Là người khởi xướng phong trào thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo và động viên lực lượng toàn dân, phát động phong trào thi đua ái quốc sôi nổi, rộng khắp và mạnh mẽ, tạo ra sức mạnh to lớn, góp phần đắc lực vào công cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc ta.
Ngày 11-6-1948, trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Bác viết:
"Cách làm là, dựa vào:
Lực lượng của dân
Tinh thần của dân, để gây:
Hạnh phúc cho dân".
Cũng trong ngày kêu gọi thi đua ái quốc này, trên báo Cứu quốc số 966, Bác viết: "Mỗi một người dân phải hiểu có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do. Đã đoàn kết ta phải đoàn kết chặt chẽ, rộng rãi thêm. Đã cố gắng, ta phải hăng hái mà cố gắng mãi. Mỗi một người phải lấy việc xung phong trong phong trào thi đua ái quốc là nhiệm vụ thiêng liêng của mình, phải cố làm cho được".
Hồ Chủ tịch với các Anh hùng và Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước. Ảnh: TL |
Ngày 1-8-1949, tổng kết một năm thi đua, Bác Hồ lại viết: "Còn nhiều nơi nhân dân, mà trước hết là cán bộ, chưa hiểu thật rõ ràng ý nghĩa của phong trào thi đua ái quốc. Tưởng lầm rằng thi đua là làm một việc khác với những công việc hằng ngày. Thật ra, công việc hằng ngày chính là nền tảng của thi đua, thí dụ: Từ trước đến giờ ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, mặc, ở cho sạch sẽ, cho hợp vệ sinh, cho khỏi đau ốm. Xưa nay ta vẫn làm ruộng, nay ta thi đua làm cho đất ruộng tốt hơn, sản xuất được nhiều hơn. Mọi việc đều thi đua như vậy.
Bác cũng nhắc nhở kế hoạch thi đua phải sát với hoàn cảnh, sát với địa phương. Đừng đặt kế hoạch to quá rồi không làm nổi. Cũng đừng đặt nhiều kế hoạch quá mà nhân dân bù đầu không biết nên theo kế hoạch nào. Trong thi đua, cũng cần phải trao đổi những kinh nghiệm hay và chưa hay để các nơi khác học tập. Thi đua phải tổng kết, rút kinh nghiệm. Thi đua phải gắn liền với khen thưởng. "Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch". Khen thưởng phải đúng người, đúng việc, đúng với thành tích thì mới có tác dụng tốt.
Và Bác căn dặn: "Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình, và ích lợi cho làng, cho nước… Mỗi người dân đều hiểu rõ thì tất cả mọi khó khăn đều giải quyết được".
Theo lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước đây, biết bao phong trào thi đua ái quốc sôi nổi và mạnh mẽ đã diễn ra trên đất nước ta. Những phong trào "Một người làm việc bằng hai", "Gió Đại Phong", "Sóng Duyên Hải", "Cờ Ba Nhất", phong trào "Ba Sẵn Sàng", "Ba Đảm Đang", phong trào "Cánh đồng Năm tấn" trên đồng ruộng. Phong trào "Trống Bắc Lý", "Dạy tốt, học tốt" trong nhà trường. Phong trào "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, rồi các phong trào "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng", "Tiếng hát át tiếng bom", "Đồng Khởi", "Một tấc không đi, một ly không rời"… đã nhân lên gấp bội sức mạnh Việt Nam. Và chính sức mạnh thi đua to lớn ấy đã trở thành lực lượng vật chất, góp phần đánh thắng kẻ thù xâm lược và góp phần xây dựng đất nước ta ngày một phát triển mạnh mẽ. Phong trào thi đua ái quốc đã góp phần viết nên những trang sử oai hùng, tạo ra những anh hùng dũng sĩ, những chiến sĩ thi đua, những người tốt, việc tốt… những bông hoa của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã viết: "Dân tộc ta trong cuộc thử thách nghiêm trọng ấy, đã sống những ngày cách mạng sôi nổi nhất, lạc quan nhất, đầy tự hào nhất về lịch sử đối với dân tộc mình và đối với cả loài người tiến bộ. Trẻ em khôn trước tuổi, người già như trẻ lại, phụ nữ đảm đang tất cả mọi việc - từ đồng áng đến quân cơ. Thanh niên tiến ra mặt trận với đội ngũ trùng trùng, điệp điệp… Người chết yên nghỉ sau khi đã làm tròn nhiệm vụ vẻ vang, người sống đua tài, thi sức, giết giặc lập công. Tất cả đều nô nức diệt thù, cứu nước, cứu nhà với một tinh thần dũng cảm, ngoan cường và thanh thản lạ thường giống hệt như tư tưởng, tình cảm vĩ đại và phong cách cao quý của Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Trương Định và Hồ Chí Minh…".
Trong những năm đổi mới vừa qua, nhân dân cả nước ta lại tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng, thực hiện phong trào thi đua ái quốc, đoàn kết phát huy tài năng và trí tuệ, thi đua lao động dũng cảm, đưa sự nghiệp CNH-HĐH của đất nước ta đến những thắng lợi rực rỡ như mong ước của Bác Hồ:
"Còn non, còn nước, còn người.
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay".
Thi đua ngày nay không phải chỉ có sản xuất, mà còn phải thi đua tiết kiệm, thi đua làm giàu chính đáng, thi đua phục vụ nhân dân tốt nhất, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Nói đến thi đua ái quốc, chúng ta lại nhớ đến lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: "Thi đua là yêu nước, Yêu nước thì phải thi đua. Những người thi đua là những người yêu nước nhất". Thi đua không phải là cái gì cao xa, mà đó chính là phấn đấu làm tốt nhất những công việc hằng ngày.
Trong phong trào thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý đến những người lãnh đạo phong trào. Đó phải là những con người có uy tín, năng động, có nhiều sáng kiến.
Xin được kể lại một câu chuyện nhỏ: Cụ Hoàng Đạo Thuý là một nhà văn hoá nổi tiếng. Trước Cách mạng Tháng Tám cụ phụ trách phong trào hướng đạo Đông Dương - Một tổ chức thanh niên có xu hướng tiến bộ, yêu nước, gồm nhiều trí thức ưu tú như Phạm Ngọc Thạch, Trần Duy Hưng, Tôn Thất Tùng… Cụ đã được gặp Bác Hồ khi lên họp Quốc dân đại hội tại Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang, và sau đó được cử làm hiệu trưởng đầu tiên của trường Võ bị lục quân Trần Quốc Tuấn, trường do Bác Hồ đặt tên. Trong kháng chiến chống Pháp, cụ là Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc đầu tiên của quân đội ta. Tháng 6 năm 1948, khi Bác Hồ viết lời kêu gọi Thi đua ái quốc, một hôm cụ nhận được một bức thư của Bác. Thư viết ngắn gọn:
Gửi ông Hoàng Đạo Thuý
Lão đồng chí!
Nay có một việc rất quan trọng, cần một người có sáng kiến, nhiều kinh nghiệm và tính xốc vác. Tức là việc làm Tổng Bí thư cho Ban Thi đua Trung ương.
Tôi muốn nhờ đồng chí phụ trách việc ấy, chắc đồng chí sẽ không từ chối. Vẫn biết bên quốc phòng và Tổng Chỉ huy cũng cần đồng chí giúp. Song nếu đồng chí bằng lòng, thì tôi sẽ tìm cách thu xếp.
Chào thân ái và quyết thắng.
Hồ Chí Minh
Và thế là cụ Hoàng Đạo Thuý đã được chuyển sang giúp việc cho cụ Tôn Đức Thắng, Trưởng Ban Thi đua Trung ương.
Sau đó ít lâu, Bác Hồ lại gửi tặng cụ Hoàng Đạo Thuý một chiếc quạt giấy do nhân dân huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ tặng Bác. Và Bác nói vui: "Chú dùng cái quạt này để quạt cho phong trào mạnh lên”!
Bùi Công Bính