NGUYỄN THỊ BÌNH
Nguyên Phó Chủ tịch nước
Vừa qua, một hoạt động chính trị được dư luận xã hội hết sức quan tâm là việc Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một số chức danh do Quốc hội bầu ra hoặc phê chuẩn. Mặc dù đây là lần đầu tiên có một sinh hoạt dân chủ như thế, nhưng nó đã diễn ra đúng pháp luật, công khai, dân chủ, phản ánh đúng tình hình kinh tế - xã hội của nước ta, như nhận xét của đồng chí Chủ tịch Quốc hội. Và ngay sau đó, kết quả được công bố đầy đủ, công khai.
Theo ý kiến của nhiều đảng viên và nhân dân, kết quả là tích cực, phản ánh tương đối tâm tư và nguyện vọng của nhân dân và phần nào góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào chế độ. Các đại biểu Quốc hội đã làm nhiệm vụ là đại diện cho cử tri của mình khi đánh giá công việc của các vị lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội. Nếu có phần nào chưa thật chính xác thì có thể là do chưa có thông tin đầy đủ.
Về phía các đồng chí được bỏ phiếu tín nhiệm, có thể thấy những đồng chí có những hoạt động cụ thể, trực tiếp với địa phương, với nhân dân được xem xét kỹ lưỡng hơn các đồng chí hoặc do công việc ít va chạm, hoặc do các đại biểu Quốc hội chưa hiểu hết công việc của các đồng chí đó.
Dù có những vấn đề cần tiếp tục suy nghĩ, rút kinh nghiệm, nhưng nhìn chung đây là một hoạt động thành công. Người bỏ phiếu tín nhiệm cũng như người được bỏ phiếu tín nhiệm có dịp nhìn lại mình, để rồi sẽ phát huy những ưu điểm và khắc phục những khuyết điểm của bản thân, làm cho bộ máy Nhà nước chúng ta hoạt động ngày càng có hiệu lực, được lòng dân hơn, và từ đó làm cho Đảng ta cũng ngày thêm vững mạnh. Mỗi chúng ta, là đảng viên, là công dân cũng không thể không suy nghĩ về trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Trước mắt, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội thành công giúp cho Đảng và trực tiếp là Quốc hội có kinh nghiệm để lãnh đạo HĐND các cấp tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm các cán bộ lãnh đạo trong chính quyền và HĐND ở từng cấp, được HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND các cấp có ý nghĩa quan trọng, vì đây là những cấp lãnh đạo mà hoạt động hằng ngày trực tiếp với dân. Vì vậy, nếu có sự đánh giá công tâm, khách quan, sẽ có tác dụng tốt, động viên những cán bộ có năng lực, làm việc vì lợi ích của nhân dân; và ngược lại, cũng làm rõ những cán bộ yếu kém.
Tuy nhiên, cũng phải thấy cái khó của các đại biểu HĐND. Do cùng ở trong địa phương, do mối quan hệ gần gũi giữa đại biểu Hội đồng với các cán bộ lãnh đạo chính quyền, các đại biểu HĐND dễ có tâm lý nể nang, ngại va chạm, và cũng có thể có cả việc vận động cá nhân làm cho việc bỏ phiếu chưa phản ánh thật chính xác. Các cấp ủy Đảng cần quan tâm làm công tác tư tưởng cho cả hai bên để kết quả bỏ phiếu được công tâm, khách quan.
Chúng ta mong rằng tinh thần và kinh nghiệm tốt của cuộc tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm vừa qua ở Quốc hội, một hoạt động giám sát trực tiếp cán bộ chủ chốt của Đảng, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, sẽ có tác động không những đối với việc bỏ phiếu tín nhiệm ở HĐND các cấp, mà còn tác động đến các hoạt động chính trị khác của Đảng và Nhà nước, nhằm tăng thêm tính dân chủ, và để Đảng, chính quyền sát với dân hơn. Làm được điều đó, sẽ tạo một chuyển biến về ý thức của nhiều người và góp phần làm cho nhân dân thêm lòng tin và quyết tâm giải quyết những vấn đề bức xúc về kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay./.
Theo Nhân dân