Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) năm 1992, với sự thay đổi căn bản về kỹ thuật lập hiến đã xây dựng một chương chung về “Chế độ kinh tế - xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường” với ý nghĩa là chương bao gồm những tuyên ngôn về đường lối, chính sách phát triển chủ đạo của Nhà nước ta trong cả giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trên cơ sở gộp 2 chương “chế độ kinh tế” và “chế độ văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ” như Hiến pháp hiện hành và bổ sung nội dung “xã hội”. Các nội dung chính sách xã hội tại chương này, cùng với các nội dung tương ứng trong chương quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thể hiện khá toàn diện tư tưởng hiến định về chính sách xã hội trong sửa đổi Hiến pháp.
Trên cơ sở thể chế hoá đường lối phát triển xã hội theo cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được bổ sung, phát triển năm 2011, chúng tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách y tế, dân số và bình đẳng giới trong DTSĐHP năm 1992 như sau:
Về chính sách y tế, dân số: Điều 41 DTSĐHP năm 1992 đang được ghi nhận với tính chất là quyền công dân được bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ; tuy nhiên, cần nhận thức đây là quyền con người, chứ không chỉ là riêng quyền của công dân. Do đó, đề nghị thay chủ thể tại điều này từ “Công dân” thành “Mọi người”. Điều 62 DTSĐHP thể hiện tập trung chính sách của Nhà nước về y tế, dân số, trên cơ sở kế thừa cơ bản các quy định tại Điều 39 và Điều 40 Hiến pháp 1992. Do đó, so với các quy định khác trong DTSĐHP thì quy định này quá dài, quy định quá nhiều chính sách cụ thể mang tính chuyên môn, thiếu súc tích. Với kỹ thuật lập hiến mới, để bảo đảm cho sự vận hành ổn định của Hiến pháp, cần sửa đổi Điều 62 DTSĐHP năm 1992 cô đọng hơn, như sau:
“Điều 62 (sửa đổi, bổ sung Điều 39, Điều 40): Nhà nước, xã hội đầu tư, phát triển sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, thực hiện BHYT toàn dân, có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào miền núi, hải đảo, dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn khác; Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hoá gia đình, bảo đảm quy mô, cơ cấu dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số”.
Về bình đẳng giới: Đề nghị sửa Điều 27 DTSĐHP năm 1992 như sau:
“Điều 27 (sửa đổi, bổ sung Điều 63): Mọi người được tạo cơ hội để được thực hiện quyền bình đẳng giới; nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới”.
Lý do sửa đổi: Điều này chỉ nên quy định khái quát, mang tính tuyên ngôn vì đã có Luật Bình đẳng giới quy định cụ thể. Nội dung tại khoản 2: “2. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân nữ và nam trên mọi lĩnh vực” là quy định về chính sách của Nhà nước, do đó nên chuyển xuống chương III. Đồng thời tại chương III cần nghiên cứu để xây dựng riêng một điều thể hiện chính sách của Nhà nước để bảo đảm bình đẳng giới vì đây là một trong các mục tiêu thiên niên kỷ; trong đó, tách nội dung về chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với phụ nữ, trẻ em hiện đang quy định tại khoản 2 Điều 62 chuyển sang điều mới. Theo đó, chúng tôi đề nghị bổ sung Điều 62a về chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới như sau:
“Điều 62a (bổ sung) về chính sách bình đẳng giới
1. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giới.
2. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò trong xã hội.
3. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử”./.
TS. Bùi Sỹ Lợi
(Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội)