Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt

07:06, 11/06/2013

Sáng qua 10-6, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành các thủ tục để đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh do mình bầu hoặc phê chuẩn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã báo cáo một số vấn đề về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 35 của Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. "Đây là lần đầu tiên Quốc hội dùng quyền giám sát tối cao của mình đối với vấn đề nhân sự. Đây cũng là lần đầu tiên của thế giới vì chưa nước nào làm như chúng ta cả, rất đặc biệt", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chính các đại biểu sẽ thay mặt cử tri và đồng bào cả nước thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng là đánh giá các chức danh chủ chốt trong bộ máy nhà nước mà chính các đại biểu đã bầu từ đầu nhiệm kỳ. Quốc hội sẽ cân nhắc cẩn trọng, công tâm và thực sự khách quan trong đánh giá.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng báo cáo một số vấn đề về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng báo cáo một số vấn đề về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN

Sau đó, các đại biểu đã biểu quyết danh sách những người được Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm trước khi thảo luận ở đoàn. Tỷ lệ tán thành là 95%. Vào lúc 15h chiều qua, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở Đoàn và báo cáo về các vấn đề có liên quan việc lấy phiếu tín nhiệm và người được lấy phiếu tín nhiệm.

Quốc hội bầu ban kiểm phiếu và tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với hình thức bỏ phiếu kín. Sáng 11-6, kết quả kiểm phiếu được công bố. Kết quả này cũng sẽ được xác nhận ngay bằng một nghị quyết của Quốc hội. Kết quả tín nhiệm của từng chức danh sẽ được công khai chi tiết, cụ thể theo trị số tuyệt đối bao nhiêu phiếu mỗi loại gồm “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”.

Do lấy phiếu được xác định là “bước thăm dò tín nhiệm” nên chỉ khi một chức danh bị trên 50% đánh giá “tín nhiệm thấp” mới dẫn đến hệ quả tiếp theo. Theo đó, nếu lần lấy phiếu trong năm kế tiếp, chức danh này tiếp tục không đạt quá bán tín nhiệm thì sẽ chuyển qua hình thức bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, nếu ngay trong lần lấy phiếu đầu tiên, nếu một chức danh bị trên 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” cũng sẽ chuyển sang hình thức bỏ phiếu tín nhiệm.

Theo Nghị quyết 35 của Quốc hội, danh sách các chức danh lấy phiếu gồm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thủ tướng, Phó Thủ tướng, bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Tổng Kiểm toán Nguyễn Hữu Vạn là 2 chức danh vừa được bổ nhiệm, điều chuyển vào đầu kỳ họp, chưa đủ một năm công tác nên chưa lấy phiếu. Danh sách này vì thế sẽ rút từ 49 xuống còn 47 người./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com