Huy động tâm huyết, trí tuệ của nhân dân trong tỉnh góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

08:04, 02/04/2013

Thực hiện Nghị quyết số 563 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định số 239 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, từ đầu tháng 2-2013 đến nay, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai việc tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Các ý kiến đóng góp đều bày tỏ mong muốn việc sửa đổi Luật Đất đai phải phù hợp với Cương lĩnh chính trị, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội, phù hợp với đường lối đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi thành viên trong toàn xã hội đối với việc quản lý và sử dụng đất đai; bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, đồng thời đảm bảo vừa quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài nguyên đất, vừa dân chủ, công khai, minh bạch, thuận tiện cho người sử dụng đất thực hiện các quyền và giám sát các cơ quan Nhà nước, nhằm hạn chế tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai cũng như đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Đất đai với các luật khác có liên quan và thống nhất quản lý Nhà nước về đất đai từ Trung ương đến cơ sở. Các ý kiến đóng góp tập trung vào các vấn đề: giao đất, cho thuê đất, vấn đề bỏ việc thực hiện quy hoạch cấp xã; quy định bắt buộc đăng ký đất đai đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; thời hạn sử dụng đất, thu hồi đất, định giá đất và hạn mức giao đất nông nghiệp... Nhiều ý kiến cho rằng một số nội dung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn dàn trải, chưa giải quyết triệt để những vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong quản lý và sử dụng đất hiện nay. Trong Chương I - Những quy định chung, tại điều 1, nên thay cụm từ "người sử dụng đất", bằng cụm từ "chủ thể sử dụng đất" hoặc "đối tượng sử dụng đất". Trong Chương II, Điều 15 khoản 1 quy định "Nhà nước thu hồi đất... và thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội", có ý kiến cho rằng như vậy là thiếu cụ thể, dễ bị lợi dụng, dễ tiêu cực làm thiệt thòi cho chủ thể sử dụng đất. Vì vậy, nên quy định lại là: Đất sử dụng cho mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì Nhà nước tiến hành thu hồi theo trình tự thủ tục mà pháp luật quy định. Còn việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội thì phải phân loại, làm rõ quy mô của từng loại dự án để áp dụng loại dự án nào thì Nhà nước tiến hành thu hồi, loại dự án nào thì nhà đầu tư phải thỏa thuận với chủ thể sử dụng đất để nhận chuyển quyền sử dụng đất thực hiện dự án. Trong Chương V - ở khoản 2, Điều 50 của dự thảo quy định "Trường hợp giao đất, cho thuê đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để sử dụng vào mục đích khai thác ngoài các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này còn phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ". Nhiều ý kiến cho rằng quy định này chỉ phù hợp với các dự án quy mô lớn, còn với dự án có quy mô nhỏ, lẻ, nếu phải chờ văn bản chấp thuận của Chính phủ sẽ rất chậm. Do vậy nên phân cấp cho chính quyền các địa phương thực hiện và chịu trách nhiệm trước các cơ quan cấp trên đối với dự án quy mô nhỏ lẻ (Chính phủ nên quy định danh mục phân loại dự án cho phù hợp, có tính thực tế, khả thi). Trong Chương VI, Điều 69, tại điểm c, khoản 1, đề nghị bổ sung cụm từ "và UBND cấp xã" sau cụm từ "tổ chức phát triển quỹ đất". Đề nghị bỏ cụm từ “để lập dự án đầu tư, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư” vì tổ chức phát triển quỹ đất không phải là đơn vị có chức năng lập dự án đầu tư. Mặt khác, nếu giao nhiệm vụ lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thì số lượng cán bộ và năng lực của cán bộ thuộc tổ chức phát triển quỹ đất chưa đủ khả năng để thực hiện. Tại điểm a, khoản 2, Điều 69 đề nghị thay cụm từ “tổ chức phát triển quỹ đất” bằng cụm từ “hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng cấp huyện”; điểm b bổ sung cụm từ “hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng cấp huyện” trước cụm từ “thẩm định”. Tại khoản 4, đề nghị bổ sung cụm từ “phối hợp với chính quyền địa phương nơi có đất thu hồi” trước cụm từ “tổ chức phát triển quỹ đất có trách nhiệm”. Trong Chương XI, tại Điều 161 Luật Đất đai (sửa đổi) nên quy định bắt buộc phải công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch có liên quan đến quyền sử dụng đất, chứ không nên quy định việc công chứng, chứng thực theo nhu cầu của các bên... Về việc giao đất nông nghiệp, trong Chương VI - ở khoản 2, Điều 75 hộ gia đình, cá nhân đã được giao ruộng ổn định lâu dài theo quy định tại Nghị định số 64-CP ngày 27-9-1993 của Chính phủ. Như vậy, các trường hợp sử dụng đất nông nghiệp trước ngày 01-7-2004 cơ bản đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên đủ điều kiện để được nhận bồi thường; còn các trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà sử dụng đất nông nghiệp trước ngày 01-7-2004 hầu hết là vi phạm pháp luật ví dụ như: lấn chiếm đất công hoặc diện tích đất công nhận khoán thầu đất công của UBND xã; lấn chiếm đất hành lang; mua bán chuyển nhượng đất nông nghiệp trái phép. Do đó, đề nghị sửa đổi thành “Đối với các trường hợp sử dụng đất nông nghiệp trước ngày 01-7-2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì hội đồng bồi thường GPMB cấp huyện xem xét lập phương án xử lý trình cấp Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt” cho phù hợp với thực tế. Trong Chương X các Điều 120, 121, 122 và 124, 143 nên quy định lại thời hạn giao đất nông nghiệp là 30 năm, vì nếu quy định là 50 năm như dự thảo là quá dài.

Luật Đất đai là một đạo luật quan trọng, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như mọi mặt đời sống của nhân dân. Tỉnh ta có  hơn 80% lao động nông nghiệp, nên việc lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được người dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm và tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ góp phần xây dựng hoàn thiện Luật Đất đai./.

Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com