Bác Hồ với các liệt sĩ, thương binh

07:07, 27/07/2013

66 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, nhân dân ta đã đánh thắng những kẻ thù to lớn, giành thắng lợi trọn vẹn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa nước ta bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Với tinh thần "Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh", nhiều thế hệ những người con yêu nước, nhiều gia đình đồng bào ta đã hiến dâng cả cuộc sống, cả những người thân, hoặc hy sinh một phần thân thể của mình cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Bác Hồ viếng Nghĩa trang Liệt sĩ. Ảnh: TL
Bác Hồ viếng Nghĩa trang Liệt sĩ. Ảnh: TL

Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, ngày 27-7-1947, Hội đồng Chính phủ họp ở Đại Từ, Thái Nguyên, trong một khu rừng ở chiến khu Việt Bắc; theo lời đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 27-7 hằng năm là Ngày Thương binh. Và năm 1955, được đổi tên là Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Truyền thống biết ơn những người có công với nước, đặc biệt là những người đã hy sinh thân mình vì sự sống còn của dân tộc, đã trở thành truyền thống và đạo lý lâu đời của dân tộc ta. Đền thờ các Vua Hùng dựng nước và hàng vạn những ngôi đền, những đình làng thờ các vị anh hùng có công với nước, đã được tổ tiên ta dựng lên trên khắp đất nước, từ Nam chí Bắc. Những lễ hội, những đài hoa vẫn toả ngát thơm, truyền từ đời này sang đời khác, tưởng nhớ những anh hùng, liệt sĩ và những người có công với nước.

Nhân Ngày 27-7, chúng ta cùng nhau đọc lại bức thư của Bác Hồ gửi cho gia đình bác sĩ Vũ Đình Tụng:

"Tôi được báo cáo rằng: con giai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột…". Lời an ủi sâu sắc và tình cảm thương yêu của Bác Hồ đã làm gia đình bác sĩ Vũ Đình Tụng, một gia đình theo đạo Thiên chúa vơi đi nỗi nhớ thương.

Hôm ấy, cùng vào thăm Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh với chúng tôi là một đoàn các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở tận phía Nam. Nghe giới thiệu bức thư này của Bác, nhiều bà mẹ đã không ngăn được nước mắt. Thì ra nỗi đau của mỗi người, của mỗi gia đình Việt Nam, Bác Hồ đều thấu hiểu và cảm thông.

Trong một bức thư khác gửi đồng bào toàn quốc nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bác Hồ đã viết: "Các chiến sĩ liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào được sống. Ngày nay, bố mẹ họ mất một người con yêu quý. Vợ trẻ trở nên bà goá. Con dại trở thành mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài liệt sĩ. Tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được, và những liệt sĩ sẽ không thể tái sinh…

Và Người căn dặn chúng ta: "Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ".

Trong những ngày vui của dân tộc, Bác Hồ cũng không quên các liệt sĩ:

"Hỡi các liệt sĩ !

Ngày mai là năm mới (1-1-1955), là ngày đồng bào và bộ đội mừng chính phủ về Thủ đô. Trong lúc cả nước vui mừng thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc.

Tôi thay mặt nhân dân, Chính phủ và bộ đội kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sĩ…".

Và Bác viết "Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh. Một nén hương thanh, vài lời an ủi!".

Khi nói về sự kiện này, nhà thơ Xuân Diệu viết: "Đây không phải chỉ là lễ nghi rất mực trang trọng. Bác Hồ đã đặt trái tim của Bác trong mỗi lời nói. Bác dùng chữ "an ủi" là rất hiện thực và vô hạn thấm thía. Chính chữ "an ủi" đó coi các liệt sĩ như những người còn sống".

*

Chúng ta đều biết, lúc sinh thời, ngày 27-7 năm nào Bác cũng viết thư cho những thương binh và gia đình liệt sĩ. Nhưng không phải chỉ có những bức thư, trong kháng chiến chống Pháp gian khổ, hằng tuần Bác thường nêu gương nhịn ăn một bữa để giúp các chiến sĩ bị thương. Nhiều lần Bác đã gửi cả tháng lương của mình cho Ban tổ chức giúp đỡ thương binh.

Một lần các cán bộ ngoại giao công tác ở nước ngoài gửi về biếu Bác một chiếc máy điều hoà nhiệt độ. Thấy nhà Bác ở nóng bức, nhân lúc Bác đi công tác, anh em quyết định mắc máy điều hoà nhiệt độ vào phòng của Người. Trong máy này lại gắn thêm một bình bơm nhỏ tự động có chứa nước hoa. Khi máy hoạt động, nước hoa toả ra phảng phất một mùi thơm nhẹ nhàng.

Lúc Bác về, anh em đều hồi hộp chờ đợi ý kiến của Bác.

Đầu giờ làm việc buổi chiều, Bác gọi đồng chí Vũ Kỳ đến. Người nhẹ nhàng bảo:

- Chiếc máy điều hòa nhiệt độ này tốt đấy chú ạ. Chú nên đem đến cho quân y viện hoặc trại điều dưỡng thương binh. Hôm trước Bác đến thăm, thấy các chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần. Bác ở thế này là được rồi.

Đồng chí Vũ Kỳ đã hết lời đề nghị, nhưng Bác cũng không thay đổi ý kiến.

Còn đây là câu chuyện cảm động của anh thương binh hỏng mắt Hoàng Văn Vượng. Anh Vượng kể: Đêm ấy (11-2-1956) chúng tôi đang vui văn nghệ để đón giao thừa. Giữa cuộc vui tôi bỗng nghe thấy tiếng reo: "Bác đến! Bác đến! Bác Hồ đến, anh em ơi!". Cả hội trường lặng đi một giây, rồi ào lên những tiếng vỗ tay, reo mừng. Nhiều đồng chí lần tìm đường đi, làm xô cả bàn ghế vào nhau. Còn tôi đang ôm cây đàn để chuẩn bị biểu diễn nên cứ lúng túng, đứng lên ngồi xuống… Tôi cố lắng nghe xem Bác đã vào đến hội trường chưa, Bác đi đến chỗ nào rồi. Bỗng một giọng ấm áp, quen thuộc vang lên ngay trước mặt tôi:

- Thôi! Thôi! Các chú đừng hoan hô nữa cho mệt sức. Ngồi cả xuống ghế đi!

Trời, thì ra tôi lại được là người ngồi gần Bác nhất, tôi có cảm giác nếu mình giơ tay ra sẽ chạm vào Bác. Bác hỏi chuyện cặn kẽ và ân cần như một người cha đến thăm con. Bác hỏi từ các món ăn ngày Tết đến sức khoẻ và học tập.

- Thế các chú đã nhận được con cá của Bác biếu chưa?

- Thưa Bác chúng cháu đã nhận được rồi ạ! Chiều nay, chúng cháu đã được ăn cá của Bác rồi ạ!

Ngày 30 Tết năm ấy, một đơn vị nuôi cá bắt được một con cá trắm rất to, nặng tới 23kg. Anh em bảo nhau đem lên biếu Hồ Chủ tịch, để Bác ăn tết. Nhận cá xong, cảm ơn đơn vị, rồi Bác bảo Văn phòng chuyển con cá trắm to đó đến biếu các chú thương binh hỏng mắt!

Bỗng một đồng chí thương binh hỏng mắt hướng về phía Bác nói:

- Thưa Bác, hồi này Bác có được khoẻ không ạ?

Bác cười:

- Thế các chú có muốn Bác khoẻ không?

Chúng tôi đồng thanh trả lời: Thưa Bác có ạ!   

Bác nói tiếp:

- Nếu muốn Bác khoẻ, Bác vui, thì các chú phải giữ gìn sức khoẻ tốt, phải chăm học tập… Các chú tàn chứ không phế!

Giọng Bác cảm động, ngừng lại. Chúng tôi như nuốt lấy từng lời của Bác.

Còn biết bao câu chuyện cảm động khác kể về tình cảm của Bác đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với nước. Ngày nay Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đã tôn vinh các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Nhưng từ những năm 1952, trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ác liệt, Bác Hồ cũng đã viết:

"Nhân dịp 8 tháng 3, tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc. Tôi kính chào các bà mẹ có con trong bộ đội và các bà mẹ cùng các vợ con của các liệt sĩ…".

Bác cảm ơn và ca ngợi những bà mẹ Việt Nam đã hoà lẫn lòng yêu nước, yêu con, yêu chiến sĩ thành một tình thương yêu không bờ bến mà giúp đỡ chiến sĩ, săn sóc thương binh.

Ngày 27-7 là dịp để toàn dân ta tỏ lòng "Hiếu nghĩa, bác ái", biểu lộ truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Nhân hậu thuỷ chung" của dân tộc ta. Và đây cũng là dịp để chúng ta thực hiện tốt Di chúc của Bác Hồ kính yêu:

"… Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (Cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong) Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn. Đồng thời phải mở những lớp dạy nghề, thích hợp với mỗi người để họ dần dần có thể tự lực cánh sinh…

Đối với các liệt sĩ, thì mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm, ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta".

Lại nhớ một lần Bác đến thăm một gia đình liệt sĩ. Được Bác đến thăm cả nhà rất vui mừng. Chị chủ nhà khoe với Bác đã làm được nhà mới, con cháu đã được vào đại học, đời sống gia đình chị giờ đã khá giả hơn trước. Nhưng chị bỗng thoáng buồn, chị nói với Bác:

- Giá như nhà cháu còn sống mà thấy cảnh này thì thật thoả lòng. Nhà cháu hy sinh ở mặt trận Hoà Bình, Bác ạ!

Bác Hồ xúc động, an ủi chị:

- Ngay từ những ngày đầu kháng chiến, chúng ta đều biết không phải mọi người đều sẽ về tới đích. Chắc chắn sẽ phải chịu nhiều đau thương, mất mát. Một số đồng chí đã ngã xuống, chúng ta sẽ không bao giờ quên công ơn của họ. Sự biết ơn của Tổ quốc đối với họ không phải là những lời nói suông!

Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với liệt sĩ, thương binh, cũng chính là tình cảm thiêng liêng, uống nước nhớ nguồn, nhân nghĩa thuỷ chung của dân tộc ta, của mỗi người Việt Nam chúng ta!

Bùi Công Bính
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com