Thực hiện Chỉ thị số 22 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 38 của Quốc hội và sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND và UBND tỉnh, từ đầu tháng 2-2013, Ban Biên tập Báo Nam Định đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên báo, đồng thời tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, phóng viên, CNV vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; các ý kiến của cán bộ, phóng viên đều nhất trí với tên gọi của Hiến pháp và khẳng định việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là cần thiết để đáp ứng với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay, đồng thời tập trung thảo luận, làm rõ nhiều nội dung quan trọng trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, trong đó tập trung vào các nội dung: Vai trò lãnh đạo của Đảng, thể chế chính trị, chức năng của báo chí... Thảo luận về vai trò, vị trí của Đảng, các ý kiến đều khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân, là đội ngũ tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng trong quá trình xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, nhiều ý kiến đã phản bác lại luận điểm của một số tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ "kiến nghị" bỏ Điều 4 trong Chương I của dự thảo hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đòi đa nguyên, đa Đảng nhằm thay đổi chế độ chính trị, đẩy đất nước vào tình trạng hỗn loạn... Trên cơ sở phản bác lại luận điểm trên, nhiều ý kiến kiến nghị: Hiến pháp cần khẳng định và đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng vì trên thực tế, trong suốt 83 năm qua, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành thắng lợi các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước tạo ra những thành tựu to lớn về kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội..., được cả thế giới công nhận, thì Đảng có đủ tín nhiệm, trí tuệ, bản lĩnh, niềm tin để lãnh đạo toàn dân tiếp tục đi theo con đường đã chọn. Tuy nhiên, một số ý kiến phát biểu, đề nghị Hiến pháp cần bổ sung rõ ràng và cụ thể hơn về quyền cũng như vai trò, trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân, thể hiện rõ hơn vai trò giám sát của nhân dân đối với Đảng. Nhiều ý kiến cho rằng nên đưa cụm từ "Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình" lên trước cụm từ "Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân".
Về chức năng của báo chí, Điều 64 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, khoản 2 viết "Phát triển các phương tiện thông tin đại chúng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội", nhiều ý kiến cho rằng, chức năng của báo chí hiện nay là khá đa dạng, trong đó có 3 chức năng chính được sự đồng thuận cao của nhiều nước là: thông tin, văn hóa, giáo dục. Ngoài chức năng thông tin, chức năng văn hóa (bao gồm giải trí) luôn theo sát sự quan tâm của công chúng. Thực tế chức năng giáo dục luôn được coi là chức năng không thể thiếu nhằm nâng cao dân trí của các loại hình báo chí. Vì vậy, ở phần này đề nghị nên thể hiện là "Phát triển các phương tiện thông tin đại chúng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin, văn hóa, giáo dục của nhân dân...". Cũng ở khoản 2, Điều 64 bản dự thảo viết "Phát triển các thông tin đại chúng… phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội" có nhiều ý kiến cho rằng viết như vậy là chưa bao quát và đề nghị nên thay cụm từ "... phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội" thành "phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"./.
PV