Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” (TDĐKXDĐSVH), đến nay trên địa bàn huyện Nam Trực đã có chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội, hình thành nhiều phong trào văn hóa, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tập trung quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) gắn với việc triển khai đồng bộ, toàn diện phong trào TDĐKXDĐSVH và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Trong chương trình hành động thực hiện nghị quyết, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các ngành liên quan phối hợp tổ chức thực hiện xây dựng làng, gia đình, cơ quan, trường học văn hóa, kết hợp với các phong trào thi đua của MTTQ như phong trào: “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”; “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; “Xây dựng khu dân cư 5 không”... Hằng năm, huyện thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá, bình xét, phân loại việc thực hiện nếp sống văn hóa của các cơ quan, trường học, các khu dân cư, gia đình...; kiên quyết xử lý, thu hồi danh hiệu “Làng (tổ dân phố) văn hoá” đối với các làng, thôn, xóm, tổ dân phố vi phạm. Đến nay, toàn huyện có 173/402 làng, thôn, xóm, tổ dân phố được công nhận “Làng (tổ dân phố) văn hóa”, 80% gia đình đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hoá, 284 khu dân cư tiên tiến, 54 chùa tinh tiến, 14 xứ họ tiên tiến. Để đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), từ năm 2010 đến nay huyện gắn phong trào TDĐKXDĐSVH với phong trào xây dựng NTM; đẩy mạnh xã hội hoá xây dựng các thiết chế văn hoá và hoạt động văn hoá thể thao cơ sở. Đến nay toàn huyện đã có 10 NVH xã, thị trấn; hơn 200 NVH thôn, xóm; 100% khu dân cư trong huyện có NVH, sân chơi thể thao. Tiêu biểu như xã Nam Thanh ngoài NVH chung của cả xã, cả 22 thôn, xóm đều có NVH được trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và các sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân. Trong các ngày lễ, tết, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nhằm khơi dậy truyền thống dân tộc, thu hút các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ tham gia. Tiêu biểu là các xã Nam Thái, Nam Hồng, Tân Thịnh, Nam Thanh, Nam Lợi, Nam Mỹ, Điền Xá, Nam Dương, Nam Hùng, Nam Cường. Các xã đều chú trọng ban hành các quy định, quy ước thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang...
Xã Nam Cường, một trong những đơn vị thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của huyện Nam Trực. |
Bên cạnh công tác xây dựng nếp sống văn hoá trong nhân dân, huyện quan tâm bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, các giá trị văn hoá nghệ thuật truyền thống của địa phương. Hiện trên địa bàn huyện có 463 di tích, trong đó 14 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, 41 di tích xếp hạng cấp tỉnh, tiêu biểu như: đình Xám (xã Hồng Quang), đền Đá (xã Tân Thịnh), đền Din (xã Nam Dương), đền An Lá (xã Nghĩa An), đền Đồng Quỹ (xã Nam Tiến)… Nhiều lễ hội quy mô lớn được tổ chức thu hút đông đảo khách thập phương tham dự như: chợ Viềng (Thị trấn Nam Giang) vào mùng 7 và 8 tháng Giêng; lễ hội hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá được khôi phục tổ chức từ năm 2007; lễ hội chùa Đại Bi (Nam Giang) diễn ra vào ngày 20 tháng Giêng hằng năm... Các lễ hội được tổ chức theo đúng quy chế quản lý, tổ chức lễ hội của Bộ VH, TT và DL. Huyện thường xuyên phối hợp với thanh tra Sở VH, TT và DL, Sở TT và TT tổ chức kiểm tra các hoạt động văn hóa diễn ra trong các lễ hội, chú trọng khai thác các yếu tố văn hóa dân gian, những nét đặc trưng riêng biệt của địa phương. Các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện cũng tiếp tục được quan tâm đầu tư, phục hồi và phát triển như: bơi chải, múa rối nước ở xã Hồng Quang; kéo chữ ở Thị trấn Nam Giang; múa rối, hát chèo ở xã Nam Thái... Năm 2012, Phòng VH-TT huyện đã phối hợp với NVH tỉnh khảo sát, thống kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn, lập hồ sơ về “Hát rối chùa Bi” đề nghị Bộ VH, TT và DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu và hỗ trợ kinh phí cho công tác bảo tồn di sản.
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) ở huyện Nam Trực còn bộc lộ một số tồn tại như: Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH một số cơ sở chậm đổi mới công tác chỉ đạo, kế hoạch thực hiện. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho các hoạt động văn hóa thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng các thiết chế hạ tầng văn hoá thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhận thức về nội dung, ý nghĩa của việc thực hiện nghị quyết trong một số cán bộ, đảng viên, nhân dân còn hạn chế, do đó chưa khai thác được sức mạnh, tiềm lực địa phương. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở kiện toàn củng cố Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH; tăng cường lồng ghép việc thực hiện phong trào với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các phong trào thi đua khác; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tập trung nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở; đổi mới phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả. Xây dựng và thực hiện tốt quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa các cơ quan thành viên nhằm đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của các cấp ủy Đảng, gắn với việc phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các cơ quan, tổ chức thành viên. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, xây dựng các mô hình tuyên truyền trực quan, kịp thời phát hiện, biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; phê phán những thói hư, tật xấu, những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan và các vi phạm trong việc thực hiện nếp sống văn hóa ở cơ sở. Đẩy mạnh việc xã hội hoá hoạt động văn hoá, thể thao; khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về văn hoá, thể thao, khu vui chơi giải trí theo quy định của pháp luật; vận động nhân dân đóng góp kinh phí xây dựng NVH, sân thể thao... Xây dựng các mô hình tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT phù hợp với điều kiện sinh hoạt và nhu cầu của người dân, tạo nền tảng vững chắc phát triển nền văn hóa./.
Bài và ảnh: Viết Dư