Hôm qua 18-6, Quốc hội thảo luận Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và thông qua Luật Khoa học và Công nghệ.
Quốc hội đã nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội.
Với 447 phiếu tán thành (chiếm 89,76%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội.
Theo đó, Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2014 của Quốc hội gồm 41 dự án, trong đó có 30 dự án Luật và 2 Nghị quyết, Pháp lệnh sẽ được thông qua, 11 dự án Luật khác sẽ được Quốc hội cho ý kiến.
Trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, Nghị quyết bổ sung vào Chương trình các dự án sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 5 các dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng.
Bổ sung vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ năm và thông qua tại kỳ họp thứ sáu các dự án: Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Việc làm.
Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN |
Bổ sung vào Chương trình các dự án sẽ được cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu các dự án: Luật Hải quan (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đầu tư công; Luật Hộ tịch. Rút khỏi Chương trình năm 2013 các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Bổ sung vào Chương trình năm 2013 dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH10 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.
Cũng theo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2014 các dự án: Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Luật Về hội, Luật Biểu tình, Luật Trưng cầu dân ý, Luật Quy hoạch, Luật Đô thị, Luật Tiền lương tối thiểu và Luật Thú y. Với các đề nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu, bổ sung dự án Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự vào Chương trình năm 2014 để cho ý kiến tại kỳ họp thứ tám. Dự án Luật Quản lý ngoại thương sẽ được chuyển sang Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 để có thời gian nghiên cứu làm rõ thêm mối quan hệ với một số luật khác. Đối với các dự án còn lại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây đều là các dự án đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục soạn thảo để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình các năm tiếp theo khi đã được chuẩn bị kỹ.
Trong buổi thảo luận Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) chiều ngày 6-6, các đại biểu Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về đánh giá một số vấn đề lớn, đó là việc ban hành quy phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến việc thực hiện vốn trái phiếu Chính phủ; việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó tập trung đánh giá những mặt được, những tồn tại hạn chế của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Các đại biểu đã phân tích, đánh giá trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đối với các sai phạm, hạn chế trong công tác quản lý sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và đưa ra các giải pháp xử lý, nhất là với các dự án đang triển khai một cách hiệu quả.
Phiên thảo luận Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sáng qua đã được truyền hình và phát thanh trực tiếp.
Thời gian làm việc buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi). Sau đó, các đại biểu thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.
Theo Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này tiếp tục khẳng định mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng. Mọi cá nhân, tổ chức tham gia thi đua đều được xem xét, tặng thưởng các danh hiệu thi đua nếu đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định; cá nhân, tập thể lập được thành tích xuất sắc, có công trạng trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc sẽ được ghi nhận biểu dương, khen thưởng.
Về việc xét tặng danh hiệu “Vinh dự Nhà nước”, dự thảo quy định, thời điểm xét, đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động) 5 năm 1 lần vào dịp Đại hội Thi đua yêu nước các cấp thay cho xét tặng hằng năm như hiện nay; thời điểm xét tặng danh hiệu “Vinh dự Nhà nước” là 3 năm 1 lần thay cho 2 năm 1 lần như hiện nay, nhằm nâng cao giá trị tôn vinh.
Thời điểm xét tặng “Giải thưởng Nhà nước” cũng là 5 năm 1 lần thay cho 2 năm 1 lần như hiện nay, để thống nhất với việc xét “Giải thưởng Hồ Chí Minh” 5 năm xét tặng 1 lần./.
Theo Nhân dân