Thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, Thường trực HĐND và các Ban của HĐND Thành phố Nam Định đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch và nội dung giám sát trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, bám sát thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị, có trọng tâm, trọng điểm vào những lĩnh vực được người dân, dư luận quan tâm.
Thường trực HĐND và Ban Pháp chế HĐND Thành phố Nam Định giám sát công tác quản lý và sử dụng đất công trên địa bàn. |
Trong quá trình chuẩn bị các kỳ họp, Thường trực HĐND, UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành nâng cao chất lượng báo cáo trình tại các kỳ họp và gửi đúng thời gian quy định để các đại biểu và các Ban HĐND có đủ thời gian nghiên cứu, thẩm tra. Tại các kỳ họp, hoạt động chất vấn được đổi mới: thủ trưởng các ngành được chất vấn và trực tiếp giải trình về các vấn đề mà cử tri quan tâm trên các lĩnh vực như: Quản lý đất đai, trật tự đô thị, GD và ĐT, thuế, VSMT, quản lý địa giới hành chính... Bên cạnh đó, Thường trực HĐND thành phố đã chủ động đẩy mạnh hoạt động giám sát thường xuyên, giám sát theo chuyên đề, tổ chức các đoàn giám sát xuống cơ sở kiểm tra thực tế, nắm bắt kịp thời các vấn đề tại cơ sở, để có những kiến nghị sát thực với các cấp, các ngành chức năng có những giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn. Từ đầu năm đến nay, các Ban HĐND thành phố đã tiến hành 7 cuộc giám sát tại 30 cơ quan, đơn vị và UBND các phường, xã. Thường trực HĐND và Ban Kinh tế - Xã hội đã tiến hành giám sát tại UBND các phường, xã và Phòng Tài chính - Kế hoạch về quyết toán ngân sách năm 2012, thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2013. Qua giám sát đã chỉ rõ những vấn đề tồn tại cần khắc phục và kiến nghị những giải pháp cụ thể để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2013 như: Thành phố cần tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất, tạo việc làm. Tăng cường kiểm tra đôn đốc, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện nhiệm vụ của các ban, ngành, chính quyền cơ sở để việc chỉ đạo, điều hành kịp thời, hiệu quả. Chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các phòng, ban chuyên môn và UBND các phường, xã trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm thực hiện đạt chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tỉnh giao năm 2013. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước tại các khu đô thị, khu tái định cư, khu vực giáp ranh các phường, xã. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ thành phố tới các phường, xã. Thực hiện việc khen thưởng kịp thời, kỷ luật nghiêm minh đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm khi thi hành công vụ... Ban Kinh tế - Xã hội của HĐND thành phố đã tổ chức giám sát việc thực hiện Đề án “Nâng cao độ đồng đều về chất lượng giữa các trường tiểu học, THCS trên địa bàn Thành phố Nam Định”. Kết quả giám sát đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án. Ban Kinh tế - Xã hội đã kiến nghị UBND thành phố khắc phục một số hạn chế như: tình trạng thiếu phòng học, phòng chức năng, khuôn viên chật hẹp do mặt bằng hạn chế, số lượng học sinh đông…, có trường tiểu học học sinh phải học cả thứ 7. Việc trưng tập, tăng cường cán bộ quản lý và giáo viên giỏi tới các trường khó khăn còn hạn chế, chưa đạt được mục tiêu của Đề án. Trên thực tế nội dung này của Đề án mới chỉ thực hiện ở mức độ cử giáo viên giỏi đến các trường khó khăn tham gia giảng dạy một số tiết trong tuần hoặc tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi. Việc cử giáo viên có triển vọng ở trường khó khăn đi học hỏi kinh nghiệm ở trường chất lượng tốt chưa nhiều; chưa trưng tập cán bộ quản lý của các trường chất lượng tốt đi tăng cường. Tư tưởng chọn trường, chọn lớp còn xảy ra trong cả đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh học sinh. Công tác điều tra phổ cập giáo dục chưa sát thực tế ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh đầu cấp. Tình trạng chuyển hộ khẩu thường trú, tạm trú để được học tại các trường có chất lượng tốt còn xảy ra, gây bất cập trong tuyển sinh đầu cấp giữa các trường chất lượng tốt và trường khó khăn. Công tác xã hội hóa giáo dục thời gian qua mới chỉ làm tốt việc phối hợp giữa nhà trường với ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thỏa thuận theo Quy chế dân chủ, còn trong các nội dung khác của công tác giáo dục đào tạo chưa đạt được mục tiêu của Đề án. Thường trực HĐND và Ban Pháp chế HĐND thành phố đã tiến hành giám sát công tác quản lý và sử dụng đất công trên địa bàn thành phố tại Phòng TN và MT và 5 phường, xã. Qua giám sát đã đánh giá những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong quản lý và sử dụng đất công; kiến nghị đề xuất các giải pháp nhằm giúp UBND thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các phường, xã chấn chỉnh hoạt động quản lý và sử dụng đất công hiệu quả, đúng pháp luật về đất đai. Ngoài ra, Ban Pháp chế HĐND thành phố còn tham gia đoàn giám sát chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh về việc “Thực hiện chính sách pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”; tham gia Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát chuyên đề: “Việc triển khai, thực hiện pháp luật về viên chức”. Thông qua hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri, đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, đơn vị, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố.
Đồng chí Trần Đăng Hùng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nam Định cho biết: "Việc đổi mới hoạt động giám sát của Thường trực HĐND và các Ban của HĐND thành phố đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Thông qua hoạt động giám sát, các kiến nghị của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND thành phố đều được UBND thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND các phường, xã nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong thời gian tới, HĐND thành phố tăng cường công tác giám sát việc thực hiện các Nghị quyết kỳ họp thứ 5 và thứ 6 của HĐND thành phố, giám sát các chuyên đề theo kế hoạch. Thông qua giám sát sẽ kiến nghị các giải pháp, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh năm 2013"./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng