, rồi nói:

- Thưa Bác, Bác viết gì sớm thế ạ?

Bác chỉ chồng tài liệu, cười rồi nói:

- Đã hơn mười năm nay, Bác thường theo dõi trên báo những gương “người tốt, việc tốt”. Họ đều là những người bình thường, làm những việc bình thường cho xã hội. Nhưng đó chính là những nét đẹp của đạo đức mới. Những việc bình thường ấy, ai cũng có thể làm được, nếu cố gắng một chút. Và nếu ai cũng làm theo những “người tốt, việc tốt” thì cái tốt sẽ trở thành phổ biến và xã hội ta sẽ tốt đẹp hơn nhiều.

Dừng lại một chút, rồi Bác nói tiếp:

- Để khuyến khích kịp thời những gương “người tốt, việc tốt”, Bác đã xin phép Trung ương tặng Huy hiệu của Bác cho những anh chị em đó. Và bây giờ, Bác thấy nên viết lại những gương này, in thành sách để giáo dục đạo đức mới cho nhân dân ta. Mấy bữa nay, Bác giở những chồng báo cũ đã chọn và cắt dán ra để ngồi xem lại và thử viết lại những tấm gương này.

Nhìn những tập báo lớn để trên bàn, đồng chí Lê Văn Lương rất xúc động nói:

- Thưa Bác, việc làm này rất hay! Nhưng Bác còn bao nhiêu công việc khác, xin Bác giao việc này cho các đồng chí tuyên huấn và các nhà xuất bản.

Bác Hồ suy nghĩ rồi nói:

- Thế cũng được!

Và Bác nói là làm ngay. Bác hoãn công việc đã ghi cho ngày hôm sau và trao đổi với văn phòng cho mời các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên huấn Trung ương và một số nhà xuất bản đến. Bác nói, Bác muốn trao đổi trực tiếp và bàn bạc cho rõ, chứ không muốn nói cách bức đâu.

Đầu tiên, Bác chỉ vào một chồng vở lớn đã đóng sẵn gồm những bài báo về “người tốt, việc tốt” đã được Bác tặng Huy hiệu, rồi vào đề ngay:

- Hôm nay Bác mời các chú đến để bàn cách thực hiện điều mà Bác đã đề nghị với Ban Bí thư Trung uơng Đảng, Bác muốn bàn luận dân chủ, các chú có ý kiến gì trái với Bác thì cứ cãi, nhất trí rồi về làm mới tốt được. Không nên Bác nói gì, các chú cũng cứ ghi vào sổ mà trong bụng thì chưa thật rõ, rồi các chú không làm, hay làm một cách qua loa.

Xin nhấn mạnh, Bác nói là có ý kiến gì trái thì các chú "cứ cãi". Ở đây, ta thấy Bác làm việc thật dân chủ! Tiếp theo, Bác nói ý kiến của Bác:

- Các chú thường nói: Nhân dân ta rất anh hùng, ra ngõ gặp anh hùng... Nhìn lại lịch sử mấy nghìn năm của ông cha ta, ta cũng thấy điều đó. Đã có những người làm nên sự tích oanh liệt được Đảng và Nhà nước ta tuyên dương. Đó là những bông hoa rất đẹp trong vườn hoa chung của dân tộc. Nhưng dù sao, số người và những tập thể được công nhận là anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua, được tặng huân chương, huy chương vẫn chỉ là số ít so với hàng triệu, hàng chục triệu con người, hằng ngày góp gió thành bão, đang gánh vác mọi việc nước, việc nhà. Có tập thể vĩ đại ấy, mới có Đảng ta vĩ đại, mới có Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, mới có kháng chiến chống Pháp thành công, mới có sự nghiệp chống Mỹ cứu nước được cả thế giới khen ngợi.

Bác nói tiếp: “Một số cán bộ ta hình như mải làm công tác hành chính, sự vụ hơn là để nhiều tâm sức xây dựng con người, xây dựng Đảng và các tổ chức cách mạng, cho nên không chịu theo dõi việc làm hằng ngày của các cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Ai làm tốt không kịp thời nêu gương, ai làm xấu cũng không kịp thời giúp đỡ sửa chữa. Những chiến công và thành tích nổi bật, vang dội thì ai cũng có thể thấy được. Còn những việc nhỏ, bình thường thôi nhưng ích nước, lợi dân thì hay bị coi thường”.

Nói xong Bác hỏi:

- Các chú có biết biển cả là do cái gì tạo nên không? Từng dòng nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả. Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền rất vững chắc mới đứng vững được. Nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế là chỉ thấy cái ngọn mà quên mất cái gốc.

Và Bác kết luận: “Người tốt, việc tốt” nhiều lắm. Ở đâu cũng có. Ngành, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có... Có cháu gái ở Quảng Bình bắn rơi máy bay Mỹ. Có cháu học sinh nhặt được của rơi, đã bảo mẹ đưa đi trả lại người mất. Lại có cháu bé đi chơi, bạn nó sẩy chân ngã xuống ao, nếu chạy về gọi người lớn sợ không kịp. Cháu liền bám vào bụi cây ở bờ ao, nhoài cái chân nhỏ ra cho bạn bám vào, và đã cứu được bạn. Còn bé mà đã biết thương bạn như thế, lại thông minh và dũng cảm nữa... Có chú bộ đội đi đường, gặp một phụ nữ sắp đẻ đã tìm mọi cách giúp đỡ, lại còn đưa hai mẹ con về tận nhà. Có cụ già suốt ngày đêm chăm sóc thương, bệnh binh như con mình... Nếu Bác ngồi kể như thế thì kể mãi cũng không hết được. Bác chỉ muốn nhắc các chú chớ bỏ qua những việc mà các chú tưởng là tầm thường. Nhưng chính những việc đó đều là tinh thần yêu nước, đạo đức trong sáng và thuần phong mỹ tục của nhân dân ta. Chúng ta đánh giặc và xây dựng xã hội mới bằng những việc làm muôn hình, muôn vẻ của hàng chục triệu con người như thế, chứ không phải chỉ bằng một vài việc làm nổi bật và vang dội của một số cá nhân anh hùng.

Bác lại hỏi:

- Bác xin hỏi các chú điều này, anh hùng chiến sĩ có cần phải học những người bình thường không? Cán bộ, đảng viên có cần phải học quần chúng nhân dân không? Cấp trên có cần phải học cấp dưới không? Một người phải biết học nhiều người. Những gương “người tốt, việc tốt”, muôn hình muôn vẻ là những vật liệu quý để chúng ta xây dựng con người. Lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên để giáo dục lẫn nhau, là một phương pháp lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục lớn. Đó cũng là cách thực hành đường lối quần chúng trong công tác giáo dục.

Bác còn nói thêm: Các chú thường nói học tập chủ nghĩa Mác - Lênin. Lấy gương “người tốt, việc tốt” có thật trong nhân dân và cán bộ, đảng viên ta mà giáo dục lẫn nhau, đó chính là một cách tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin thiết thực nhất...

Nói xong, Bác để mọi người trao đổi, góp ý kiến. Xong Bác giao cho mọi người một cái hòm gỗ cũ, đựng toàn bộ 18 tập vở dán những bài báo, có đóng bìa cẩn thận, nói về hơn 4.000 “người tốt, việc tốt” mà Bác đã khen tặng trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó lại có cả 4 tờ giấy, Bác đã đánh máy sẵn, thống kê danh sách những “người tốt, việc tốt” theo hằng năm. Thì ra Bác đã bắt đầu theo dõi và làm việc cắt dán những gương “người tốt, việc tốt” này ngay từ năm 1956.

Bác dặn:

- Các chú đem về, chọn lọc và thẩm tra lại một lần nữa cho thật chính xác, rồi viết lại sao cho ngắn gọn, hấp dẫn, đừng có hoa hoè hoa sói. Viết sao cho người đọc dễ nhớ và thấy mình cũng có thể làm được việc tốt ấy.

Bác nói thêm:

- Các chú không nên tham viết dài. Nhân dân ta có truyền thống kể chuyện ngắn gọn mà có duyên. Các chú phải học cách kể chuyện của nhân dân. Viết giản dị thôi và phải đúng sự thật, không được bịa ra!

Bác Hồ còn bàn cả đến khuôn khổ tập sách “Người tốt - Việc tốt”, thế nào cho vừa, và in xong thì phải biết tuyên truyền cho nhiều người đọc, đừng để tình trạng "áo gấm đi đêm", và phải có bài giới thiệu ở đầu tập sách.

Sau này, khi đọc bài giới thiệu rất ngắn gọn của đồng chí Hà Huy Giáp về sách “Người tốt - Việc tốt” thấy có câu: “Mỗi con người là một bông hoa đẹp”, Bác đã lấy bút đỏ viết thêm: “Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp!”.

Ngày nay, vào thăm nhà Bác, chúng ta còn thấy trên bàn làm việc, trên giá sách những cuốn sách “Người tốt - Việc tốt” như “Dũng cảm, đảm đang”, “Việc nhỏ nghĩa lớn”, “Vì nước, vì dân”… bên cạnh những cuốn sách nổi tiếng khác. Trong nhiều năm, Bác Hồ đã tặng hơn 5 nghìn Huy hiệu của Người cho những “người tốt, việc tốt”. Lòng Người luôn hướng về hàng triệu những con người bình thường, mà có lần Người đã nói: “Không có nhân dân thì cũng không có Bác”.

*

Đọc lại câu chuyện "Bác Hồ với việc viết “người tốt, việc tốt", chúng ta càng thấy tấm lòng yêu mến con người, quan tâm đến con người của Bác thật là lớn lao và lời căn dặn của Người với các nhà báo cũng thật vô cùng sâu sắc.

Trong buổi làm việc này, Bác Hồ còn hỏi về việc tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin. Bác nói:

- Chúng ta không nên đào tạo ra những con người thuộc sách làu làu, cụ Mác nói thế này, cụ Lênin nói thế kia, nhưng lại không biết quét nhà!

Và khi hỏi về việc giáo dục lịch sử cho thanh niên. Bác nói:

- Bây giờ do cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước của ta có một vị trí rất lớn đối với thế giới, ngày càng có nhiều người nước ngoài tìm hiểu kỹ về Việt Nam. Coi chừng, có nhiều người Việt Nam lại không hiểu rõ lịch sử, đất nước, con người, và những cái vốn rất quý báu của mình bằng những người nước ngoài...

Qua câu chuyện này, chúng ta càng thấy rõ Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã suốt đời quan tâm đến sự nghiệp trồng người, quan tâm đến việc giáo dục phẩm chất và đạo đức cho mọi thế hệ cán bộ và nhân dân ta, như Người đã từng dạy: "Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa"./.

Bùi Công Bính



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com