Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đã từng nói tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng: "Đảng ta là con nòi...". "Con nòi" có thể được hiểu Đảng ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. "Con nòi" cũng có thể được hiểu là kế thừa, kết tinh những gì tốt đẹp nhất, tinh túy nhất của nhân dân.
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam thể hiện rõ những phẩm chất cao quý. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên mạnh mẽ, cần cù, chịu khó, thông minh, gan dạ, dũng cảm và cũng rất nhân văn.
Năm nay, kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đảng, ngày 3-2 đúng vào ngày 23 tháng Chạp. Đảng ta “báo cáo" với nhân dân, với Chủ tịch Hồ Chí Minh vô vàn kính yêu đã làm được những gì có lợi cho dân, những gì chưa làm được, những gì cần phải làm tốt hơn.
Tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (3-2-1930 - 3-2-1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại”. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, một lần nữa Người khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh, tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Bác cũng khẳng định, Đảng “là đạo đức, là văn minh”.
Với những thắng lợi đã giành được trong hơn 80 năm qua và từ thực tiễn phong phú của cách mạng, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đảng đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm lớn. Trong đó có hai bài học liên quan mật thiết đến sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân” và bài học “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra”.
Trong lãnh đạo, Đảng có lúc cũng phạm sai lầm, khuyết điểm, có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan, Đảng đã nghiêm túc trong phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới chỉnh đốn để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên. Điển hình như ngay trong Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản năm 1930 Đảng đã tiến hành tự phê bình rất nghiêm khắc bằng sự "tự chỉ trích" chuyển hướng phong trào Dân chủ 1936-1939 và gần đây nhất là Hội nghị Trung ương 4, khóa XI đã thảo luận và ra Nghị quyết về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết đã thẳng thắn chỉ rõ: “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Nghị quyết đã chỉ rõ một trong ba vấn đề cấp bách là: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo lợi ích, tiền tài, kèn cựa lợi ích, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…
Nguyên nhân chủ quan dẫn đến những hạn chế, yếu kém trên là do cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi; nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Sau khi kiểm điểm, phê bình nghiêm túc, tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thành thật nhận lỗi trước Ban Chấp hành Trung ương, trước toàn Đảng và toàn dân về tất cả những yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, về những suy thoái, hư hỏng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu. Ban Chấp hành Trung ương cũng tự kiểm điểm và nhận thấy phần trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra và chưa ngăn chặn được những khuyết điểm, yếu kém trong thời gian qua. Ban Chấp hành Trung ương xin nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân và cố gắng làm hết sức mình để từng bước khắc phục.
Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra 4 nhóm giải pháp để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong từng nhóm giải pháp cũng đặc biệt nhấn mạnh những nhiệm vụ để tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Để đổi mới, chỉnh đốn Đảng, phải hết sức tin tưởng và mạnh dạn dựa vào sức mạnh của nhân dân. Từ chi bộ trở lên đến Trung ương Đảng, phải công khai, minh bạch về kết quả chỉnh đốn Đảng trước nhân dân, đồng thời tổ chức lấy ý kiến của quần chúng nhân dân rộng rãi phê bình cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, trước hết là những người đương chức, đương quyền. Nếu chỉ dựa vào Mặt trận góp ý với Đảng thì chưa đủ. Cần phải mở rộng dân chủ công khai trong xã hội để đông đảo nhân dân tham gia xây dựng Đảng. Đặc biệt coi trọng củng cố tổ chức cơ sở đảng, kiện toàn tổ chức từ đảng ủy đến chi bộ, để chi bộ đủ sức trực tiếp lãnh đạo nhân dân tham gia xây dựng Đảng.
Đảng ta không chỉ là Đảng của giai cấp mà còn là Đảng của dân tộc, nên việc chỉnh đốn Đảng không chỉ là công việc của Đảng, mà là của cả dân tộc. Niềm tin của dân không thể áp đặt và bắt buộc. Niềm tin của dân không thể chỉ dựa vào lời nói, mà phải dựa vào việc làm thực tế của Đảng đối với dân./.
Theo qdnd.vn