Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn

07:06, 14/06/2013

Thực hiện chương trình giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII, bắt đầu từ chiều 12-6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn dự kiến kéo dài 2,5 ngày. Chương trình đã mở đầu với việc Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Tính đến trưa 12-6, đã có 156 chất vấn của 68 đại biểu thuộc 40 đoàn gửi đến Quốc hội. Ba bộ trưởng trả lời chất vấn kỳ họp này là Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Phạm Thị Hải Chuyền; Bộ trưởng Bộ VH, TT và DL Hoàng Tuấn Anh và Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hoà Bình, Bộ trưởng Bộ TT và TT Nguyễn Bắc Son cũng sẽ kết hợp trả lời trong nội dung chất vấn liên quan tới vấn đề văn hoá.

Trước khi Quốc hội chính thức bước vào chất vấn, Trưởng ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền đã trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn. Các ban, ngành đã nhận và xử lý 1.487/1.487 kiến nghị của cử tri cả nước.

Chất lượng thấp, đầu vào nhập khẩu nhiều

Các đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (đoàn Yên Bái), Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) đặt ra câu hỏi về giải pháp trước tình trạng nông sản bị cạnh tranh gay gắt, sản phẩm khó tiêu thụ, người nông dân bị lỗ kép, doanh thu suy giảm nghiêm trọng nhưng chi phí đầu vào vẫn tăng. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) nêu lên thực tế, năng suất nông sản tăng nhưng chất lượng nông sản lại thấp so với một số nước trong khu vực, dẫn đến hàng hoá ứ đọng, được mùa rớt giá. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, có nơi dùng liều lượng quá tiêu chuẩn cho phép 30-35%.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trả lời chất vấn.

Các đại biểu Lù Thị Lừu (đoàn Lào Cai) và Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội) đều lo ngại trước thực trạng giống lúa kém, phân bón giả gây thiệt hại nặng cho nông dân. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hoa (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị làm rõ xem hiện nay nước ta đã chủ động được bao nhiêu phần trăm về cây giống, hạt giống, con giống, thuốc cho cây trồng, vật nuôi? Dẫn con số 70% thức ăn chăn nuôi do doanh nghiệp nước ngoài sản xuất, đại biểu Hoa đặt câu hỏi: Nền nông nghiệp Việt Nam liệu có nguy cơ lệ thuộc nước ngoài về đầu vào hay không?

Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn. Bộ đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp và để tạo chuyển biến mạnh mẽ, lâu dài của ngành nông nghiệp, bộ đã nỗ lực triển khai tái cơ cấu ngành, rà soát lại để xác định những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, thế mạnh của từng vùng. “Giống nhiều loại của nước ta còn thua kém so với các nước tiên tiến nên phải điều chỉnh quyết liệt. Khuyến khích chế biến thức ăn công nghiệp, tăng nguyên liệu trong nước để giảm giá thành thức ăn. Chuyển dần theo hướng chăn nuôi công nghiệp để đạt hiệu quả cao hơn. Phải thực hiện đồng bộ các biện pháp để người nông dân có lãi” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, các loại giống cây trồng, vật nuôi cơ bản ta sản xuất trong nước và bác bỏ thông tin giống lúa 60-70% nhập ngoại. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận ở miền Bắc nhập khẩu 70-75% giống lúa lai của Trung Quốc. Theo bộ trưởng, bộ đã tạo điều kiện cho các nhà khoa học trong nước tạo ra lúa lai nhưng chất lượng nhiều giống chưa bằng nước ngoài nên phải tiếp tục nhập khẩu. Với phân bón, nước ta không có nguồn ka-li nên nhập hầu hết, còn phân đạm tự chủ được 2/3. Thuốc bảo vệ thực vật thì chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu về đóng gói. Vắc-xin sản xuất được một số loại còn cúm gia cầm, tai xanh phải nhập từ nước ngoài. Về thức ăn chăn nuôi, phải nhập khẩu ngô, đỗ tương và lúa mì để chế biến với khoảng 33% nguyên liệu.

Mới cho thôi việc… 7 kiểm lâm “tiếp tay” phá rừng

Nhiều đại biểu đã chất vấn về nạn phá rừng. Bộ trưởng cho biết đã thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn song tình trạng này “vẫn xảy ra gay gắt ở nhiều nơi”. Bộ cũng đang triển khai đề án nâng cao năng lực của lực lượng kiểm lâm, trong số 12.000 cán bộ kiểm lâm đã đưa về xã 5.500 người. Thừa nhận “trong dư luận nhiều ý kiến cho rằng có tiếp tay của cán bộ kiểm lâm biến chất gây ra phá rừng”, song bộ trưởng lại cho biết mới chỉ xử lý… buộc thôi việc 7 người. Về lâu dài, ông Cao Đức Phát cho rằng, cần tiếp tục thực hiện giao đất, bán rừng, thu phí dịch vụ môi trường rừng để tăng cường nguồn kinh phí…

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nêu thực tế, từ năm 2006-2012 có gần 20.000ha rừng ở 29 tỉnh, thành phố được chuyển xây dựng thuỷ điện. Theo quy định thì phải trồng bù rừng nhưng đến nay tỷ lệ trồng rất ít.

Về vấn đề trên, cả Bộ trưởng Bộ NN và PTNT và Bộ trưởng Bộ Công thương đều chỉ ra nguyên nhân do các doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm túc và một phần do việc bố trí đất đai để trồng rừng thay thế gặp khó khăn. Giải pháp được hai bộ đưa ra là một mặt phải chỉ đạo kiên quyết, một mặt nên cho phép các doanh nghiệp nộp tiền vào ngân sách rồi phân bổ cho các địa phương khác có điều kiện đất đai hơn để trồng rừng. Tán thành kiến nghị này, Chủ tịch Quốc hội nói: “Hai bộ trưởng cùng nhất trí rồi. Tôi đề nghị các đồng chí phối hợp báo cáo Chính phủ đề án này để thực hiện, đến kỳ họp thứ 6 cuối năm nay báo cáo luôn đề án được duyệt chưa, trồng được bao nhiêu, chỗ nào không trồng được?”.

Gói hỗ trợ cho nông dân, tại sao không?

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà đã chất vấn sự việc hàng nghìn héc-ta ruộng cấy giống lúa BC15 do Tổng Cty Giống cây trồng Thái Bình cung cấp bị lép hạt. Bộ trưởng Cao Đức Phát giải thích: Đây là giống lúa có năng suất cao, chất lượng gạo khá ngon, được trồng 100.000ha nhưng vừa qua có khoảng 20.000ha lép hạt. Nguyên nhân do có nơi lúa trỗ đúng vào dịp gió mùa Đông Bắc, nhiệt độ năm nay xuống quá thấp nên lúa bị lép. Các nhà khoa học đã xác minh. Riêng tỉnh Vĩnh Phúc vẫn cho rằng do giống kém nên vừa qua bộ đã tổ chức khảo nghiệm lại và kết luận nguyên nhân do thời tiết. “Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ cho đây là một thiệt hại do thiên tai, đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ nông dân. Riêng Tổng Cty Giống cây trồng Thái Bình đã hỗ trợ nông dân 1.000 tấn giống” - Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết.

Dường như vấn đề hỗ trợ nông dân đã chạm “trúng” vào tâm tư nhiều đại biểu nên khi đại biểu Phạm Xuân Thường (đoàn Thái Bình) phát biểu chuyện con ngao và hạt gạo thì cả hội trường có vẻ “xôn xao” trong giây lát. Đại biểu này cho biết, khi thiên tai xảy ra thì Nhà nước thường có hỗ trợ với nhiều loại cây trồng, vật nuôi nhưng chỉ có riêng con ngao thì chưa được hỗ trợ. Vừa qua, ở Thái Bình có nhiều hộ ngao chết thiệt hại nhiều tỷ đồng, rất cần được hỗ trợ. Ở Thái Bình trong chương trình xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện nhiều cánh đồng mẫu lớn nhưng tiêu thụ lúa tiếp tục gặp khó khăn, cần có chủ trương mua tạm trữ lúa gạo như ở phía Nam.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ khó khăn với ngành nông nghiệp cho rằng, “các giải pháp của bộ trưởng còn “hiền” quá”. Đại biểu này cũng đề nghị “Bộ trưởng mạnh mẽ hơn và kiến nghị những “gói hỗ trợ” cụ thể đối với nông dân”.

Kết thúc buổi chất vấn, có tới 8 đại biểu tiếp tục nêu câu hỏi đối với Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Hôm qua 13-6, chương trình chất vấn và trả lời chất vấn bước sang ngày thứ 2. Các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành được giao phụ trách.

Trong phiên trả lời chất vấn đầu tiên tại Quốc hội diễn ra vào chiều 12-6, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát đã trả lời chất vấn của các đại biểu về nhóm vấn đề như thuỷ điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, chính sách đối với người sản xuất nông nghiệp, các giải pháp ngăn chặn tình trạng thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, quản lý Nhà nước về giống cây trồng, bảo vệ rừng và xử lý cán bộ kiểm lâm vi phạm…

Sáng ngày 13-6, Bộ trưởng Cao Đức Phát tiếp tục phần trả lời chất vấn (các Bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan phát biểu giải trình thêm). Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN và PTNT.

Cũng trong sáng 13-6, Bộ trưởng Bộ VH, TT và DL Hoàng Tuấn Anh là người thứ 2 trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về những vấn đề trong lĩnh vực VH, TT và DL. Bộ trưởng các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.

Trong chương trình làm việc buổi chiều, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng các bộ: Tài chính, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao, Công an và Quốc phòng tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com