Nước ta đang thực hiện triệt để và sâu sắc công cuộc đổi mới. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức gay gắt. Đặc biệt trên lĩnh vực đổi mới kinh tế, từng thời điểm nhất định có những diễn biến phức tạp, đó là tình trạng tham nhũng, buôn lậu, hàng nhái, hàng giả; tình hình khó khăn về vốn cho sản xuất… đã làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, gây tâm lý bất an trong nhân dân…
Trong điều kiện như vậy, nội dung giám sát của các cơ quan chức năng của Quốc hội và của toàn dân về lĩnh vực này đã được coi trọng. Tuy nhiên, công tác giám sát vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân. Nếu như việc triển khai các biện pháp bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trong lúc giáp hạt và các thời điểm nhạy cảm khác; cũng như việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, các chủ trương giải pháp tiêu thụ nông sản, hàng hóa… được triển khai khá tốt, thì công tác đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu vẫn là “điểm nóng”, chưa thu được kết quả như mong muốn. Sở dĩ tồn tại tệ nạn tham nhũng là khả năng giám sát chưa được luật hóa một cách cụ thể, cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội thực thi việc giám sát, nhất là về lĩnh vực kinh tế còn khoảng cách nhất định. Vì vậy phải tăng cường khả năng giám sát của Quốc hội và của toàn dân, đặc biệt là giám sát về lĩnh vực kinh tế là đòi hỏi bức thiết. Điều 74 (sửa đổi, bổ sung Điều 83) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nêu: "Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước".
Điều đó cho thấy trách nhiệm của Quốc hội hết sức to lớn và nặng nề. Các phiên họp Quốc hội gần đây ngày càng được đổi mới và có chất lượng hơn, các phiên chất vấn, trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ, thực chất là công khai sự giám sát của Quốc hội trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội. Các đại biểu của nhân dân đã mang được ý chí, nguyện vọng của nhân dân vào nghị trường, qua chất vấn, trả lời chất vấn đã mang lại niềm tin cho nhân dân. Tuy nhiên, như vậy là chưa đủ, mà cần sự giám sát chặt chẽ hơn, thực thi hơn, hiệu quả hơn. Điều 83 (mới) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nêu: "Khi cần thiết, Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định". Đây chính là sự mong mỏi, và cũng là biện pháp cần thiết để tăng cường khả năng giám sát của Quốc hội nhằm chặn đứng và đẩy lùi tệ nạn tham nhũng và các tội phạm kinh tế khác. Trong khoản 3, Điều 85 (sửa đổi, bổ sung Điều 98) nêu: "Đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội yêu cầu trong thời hạn luật định". Luật hóa chính là điều kiện tối ưu để tăng cường hơn nữa vai trò của cơ quan giám sát tối cao.
Tất nhiên để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát, vấn đề then chốt vẫn là phát động cho được phong trào của quần chúng nhân dân, dựa vào dân và tổ chức lực lượng nhân dân để bảo vệ kỷ cương và pháp luật. Muốn vậy, phải coi trọng việc bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của nhân dân, phải coi trọng vai trò của các tổ chức, đoàn thể. Cùng với đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải được đổi mới sâu sắc, toàn diện, có năng lực, có kế hoạch hành động chung, đồng bộ trong việc tổ chức… Chỉ có như vậy hoạt động giám sát, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế mới đạt được kết quả như mong muốn./.
Theo qdnd.vn