Kế hoạch về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

08:01, 18/01/2013

Ngày 14-1-2013, HĐND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 04/KH-HĐND về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nội dung như sau:

Thực hiện Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23-11-2012 của Quốc hội; Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 28-12-2012 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 216/KH-UBDTSĐHP ngày 28-12-2012 của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sau đây gọi chung là dự thảo sửa đổi Hiến pháp). Sau khi xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và thống nhất với Thường trực UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh Nam Định xây dựng Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp của tỉnh như sau:

1. Mục đích, yêu cầu

a) Mục đích

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân đối với việc sửa đổi Hiến pháp, thi hành Hiến pháp, pháp luật và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

b) Yêu cầu

- Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp (Sau đây viết tắt là tổ chức lấy ý kiến nhân dân) phải tổ chức với các hình thức thích hợp, tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; đúng tiến độ, chất lượng, thiết thực, đảm bảo mục đích, yêu cầu được xác định tại Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23-11-2012 của Quốc hội; Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 28-12-2012 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 216/KH-UBDTSĐHP ngày 28-12-2012 của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Thông tri số 10-TT/TU ngày 08-01-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

2. Nội dung và hình thức lấy ý kiến nhân dân

- Lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo sửa đổi Hiến pháp, bao gồm: lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.

- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến vào toàn bộ dự thảo sửa đổi Hiến pháp; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tập trung đóng góp ý kiến sâu về những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức mình và những vấn đề mà cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm.

- Các hình thức lấy ý kiến nhân dân bao gồm: Góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản; thông qua tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị tọa đàm, thảo luận; thông qua Trang thông tin điện tử của tỉnh, các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức phù hợp khác.

3. Đối tượng lấy ý kiến

- Các tầng lớp nhân dân.

- Các cơ quan Nhà nước ở địa phương: HĐND, UBND; các cơ quan tư pháp: Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Thi hành án dân sự; các sở, ban, ngành; Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; các huyện, thành phố; các xã, phường, thị trấn.

- Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội.

4. Tổ chức thực hiện

a) Ở cấp tỉnh

- Thường trực HĐND tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức lấy ý kiến nhân dân ở cấp tỉnh. Thực hiện các nội dung sau:

+ Thành lập Tổ giúp việc Thường trực HĐND tỉnh về công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân.

+ Gửi các tài liệu phục vụ lấy ý kiến nhân dân tới các sở, ban, ngành, cơ quan cấp tỉnh, HĐND, UBND thành phố, các huyện.

Tài liệu bao gồm: Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23-11-2012 của Quốc hội về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 28-12-2012 của Bộ Chính trị; Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; Bản so sánh giữa Hiến pháp năm 1992 với dự thảo sửa đổi Hiến pháp; Báo cáo thuyết minh về nội dung của dự thảo sửa đổi Hiến pháp; Thông tri số 10-TT/TU ngày 08-01-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 28-12-2012 của Bộ Chính trị “về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”.

(Thời gian: Xong trước ngày 15-01-2013)

+ Tổ chức họp chuyên đề của HĐND tỉnh để thảo luận, tham gia ý kiến.

Thành phần: Thường trực HĐND tỉnh; Trưởng, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đại biểu HĐND tỉnh; Chánh, Phó Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh.

(Thời gian: Xong trước ngày 10-03-2013)

+ Tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp ở cấp tỉnh

Thành phần: Đại diện Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; các đại biểu Quốc hội của tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan cấp tỉnh; Ủy ban MTTQ và đại diện các tổ chức thành viên; đại diện một số đơn vị cấp huyện, xã; một số chuyên gia, nhân sỹ, trí thức tiêu biểu.

(Thời gian: Xong trước ngày 15-03-2013)

+ Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác tổ chức lấy ý kiến trong phạm vi toàn tỉnh.

+ Chỉ đạo Tổ giúp việc, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của tỉnh gửi Chính phủ và Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

(Thời gian: Xong trước ngày 25-03-2013)

- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có trách nhiệm:

+ Phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh tổ chức lấy ý kiến ở cấp tỉnh.

+ Hướng dẫn các đại biểu Quốc hội thu thập, nghiên cứu ý kiến đóng góp của cử tri để phản ánh với Thường trực HĐND tỉnh và chuẩn bị cho việc tham gia thảo luận, thông qua Hiến pháp ở kỳ họp Quốc hội.

- Các sở, ban, ngành, cơ quan cấp tỉnh, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh có trách nhiệm:

+ Tổ chức việc lấy ý kiến tại cơ quan, đơn vị mình, xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến của cơ quan, đơn vị mình.

(Thời gian: Xong trước ngày 15-03-2013)

+ Tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức thành viên theo chỉ đạo của ngành dọc cấp trên (nếu có).

- Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Bản Tin thông báo nội bộ của tỉnh có trách nhiệm:

Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phản ánh, đưa tin về công tác tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân qua Trang thông tin điện tử.

b) Ở cấp huyện, thành phố

- Thường trực HĐND Thành phố Nam Định; UBND các huyện có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND thành phố, Ủy ban MTTQ thành phố (huyện) và các cơ quan liên quan tổ chức lấy ý kiến nhân dân ở thành phố và các huyện. Thực hiện các nội dung sau:

+ Xây dựng kế hoạch tổ chức lấy ý kiến ở huyện, thành phố.

+ Tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp.

Thành phần: Đại diện Thường trực Thành ủy (huyện ủy), UBND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố (huyện); đại diện cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội các xã, phường, thị trấn; thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành của thành phố (huyện); một số đại diện cử tri.

(Thời gian: Xong trước ngày 15-03-2013)

+ Tổ chức các hình thức lấy ý kiến khác theo quy định và tình hình, đặc điểm cụ thể của địa phương.

+ Chỉ đạo các cơ quan thông tin tuyên truyền của địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phản ánh công tác tổ chức lấy ý kiến và ý kiến đóng góp của nhân dân.

+ Chỉ đạo xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân tại địa phương về Thường trực HĐND tỉnh.

(Thời gian: Xong trước ngày 20-03-2013)

c) Ở cấp xã, phường, thị trấn:

- Thường trực HĐND các xã, thị trấn; UBND các phường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức lấy ý kiến nhân dân ở các xã, phường, thị trấn. Thực hiện các nội dung sau:

+ Xây dựng kế hoạch tổ chức lấy ý kiến ở địa phương mình.

+ Tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp.

Thành phần: Đại diện thường trực cấp ủy, HĐND (đối với các xã, thị trấn), UBND, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; bí thư, trưởng thôn, xóm, tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận các thôn, xóm, tổ dân phố, một số đại diện cử tri.

(Thời gian: Xong trước ngày 10-03-2013)

+ Tổ chức các hình thức lấy ý kiến khác tùy tình hình, đặc điểm cụ thể của địa phương.

+ Chỉ đạo xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân tại địa phương mình gửi về thường trực HĐND thành phố và UBND huyện.

(Thời gian: Xong trước ngày 15-03-2013)

5. Báo cáo tổng hợp ý kiến

- Báo cáo tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức và ý kiến tham gia đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần thể hiện các nội dung:

+ Đánh giá chung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

+ Về bố cục và kỹ thuật xây dựng Hiến pháp.

+ Ý kiến về từng nội dung trong dự thảo (theo từng chương), trong đó nêu rõ những nội dung tán thành hoặc không tán thành; lý do tán thành hoặc không tán thành; những nội dung cần sửa đổi, hướng sửa đổi và lý do của việc sửa đổi; những nội dung cần bổ sung mới hoặc đưa ra khỏi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

- Thường trực HĐND tỉnh có hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của các địa phương, đơn vị trong tỉnh.

6. Địa chỉ hòm thư tiếp nhận ý kiến đóng góp bằng văn bản của các cá nhân:

- Ở tỉnh: Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh - số 57, đường Vị Hoàng, Thành phố Nam Định (phong bì không cần dán tem).

- Thường trực HĐND, UBND thành phố, UBND các huyện quy định địa chỉ hòm thư tại địa phương mình để các cá nhân trong địa phương gửi ý kiến đóng góp.

7. Kinh phí thực hiện

Sở Tài chính phối hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh triển khai hướng dẫn các đơn vị, địa phương xây dựng dự toán chi phục vụ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; tổng hợp dự toán và chủ động tham mưu cho UBND tỉnh sắp xếp, bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013 để bổ sung cho các đơn vị, địa phương.

TM. THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Phạm Hồng Hà
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com