Hơn 400 ngàn lượt ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

08:04, 08/04/2013

Thực hiện Chỉ thị số 22 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 38 của Quốc hội, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh về việc lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, từ tháng 1-2013 đến nay, cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức tuyên truyền, định hướng, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên và nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu, tham gia, đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được tiến hành rộng rãi, dân chủ, công khai ở ba cấp thông qua các hình thức: Góp ý trực tiếp, góp ý bằng văn bản gửi đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; tổ chức hội nghị, hội thảo; lấy ý kiến trực tiếp đến từng hộ gia đình và qua các phương tiện thông tin đại chúng. Mỗi người có thể tham gia đóng góp về toàn bộ nội dung dự thảo hoặc từng chương, điều, khoản cụ thể mà mình quan tâm. Đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tổ chức được 845 cuộc tọa đàm, hội thảo, hội nghị với trên 400 nghìn lượt ý kiến của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân góp ý kiến vào toàn bộ nội dung hoặc từng chương, điều, khoản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nhìn chung các ý kiến đóng góp đều thống nhất khẳng định nội dung dự thảo đã bảo đảm cụ thể hoá các quan điểm của Đảng trong Cương lĩnh chính trị và văn kiện Đại hội Đảng khoá XI về sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Đại biểu góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại hội nghị do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức.
Đại biểu góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại hội nghị do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được soạn thảo công phu, nội dung chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu đặt ra hiện nay. Một số vấn đề được tập trung đóng góp như: Chế độ chính trị; Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và môi trường; Bảo vệ Tổ quốc, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Chính quyền địa phương… Cụ thể có 332.941 ý kiến đóng góp vào phần Lời nói đầu; trong đó có nhiều ý kiến đề nghị thay cụm từ “Trải qua mấy nghìn năm lịch sử…” bằng cụm từ “Trải qua hàng nghìn năm lịch sử…” và thêm từ “yêu nước” vào sau từ “truyền thống”. Trong chương I - Chế độ chính trị, ở Điều 4, có 330.737 ý kiến đóng góp, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội quy định trong Hiến pháp là tất yếu lịch sử, được chứng minh qua thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ra đời đến nay; trong đó các ý kiến đề nghị bổ sung từ “duy nhất” sau từ “lực lượng” ở khoản 1. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến kiên quyết phản bác việc một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 “kiến nghị” bỏ Điều 4 trong dự thảo hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong Chương II, nhiều ý kiến cho rằng Điều 18, khoản 2 quy định “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam, giao nộp cho nhà nước khác”. Quy định trên chỉ đúng trong trường hợp người đó chỉ có một quốc tịch, chưa phù hợp với người có 2 quốc tịch. Trong Điều 18 và Điều 19 quy định “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời cộng đồng dân tộc Việt Nam”, “Nhà nước CHXHCN Việt Nam bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài”, quy định này vẫn còn chung chung. Cần quy định rõ là Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời quy định quyền lợi, nghĩa vụ công dân Việt Nam sinh sống ở nước ngoài giống như những công dân trong nước. Có trên 300 nghìn ý kiến đóng góp vào Điều 66, Chương III - Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và môi trường, trong đó nhiều ý kiến đề nghị bổ sung “Nền giáo dục nước nhà là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng” vào trước đoạn “Phát triển giáo dục nhằm hình thành nhân cách…”. Trong số gần 1.000 ý kiến đóng góp vào Chương VIII “Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân”, có nhiều ý kiến đồng tình cao việc Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã bố cục lại quy định về tổ chức và hoạt động của ngành Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân theo hướng ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo bao trùm hết các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của các cơ quan này, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng các luật chuyên ngành. Trong Chương IX - Chính quyền địa phương có 6.870 ý kiến, trong đó tập trung vào Điều 115, đề nghị bổ sung vào cuối khoản 1 quy định “đối với đô thị loại đặc biệt, việc phân chia cấp hành chính sẽ do Quốc hội quyết định”, vì địa bàn nông thôn và đô thị có những đặc thù khác nhau. Nhiều ý kiến cũng đề nghị đổi “Ủy ban nhân dân” các cấp thành “Cơ quan hành chính” các cấp, chẳng hạn như “Ủy ban hành chính tỉnh”, “Ủy ban hành chính huyện”, “Ủy ban hành chính xã” cho đúng với tính chất, nội hàm của chức năng mà các cơ quan này đang thực hiện. Làm rõ khái niệm về “Chính quyền địa phương” vì quy định “Chính quyền địa phương” còn chung chung, chưa nêu bật được vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt là HĐND các cấp…

Theo quy định từ nay cho đến 30-9-2013, trước khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2013) nhân dân vẫn tiếp tục đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hiện các cơ quan, tổ chức, địa phương trong tỉnh đang tiếp tục triển khai lấy ý kiến nhân dân đến từng hộ gia đình bằng hình thức "Phiếu xin ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992"./.

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com