Thực hiện đường lối văn hoá - văn nghệ của Đảng theo tinh thần Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khoá X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới, những năm qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo hoạt động văn hóa, VHNT; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội VHNT tỉnh, định hướng tư tưởng, động viên, khuyến khích các văn nghệ sỹ tích cực sáng tác các tác phẩm có chất lượng tốt, phản ánh sinh động, chân thực tình hình thực tiễn của địa phương.
Đội kèn đồng huyện Xuân Trường tham gia hội thi Hợp xướng và nhạc kèn toàn tỉnh chào mừng kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định (tháng 10-2012). |
Hoạt động VHNT của tỉnh đã đảm bảo tính định hướng về tư tưởng, có nhiều tìm tòi sáng tạo, phát huy giá trị truyền thống văn hiến của quê hương Nam Định góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Hội VHNT đã tập hợp đội ngũ gần 300 văn nghệ sĩ sáng tác ở 7 thể loại: văn xuôi, thơ, nghiên cứu - phê bình, sân khấu, âm nhạc - múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh. Các thế hệ văn nghệ sĩ trong toàn tỉnh đã sáng tác, xuất bản, quảng bá tới công chúng nhiều tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật. Từ năm 2008 đến nay, đội ngũ văn nghệ sỹ tỉnh ta đã cho ra đời 27 tiểu thuyết, 45 tập truyện ký, 68 tập thơ, 35 công trình nghiên cứu - phê bình, 32 công trình đạo diễn, 44 tác phẩm âm nhạc và hàng nghìn tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Trong đó có 36 tác phẩm đạt giải thưởng quốc gia; 25 tác phẩm đạt giải thưởng quốc tế; 240 tác phẩm, công trình đạt Giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến, Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh của UBND tỉnh trao tặng. Trong đó, trên lĩnh vực sân khấu chuyên nghiệp, các công trình nghệ thuật, vở diễn: “Không thể - có thể”, “Rừng cháy”, “Trần Anh Tông”, “Tình sử vương triều”, “Hoạ mi lại hót”, “Chiến trường không tiếng súng”... đã giành nhiều giải thưởng xuất sắc trong các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp khu vực, toàn quốc. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung mở rộng các hoạt động hợp tác, giao lưu nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa, mảnh đất và con người Nam Định rộng rãi trong và ngoài nước; phối hợp nghiên cứu, học tập trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã hợp tác triển khai nhiều công trình nghiên cứu khoa học về văn hoá thời Trần; phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn Văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, Hội Di sản văn hoá Việt Nam, Chi hội Folklore châu Á tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Văn hoá thờ Nữ thần (Mẫu) ở Việt Nam và châu Á - Bản sắc và giá trị”. Tỉnh ta cũng đã đề nghị Bộ VH, TT và DL cho lập hồ sơ “Nghi lễ chầu văn của người Việt ở Nam Định” đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Bằng nhiều hình thức truyền thông thông qua các tác phẩm VHNT, tỉnh đã giới thiệu những giá trị truyền thống lịch sử, văn hoá, cách mạng, những thành tựu của địa phương trong quá trình xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước. Đặc biệt, trong năm 2012, tỉnh đã tổ chức thành công chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, đón nhận Bằng Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đặc biệt Đền Trần - Chùa Phổ Minh, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23, hoạt động VHNT tỉnh ta có sự khởi sắc về số lượng, chất lượng đội ngũ và tác phẩm VHNT trong sáng tác, nghiên cứu, lý luận, phê bình và thông tin quảng bá các giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm, công trình VHNT. Công tác xã hội hóa các hoạt động VHNT được đẩy mạnh, ngày càng có nhiều tổ chức xã hội và cá nhân tham gia bảo vệ và phát huy giá trị VHNT. Hoạt động sáng tác VHNT ở tỉnh ta có nhiều chuyển biến, nhiều CLB thơ ra đời, tập hợp những người yêu thơ, văn học và cũng là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ giàu tính nhân văn. Toàn tỉnh hiện có trên 400 đội văn nghệ quần chúng, 1.568 CLB sở thích với nhiều loại hình nghệ thuật dân gian phục vụ nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Huyện Giao Thủy có 6 CLB VHNT ở các lĩnh vực, bộ môn nghệ thuật: thơ, văn xuôi, nhiếp ảnh,… với gần 300 hội viên tham gia hoạt động thường xuyên. Đã có hàng chục tập thơ, tập ca khúc của hội viên các CLB VHNT trên địa bàn huyện được xuất bản. Nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh Giao Thủy có tác phẩm đạt giải cao trong nước và quốc tế. Việc đẩy mạnh phát triển phong trào sáng tác và trình diễn các tác phẩm VHNT quần chúng ở Giao Thủy đã khơi dậy tiềm năng sáng tạo VHNT trong nhân dân. Những năm gần đây Phòng VH, TT, Trung tâm VH, TT huyện đã tổ chức nhiều lớp dạy hát văn, hát chèo, qua đó phát hiện và bồi dưỡng các nhân tố mới làm hạt nhân để xây dựng các CLB văn nghệ quần chúng ở cơ sở như CLB chèo sân đình xã Giao Thanh, CLB đàn và hát dân ca phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng xã Giao Xuân… Một số môn thể thao dân gian như vật cổ truyền, bơi chải từng bước được khôi phục và phát triển.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động VHNT ở tỉnh ta vẫn còn những hạn chế. Đội ngũ sáng tác VHNT đa dạng, số lượng các tác phẩm VHNT nhiều, nhưng ít có tác phẩm hay, nhất là trong lĩnh vực văn xuôi và thơ. Tỉnh ta chưa có tác phẩm văn xuôi, thơ có giá trị tư tưởng lớn, phản ánh sinh động hiện thực của đất nước và của địa phương thời kỳ đổi mới. Các lĩnh vực sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc - múa, nhiếp ảnh gần đây chưa có tiếng vang. Hoạt động sáng tạo giữa các bộ môn, thể loại VHNT còn khá chênh lệch. Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới, các cấp uỷ Đảng, chính quyền cần quan tâm thực hiện tốt chính sách thu hút, đãi ngộ để văn nghệ sĩ có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển VHNT; khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn cuộc sống, gắn bó với đời sống của nhân dân; bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống của địa phương và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; đấu tranh phê phán, lên án những thói hư tật xấu, những hiện tượng tiêu cực. Xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ của nền VHNT trong thời kỳ mới. Tăng cường biện pháp xây dựng, phát triển văn nghệ quần chúng, hướng dẫn, khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo tác phẩm, bảo tồn, truyền dạy, phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của quê hương./.
Bài và ảnh: Việt Thắng