Cách mạng Tháng Tám và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người Anh hùng Giải phóng dân tộc

08:08, 17/08/2013

Là một người dân thuộc địa, ra đi tìm đường cứu nước, mục tiêu lớn lao, duy nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải phóng dân tộc mình, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc mình. Có thể nói, trong suốt 30 năm dài, sống và hoạt động cách mạng ở nước ngoài, ở đâu xuất hiện từ “Giải phóng dân tộc” là ở đó có sức hút mãnh liệt với Nguyễn Ái Quốc.

Đoàn người biểu tình ngày 19 tháng 8 năm 1945 trước cửa Bắc Bộ phủ, Hà Nội. Ảnh: TL
Đoàn người biểu tình ngày 19 tháng 8 năm 1945 trước cửa Bắc Bộ phủ, Hà Nội. Ảnh: TL

Năm 1920, lúc đó Bác đang làm thợ phóng ảnh ở Paris và bí mật hoạt động cách mạng. Một buổi trưa đi làm về, bà chủ nhà đưa cho Bác một phong thư. Mở ra xem, thì ra quan tổng trưởng thuộc địa Pháp mời Bác đến gặp.

Vài hôm sau, Bác đến. Tên tổng trưởng thuộc địa nhìn Bác, đe doạ:

- Hiện nay, có những kẻ ngông cuồng đang hoạt động ở Pháp. Chúng liên lạc với bọn Bôn-sê-vích Nga, từ Nga liên lạc với Quảng Đông, Trung Quốc, rồi từ Quảng Đông liên lạc về Việt Nam. Chính phủ Pháp biết rất rõ những hoạt động của họ… Nước mẹ Đại Pháp đủ sức bẻ gãy họ.

Vừa nói, hai tay hắn vừa nắm lại rồi làm điệu bộ như đang bẻ gãy một cái gì cứng rắn.

Nguyễn Ái Quốc vẫn điềm đạm, mỉm cười, rồi nói:

- Ngài đã nói xong rồi chứ?

Là một tên cáo già thực dân, y bỗng đổi giọng mua chuộc:

- Tôi rất thích những thanh niên có chí khí như ông (Lúc này, Bác Hồ vừa 30 tuổi). Hắn tiếp: Có chí khí như thế là tốt, nhưng còn phải thức thời nữa. Ô này, khi nào ông cần gì, tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ ông. Từ nay, thế là chúng ta đã quen biết nhau rồi, ông không nên khách sáo… Ông cần gì cứ nói với tôi.

Nguyễn Ái Quốc nói:

- Cảm ơn Ngài! Cái mà tôi đang cần, cái mà tôi đang cần nhất trên đời này là đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập!

Giải phóng dân tộc, đem lại độc lập tự do và hạnh phúc cho nhân dân là mục tiêu suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tháng 4-1921, với bài báo “Đông Dương” trên tạp chí Revue Communiste, Người đã viết: “Người Đông Dương không được học bằng sách vở và bằng diễn văn, nhưng người Đông Dương nhận sự giáo dục bằng cách khác. Đau khổ, nghèo đói và sự đàn áp tàn bạo là những người thầy duy nhất. Đằng sau sự phục tùng, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến! Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi. Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”.

Tháng 5-1921, Bác lại viết: “Xứ Đông Dương bị chủ nghĩa tư bản Pháp bóc lột để làm giàu cho một số cá mập. Người ta đưa người Đông Dương vào chỗ chết trong cuộc chém giết của bọn tư bản, để bảo vệ những cái gì mà chính họ cũng không hề biết. Người ta đầu độc họ bằng rượu cồn và thuốc phiện. Người ta kìm họ trong ngu dốt. Người ta cho họ nếm những ân huệ của nền văn minh tư sản ở ngay trên máy chém, trong nhà tù hay đày biệt xứ! 75 nghìn km2 đất đai, 20 triệu dân, bị bóc lột tàn nhẫn trong tay một nhóm kẻ cướp thực dân, đấy là xứ Đông Duơng” (Tạp chí Revue Communiste).

Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành hết tâm trí và sức lực của mình cho mục tiêu giải phóng dân tộc. Và Người đã suốt đời đấu tranh cho mục tiêu cao cả ấy.

Ngày 23-6-1924, tại phiên họp thứ 8 Đại hội lần thứ 5 Quốc tế Cộng sản, Người đã thẳng thắn phát biểu:

“… Tôi thấy rằng hình như, các đồng chí chưa hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng cho rằng vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các nước thuộc địa. Vì vậy, tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội có được, sẽ gợi ra những vấn đề, và nếu cần tôi sẽ thức tỉnh các đồng chí về vấn đề thuộc địa”.

“… Các đồng chí thứ lỗi về sự mạnh bạo của tôi, nhưng tôi không thể không nói với các đồng chí rằng, sau khi nghe những lời phát biểu của các đồng chí ở chính quốc, tôi có cảm tưởng là các đồng chí ấy muốn đánh chết rắn đằng đuôi. Tất cả các đồng chí đều biết rằng, hiện nay nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc. Các thuộc địa cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy, các thuộc địa cung cấp binh lính cho quân đội của chủ nghĩa đế quốc. Các thuộc địa trở thành nền tảng của lực lượng phản cách mạng. Thế mà các đồng chí, khi nói về cách mạng, các đồng chí lại khinh thường thuộc địa” (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 1, trang 273).

Trong tài liệu nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh của Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, NXB Chính trị Quốc gia 2003 cũng đã nêu rõ: “… Nếu ở phương Tây, các nhà kinh điển mác-xít cho rằng sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người tuy có liên quan chặt chẽ với nhau, nhưng trước hết, phải giải phóng giai cấp công nhân, thì Hồ Chí Minh khẳng định: Đối với phương Đông, trong đó có Việt Nam, giải phóng dân tộc là nhiệm vụ trên hết, trước hết.

Hồ Chí Minh cho rằng, trong điều kiện các nước thuộc địa thì giải phóng dân tộc là cơ sở để giải phóng giai cấp, giải phóng con người”.

Ngay từ khi thành lập Đảng, trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt của Đảng ta cũng đã nêu rõ: “Nhiệm vụ của cuộc cách mạng là đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập”.

Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 họp tại Pác Bó tháng 5-1941, do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cũng đã khẳng định: “Nhiệm vụ bức thiết nhất của cách mạng Đông Dương lúc này là giải phóng dân tộc”. Văn kiện Hội nghị đã ghi rõ: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận giai cấp phải đặt dưới sự tồn vong sinh tử của quốc gia dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.

*

Đêm 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Ban Thường vụ Trung ương mở rộng họp và ra Chỉ thị lịch sử: “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.

Ngày 13-8-1945 Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào.

Ngày 16-8-1945 Đại hội quốc dân tiếp tục họp tại Tân Trào, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, thông qua lệnh Tổng khởi nghĩa, quyết định quốc kỳ của nước ta là nền đỏ sao vàng, chọn bài “Tiến quân ca” làm Quốc ca, và bầu ra Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà giải phóng cho ta”.

Với sức mạnh như vũ bão của quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chỉ trong vòng nửa tháng, cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại đã thành công trong cả nước!

L.A Patti - một nhà tình báo Mỹ, người đã được Bác Hồ đọc cho nghe Bản Tuyên ngôn độc lập trước ngày đọc ở Ba Đình và cũng là người đã có mặt ở Hà Nội ngày 2-9-1945 đã viết trong cuốn sách “Why Việt Nam” (Tại sao Việt Nam?) dày ngót một nghìn trang, có đoạn kể lại ngày 2-9 ở Ba Đình:

“Tiếng loa phóng thanh nổi lên phá vỡ sự im lặng, người ta giới thiệu “Ông Hồ là người giải phóng, vị cứu tinh của dân tộc”. Quần chúng hát vang và trong mấy phút liền hô vang “Độc Lập”, “Độc Lập”. Ông Hồ mỉm cười, nhỏ nhắn trong tầm cỡ, nhưng vĩ đại trong sự hoan hô của nhân dân ông. Ông giơ tay ra hiệu im lặng và bắt đầu đọc Bản Tuyên ngôn Độc Lập, mà ngày nay đã trở thành nổi tiếng…”.

*

68 năm đã qua, từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã được thế giới tôn vinh là Người Anh hùng Giải phóng dân tộc.

Nhân dân ta cũng đã phải tiếp tục trải qua 30 năm dài chiến đấu, đầy gian khổ hy sinh để giữ vững nền độc lập, thống nhất của mình. Ngày nay lịch sử Việt Nam đã bước sang những trang mới vẻ vang của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, nhưng chúng ta đều biết rằng: Tất cả những thành quả đó đều bắt nguồn từ năm 1930 khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, và từ cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại!

Bùi Công Bính
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com