Xác định xã, phường, thị trấn là đơn vị hành chính có vai trò quan trọng trong hệ thống chính quyền Nhà nước, trực tiếp đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân, tháng 7-2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XVIII) đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn từ năm 2011-2015 và những năm tiếp theo” nhằm tiếp tục kiện toàn hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền ở cơ sở, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của bộ máy chính quyền Nhà nước, nâng cao đời sống nhân dân.
Những chuyển biến bước đầu
Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Ban TVTU đã chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức nghiên cứu, quán triệt và xây dựng các văn bản để cụ thể hoá, triển khai thực hiện Nghị quyết. Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã có Hướng dẫn số 09 về xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã đạt chuẩn và từng bước đạt chuẩn; Sở Nội vụ ban hành hướng dẫn về tổ chức tuyển dụng công chức cấp xã. Trên cơ sở đó, các huyện, thành phố đã xây dựng, ban hành nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động thực hiện nghị quyết sát với tình hình thực tế của địa phương. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của nghị quyết, các cấp uỷ Đảng đã thực hiện nhiều giải pháp trong đó có việc nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng cán bộ, công chức cấp xã. Theo thống kê của Sở Nội vụ, tổng số cán bộ, công chức cấp xã của tỉnh tính đến hết năm 2010 là 4.060 người, thiếu 945 định biên theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó cán bộ thiếu 108 người, công chức thiếu 837 người. Để bổ sung số cán bộ, công chức còn thiếu hụt, thời gian qua, các huyện, thành phố đã tập trung rà soát các chức danh còn thiếu, xây dựng kế hoạch tuyển dụng trên cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định của tỉnh. Đến tháng 10-2012, toàn tỉnh đã tuyển dụng được 581 công chức, trong đó có 208 người có trình độ đại học và 373 người chuyên môn đúng chuyên ngành về công tác tại các xã, thị trấn. Đồng thời, thông qua đại hội các đoàn thể chính trị cấp xã trong thời gian qua, các cấp uỷ đã chỉ đạo quyết liệt việc đảm bảo chuẩn hoá các chức danh trưởng các đoàn thể; điều chuyển, cho nghỉ chế độ đối với cán bộ không đảm bảo về độ tuổi và trình độ, do đó số cán bộ mới được tuyển dụng và kiện toàn sau đại hội cơ bản đảm bảo tiêu chuẩn theo chức danh. Trong những năm qua, toàn tỉnh đã tuyển dụng gần 400 sinh viên tốt nghiệp đại học, riêng năm 2012 đã tuyển dụng được 98 sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy về công tác tại xã. Cùng với công tác tuyển dụng, các địa phương thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xã, phường, thị trấn theo hướng chuẩn hoá. Sở Nội vụ đã phối hợp với các huyện, thành phố tiến hành khảo sát thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, trên cơ sở đó mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã mở 11 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên cho 1.190 cán bộ cấp xã; 1 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nông nghiệp cho đối tượng công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng NTM tại huyện Hải Hậu cho 52 người; 1 lớp đại học nông nghiệp với 89 học viên, 1 lớp đại học hành chính với 88 học viên; 1 lớp trung cấp Luật cho 135 học viên là chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND xã; 5 lớp trung cấp Luật cho cán bộ, công chức tại 5 huyện: Trực Ninh, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Ý Yên; 1 lớp bồi dưỡng kỹ năng công nghệ thông tin cho 30 công chức cấp xã; 42 lớp bồi dưỡng kiến thức cho 5.512 đại biểu HĐND thành phố và các xã, thị trấn. Ngoài ra, Trường Chính trị Trường Chinh và trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố đã chủ động phối hợp mở các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh, các lớp trung cấp chính trị, quản lý Nhà nước cho cán bộ các hội, đoàn thể, qua đó góp phần nâng cao trình độ, năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ cơ sở. Bên cạnh đó, các huyện uỷ, thành uỷ thường xuyên quan tâm đến công tác chỉ đạo, rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ, quan tâm bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ nữ, cán bộ trẻ có năng lực, trình độ.
Lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn huyện Ý Yên năm 2012. |
Với nhiều giải pháp đồng bộ, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh uỷ, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã từng bước được nâng lên, ngày càng đáp ứng tốt hơn về tiêu chuẩn hoá cán bộ và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Trong tổng số 2.367 cán bộ cấp xã hiện nay, có 440 người có trình độ cao đẳng, đại học, chiếm tỷ lệ 18,6%, tăng 4% so với năm 2011; 1.043 người có trình độ trung cấp, tăng trên 100 người so với một năm trước. Đối với đội ngũ công chức cấp xã, trong số 2.256 người có 505 người có trình độ cao đẳng, đại học; 1.505 người có trình độ trung cấp chuyên môn, tăng 6% so với năm 2011. Tỷ lệ công chức nữ dưới 30 tuổi có xu hướng tăng lên. Đến nay, đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn đã cơ bản đủ về số lượng để đảm đương các chức danh công chức xã, hạn chế tình trạng một cán bộ kiêm nhiệm nhiều chức danh như những năm trước.
Một số vướng mắc cần giải quyết
Bên cạnh những chuyển biến tích cực bước đầu, việc thực hiện Nghị quyết số 05 còn một số hạn chế cần khắc phục. Một số huyện uỷ, thành uỷ chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp xã cho cả nhiệm kỳ. Việc xây dựng đề án và nội dung chương trình bồi dưỡng các chức danh bí thư Đảng uỷ, chủ tịch HĐND, UBND cấp xã theo tinh thần nghị quyết chưa được triển khai thực hiện. Việc đào tạo lại đội ngũ cán bộ cấp cơ sở chưa được thực hiện đồng bộ, mới chỉ đào tạo về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, chưa chú ý bồi dưỡng về kỹ năng quản lý điều hành, tổ chức thực hiện, nhất là xử lý những tình huống khó khăn ở cơ sở. Công tác đào tạo cán bộ còn chạy theo số lượng; việc sử dụng sau đào tạo còn hạn chế, một số cán bộ nguồn được cử đi đào tạo đã tốt nghiệp trở về địa phương nhưng chưa được bố trí, sử dụng, vì số cán bộ hiện đang công tác dù không đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu nên chưa thay thế. Cụ thể trong tổng số 1.258 cán bộ chủ chốt cấp xã bao gồm các chức danh bí thư, phó bí thư Đảng uỷ, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND vẫn còn 447 người chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn (chiếm 35,53%), 169 người chưa được đào tạo về trình độ lý luận chính trị. Trong khi theo chỉ tiêu nghị quyết đến năm 2013, 100% cán bộ chủ chốt cấp xã phải đạt chuẩn theo quy định và được bồi dưỡng theo chức danh. Nguyên nhân của thực trạng này là do hầu hết số cán bộ đều đã ở độ tuổi trên 50 nên việc cử đi học là hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, sau 1 năm thực hiện nghị quyết, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ còn rất thấp. Cụ thể đến nay cán bộ chủ chốt là nữ mới đạt 3,8%, dưới 35 tuổi mới đạt 1,03% trong khi đó nghị quyết đề ra đến năm 2014: 50% số xã có tỷ lệ cán bộ nữ đạt 20% trở lên; cán bộ trẻ (dưới 35 tuổi) đạt 20% trở lên (mỗi xã có ít nhất 1 cán bộ nữ, 1 cán bộ trẻ). Đối với cán bộ trưởng, phó MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã đến năm 2014: 50% số xã có tỷ lệ cán bộ nữ 40% trở lên; cán bộ trẻ (dưới 35 tuổi) đạt 30% trở lên trong khi đến nay tỷ lệ nữ mới đạt 25,2%, cán bộ trẻ dưới 35 tuổi đạt 21,1%. Đối với đội ngũ công chức cấp xã, mặc dù chất lượng đã được nâng lên song đến nay vẫn còn gần 11% công chức chưa qua đào tạo về chuyên môn; gần 50% công chức xã chưa qua đào tạo lý luận chính trị. Từ đó dẫn đến công tác chỉ đạo, điều hành một số nơi còn bộc lộ yếu kém về năng lực, trình độ, nhất là việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào tình hình cụ thể của địa phương, chưa đủ sức giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh theo thẩm quyền, tính tự chủ trong công việc còn hạn chế.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, cùng với việc nâng cao chất lượng tuyển dụng, ưu tiên tuyển dụng những công chức có trình độ đại học chính quy, chuyên ngành phù hợp về công tác tại xã, phường, thị trấn, thời gian tới rất cần sự quan tâm của cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương trong việc sắp xếp, bố trí công việc cho những cán bộ trẻ đã được cử đi đào tạo trở về địa phương, thay thế những cán bộ chưa có đủ bằng cấp chuyên môn theo quy định. Việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, sắp xếp cán bộ phải trên cơ sở quy hoạch cán bộ và khả năng hoàn thành nhiệm vụ; mạnh dạn bố trí sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ được đào tạo cơ bản, đã thử thách trong thực tiễn, có triển vọng phát triển; đồng thời kiên quyết không bố trí sử dụng những cán bộ không có điều kiện, khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Trước mắt, tỉnh cần xây dựng một số chế độ, chính sách cụ thể đối với những cán bộ cấp xã thôi công tác trước tuổi về hưu do chưa đạt chuẩn và năng lực, trình độ hạn chế, tuổi đời cao; chế độ hỗ trợ cho cán bộ luân chuyển; cụ thể hoá chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy có chuyên ngành phù hợp về công tác ở cơ sở... Đó là cơ sở để các địa phương triển khai các bước tiếp theo của nghị quyết, tạo bước đột phá về chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, cơ cấu, đủ khả năng hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao, góp phần lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương./.
Bài và ảnh: Hoài Phương