Sáng 11-6, Quốc hội đã biểu quyết, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh chủ chốt với tỷ lệ 471/477 (chiếm 94,58%) đại biểu tán thành. Đây là cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên ở Quốc hội.
Trước đó, thay mặt Ban kiểm phiếu, Trưởng ban Đỗ Văn Chiến đã lần lượt công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh chủ chốt. Kết quả cho thấy, không lãnh đạo cấp cao nào có số phiếu tín nhiệm thấp quá bán. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được 330 phiếu tín nhiệm cao, 133 tín nhiệm và 28 tín nhiệm thấp trong tổng số 492 đại biểu có mặt. Số phiếu tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp đối với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là 328; 139 và 25; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là 210; 122; 160.
Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm 47 chức danh vào chiều 10-6. |
Phát biểu sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh được Quốc hội bầu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vui mừng cho rằng, Quốc hội đã hoàn thành việc thay mặt đồng bào cả nước đưa ra mức tín nhiệm đối với 47 chức danh này. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là lần đầu tiên Quốc hội làm việc này, kinh nghiệm chưa có, còn để xảy ra nhiều thiếu sót, nhưng kết quả nhìn chung đã phản ánh được tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của cả nước. Nhìn chung cách đánh giá của đại biểu Quốc hội là khá khách quan, có loại phiếu tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Những đại biểu được lấy phiếu tín nhiệm có trọng trách liên quan đến những lĩnh vực lớn, lĩnh vực nóng, đứng mũi chịu sào như ngân hàng, y tế, giáo dục, xây dựng… thì Quốc hội đòi hỏi trách nhiệm cao hơn. Phiếu tín nhiệm cao của Quốc hội là nguồn động viên, khích lệ, cũng như đánh giá khách quan của đất nước ta trong thời gian qua. Những phiếu tín nhiệm thấp thì người được lấy phiếu tín nhiệm cần phải hoàn thành tốt hơn trách nhiệm. Quốc hội đặt niềm tin vào các vị trí này sẽ phấn đấu hoàn thành tốt trong thời gian tới. Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, kinh nghiệm của việc lấy phiếu tín nhiệm lần này sẽ được áp dụng không chỉ để làm tốt ở kỳ họp Quốc hội vào những năm sau, mà còn để HĐND cả nước, HĐND các cấp tiến hành lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm một cách thận trọng, khách quan và chính xác.
Cũng trong sáng ngày 11-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tiếp công dân.
Trong chương trình làm việc buổi chiều, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014. Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014./.
Theo Nhân dân