Nói như vậy để khẳng định một điều: không phải bất cứ đất nước hay quốc gia nào cũng có thể trở thành dân tộc Biển theo ý muốn chủ quan, dù họ có biển hoặc có phần đất liền với biển. Biển của chúng ta không chỉ trải suốt dọc chiều dài đất nước hàng ngàn cây số, không chỉ gắn với hàng ngàn hòn đảo từ Bắc vào Nam, mà biển Việt Nam rất sớm đã tồn tại từ trong truyền thuyết, trong những câu chuyện, những trường ca đặc sắc thẳm sâu và bất hủ trong tâm hồn biết bao các thế hệ người Việt.
Ngay từ những ngày đầu lập nước, cách đây hàng nghìn năm, từ cái Bọc trăm trứng sinh ra trăm người con, tổ tiên chúng ta đã biết phân chia lực lượng 50 người con lên rừng, 50 người con vươn ra biển lập nghiệp. Đã có truyền thuyết về Mai An Tiêm biết cách sinh sống ngoài đảo khơi, để cho đến hôm nay biết bao thế hệ nối tiếp nối tiếp nhau như một lẽ tự nhiên gắn cuộc đời với biển, chinh phục biển, mưu sinh từ biển, chống ngoại xâm bảo vệ đất nước, bảo vệ cuộc sống của chính mình từ biển quê hương. Các nhà khoa học biển của thế giới đã vô cùng thán phục trước khả năng chinh phục biển diệu kỳ và quả cảm của tổ tiên ta qua các phương tiện đi biển, đó là những bè mảng, thuyền thúng vô cùng đơn sơ nhưng tồn tại được trước phong ba bão táp để đưa được biết bao người Việt vượt trùng khơi tới các đảo, quần đảo trong lòng đại dương mênh mông giữa mù khơi sóng gió, và sau đó là những thế hệ thuyền, tàu giúp cho các triều đại Việt Nam chinh phục quản lý, khai thác các vùng biển đảo.
Chuẩn bị ra khơi. Ảnh: Internet. |
Nhiều trận đánh lẫy lừng chống quân xâm lược từ hướng biển đã nói lên sự hiểu biết, gắn bó của lớp lớp quân và dân chúng ta với biển biết nhường nào. Biển là không gian sinh tồn của bao đời người Việt. Và các thế hệ người Việt cũng đã xây dựng và vun đắp lên một nền văn hóa biển đặc sắc Việt Nam, từ phong tục tập quán, những tri thức kinh nghiệm, đã đời đời ngấm vào máu thịt người dân, trở thành ca dao tục ngữ, thành lời ca tiếng hát điệu hò, là những nỗi nhớ da diết mỗi khi xa biển, hay trước mỗi bước ngoặt cuộc đời. Chị Sứ khi bị bọn ác ôn trói vào thân cây dừa vẫn quên hết cả nỗi đau thể xác để nhận ra hơi biển mặn mòi âm ấm; người chiến sỹ chấp nhận cà răng căng tai lên vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên làm Cách mạng vẫn khôn nguôi nhớ về quê biển Sa Huỳnh... Và Bác Hồ ngay từ buổi đầu ra đi tìm đường cứu nước đã khắc khoải "Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương!”...
Biển của Việt Nam là Biển Đông. Tất cả các điều kiện tự nhiên như thềm lục địa, các sinh vật thủy hải sản đều khách quan khẳng định quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa là của Việt Nam. Đặc biệt quan trọng nhất là các bằng chứng lịch sử của Việt Nam, của quốc tế đã chứng minh điều đó. Các nhà nước Việt Nam trên thực tế đã chiếm hữu, thực thi chủ quyền quản lý và khai thác liên tục Hoàng Sa - Trường Sa ít nhất từ thế kỷ thứ 17 đến nay. Và bản đồ là một bằng chứng khoa học hiển nhiên không thể chối cãi. Cho đến năm 1904 tấm Bản đồ Quốc gia được nhà Thanh soạn thảo công phu nhất trong các triều đại Trung Quốc vẫn không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chủ quyền biển đảo của chúng ta hôm nay hoàn toàn phù hợp với Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), và nhiều văn bản pháp lý quan trọng khác. Đó là chứng cứ lịch sử, là cơ sở pháp lý, là sự thật khách quan để Quốc hội nước ta thông qua Luật Biển vào tháng 6-2012.
Vịnh Hạ Long. Ảnh: Internet. |
Sự thật là như vậy, cớ sao Biển Đông lại trở nên phức tạp và trở thành điểm nóng? Bởi Trung Quốc từ lâu đã có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Và trên thực tế đã có nhiều bước đi, khi thì thầm lặng, lúc thì công khai trắng trợn nhằm hiện thực tham vọng nói trên: Năm 1956 lợi dụng lúc người Pháp bị thua trận, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm các đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa. Cũng trong thời điểm này một vài nước và vùng lãnh thổ đã đánh chiếm một số đảo của ta ở Trường Sa. Năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm nhóm đảo phía tây Hoàng Sa từ tay của Việt Nam Cộng hòa, hoàn tất việc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bằng vũ lực. Năm 1988, Trung Quốc lại một lần nữa dùng vũ lực đánh chiếm một phần quần đảo Trường Sa. Không dừng lại, họ ngang nhiên công bố "đường lưỡi bò” hết sức phi lý trên Biển Đông, thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa”, đổ tiền đổ của để gấp rút xây dựng trái phép cái thành phố này, đồng thời tự cho mình cái quyền được "thực thi pháp luật” trên vùng chủ quyền của Việt Nam. Sau lệnh cấm đánh bắt cá hằng năm, mới đây nhất, Trung Quốc lại tuyên bố "từ 1-1-2013 sẽ khám xét mọi tàu thuyền nước ngoài đi vào vùng biển” mà họ tự tuyên bố chủ quyền” (?). Rõ ràng là tham vọng bá quyền đã làm cho một bộ phận nhà cầm quyền Trung Quốc trở nên ngạo mạn, bất chấp luật pháp, bất chấp đạo lý ngay trong thời đại văn minh.
Hoàng Sa - Trường Sa là máu thịt của Tổ quốc Việt Nam. Biển của chúng ta là không gian sinh tồn của hàng triệu triệu người dân đất Việt từ đời này qua đời khác và sẽ còn tiếp nối muôn đời, đó cũng chính là không gian sinh tồn của dân tộc Việt Nam. Chúng ta đã và sẽ không bao giờ chấp nhận "đường lưỡi bò” phi lý, không bao giờ chấp nhận cái gọi là thành phố Tam Sa và những hành vi, việc làm của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, gây rối, cản trở việc mưu sinh hợp pháp của các công dân, ngư dân chúng ta trên Biển Đông. Chúng ta sẽ kiên quyết đấu tranh để bảo vệ ngư dân bằng chính nghĩa, bằng công lý và pháp luật. Sức mạnh của truyền thống Đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh và truyền thống của một dân tộc biển đã được kết tinh ngàn đời chắc chắn sẽ là chỗ dựa, là lá chắn vững chắc cho các chiến sỹ nơi hải đảo biên cương, cho ngư dân chúng ta vững vàng trước sóng gió Biển Đông./.
Theo daidoanket.vn