Một trong những trọng tâm chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là việc hai người đồng cấp đã trao đổi ý kiến thẳng thắn và nhất trí duy trì đối thoại thường xuyên về vấn đề trên biển, nghiêm túc thực hiện thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc; giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tìm kiếm và trao đổi các giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; xử lý thoả đáng các vấn đề nảy sinh, không để ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của quan hệ hai nước cũng như hoà bình, ổn định tại Biển Đông.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Tại các cuộc hội đàm, tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao của bạn, lãnh đạo hai nước đã nhất trí thực hiện toàn diện, có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Trong thời gian tới, Việt Nam và Trung Quốc tích cực triển khai các dự án đã thoả thuận liên quan các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển.
Đặc biệt, về phần mình, Chủ tịch Trương Tấn Sang nhấn mạnh, vấn đề nghề cá liên quan đến đời sống và lợi ích của hàng triệu ngư dân Việt Nam, đề nghị hai bên cần tăng cường phối hợp, xử lý thỏa đáng vấn đề này, bảo đảm lợi ích, quyền lợi chính đáng của ngư dân. Chủ tịch Trương Tấn Sang đề nghị Bộ NN và PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, trong thời gian tới cần phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả Thoả thuận về việc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển được ký kết nhân dịp này.
Kết thúc chuyến thăm nói trên của Chủ tịch Trương Tấn Sang, Việt Nam và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung, nêu rõ: "Hai bên nhất trí dựa trên nguyên tắc dễ trước khó sau, tuần tự tiệm tiến, gia tăng cường độ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này, trong năm nay khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, sớm xác định khu vực và lĩnh vực hợp tác để thực hiện nhiệm vụ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Hai bên hoan nghênh Thỏa thuận sửa đổi liên quan tới Thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ được ký kết giữa doanh nghiệp hữu quan hai nước, nhất trí mở rộng diện tích khu vực thỏa thuận, kéo dài thời hạn thỏa thuận, cùng nhau thúc đẩy hoạt động thăm dò chung đối với cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định trong Vịnh Bắc Bộ sớm đạt được tiến triển tích cực”.
Theo đó, Việt Nam và Trung Quốc nhất trí gia tăng mật độ đàm phán của Nhóm công tác chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển Việt Nam - Trung Quốc, trong năm nay thực hiện một đến hai dự án hợp tác trong số ba dự án đã thỏa thuận, bao gồm Dự án về phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, Dự án hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ và Dự án nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang; tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển, phòng chống thiên tai và kết nối giao thông trên biển.
Trước khi tranh chấp trên biển được giải quyết dứt điểm, hai bên nhất trí giữ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, đồng thời sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để các vấn đề này ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Việt Nam - Trung Quốc cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông. Hai bên nhất trí thực hiện toàn diện, có hiệu quả "Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông./.
Theo Nhân dân